Cuộc sống mới ở Khánh Giang - Trường Lệ

05:04, 16/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ, tại xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) do Tiểu đoàn Tiger Focer (Quân đội Mỹ) gây ra vào ngày 17.4.1969 đã khiến 63 thường dân bị sát hại, để lại những nỗi đau khôn nguôi. Sau 50 năm xảy ra vụ thảm sát, các cấp chính quyền cùng người dân địa phương đã nỗ lực xây dựng quê hương Khánh Giang - Trường Lệ ngày càng phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi về Khánh Giang-Trường Lệ trong những ngày đầu tháng 4. Hoa bằng lăng nở tím khu tưởng niệm. Khung cảnh làng quê yên bình, cuộc sống mới đang dần hồi sinh trên vùng đất đau thương một thời...

Hồi ức đau thương

Chị Phạm Thị Tây (người dân tộc Hrê) có nhà sát khu di tích kể: "Buổi sáng hôm đó, làng quê rất bình yên. Nhưng rồi, quân đội Mỹ xuất hiện, chúng gom người lại rồi xả súng bắn. Sau đó, chúng đến từng ngôi nhà châm lửa đốt, ném lựu đạn vào những chiếc hầm trú ẩn”.

Khu di tích Khánh Giang - Trường Lệ đã được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp.
Khu di tích Khánh Giang - Trường Lệ đã được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp.


Chị Tây là một trong những người may mắn thoát chết, nhưng bà ngoại và hai em ruột của chị không còn nữa. Trong dòng người đến thắp hương tại Khu di tích Khánh Giang - Trường Lệ có cựu chiến binh Dương Văn Xu - nguyên là trung đội trưởng pháo binh, thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5).

Ông lặng lẽ đến bên ngôi mộ chung, nơi 5 người thân của gia đình ông bị chết trong vụ thảm sát. Ông Xu nhớ lại: "Sau khi sát hại dân lành, quân đội Mỹ còn lưu lại quanh khu vực để phục kích hòng giết thêm những người thoát nạn trở về. Đến khi chúng rút đi, xác người chết bị thối rữa, không nhận diện được nên đành chôn chung".

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khánh Giang - Trường Lệ là địa bàn hoạt động của các đơn vị chủ lực của cách mạng, nên trở thành "dấu chấm đỏ" trên bản đồ của Mỹ. Vì thế, quân đội Mỹ liên tục nã pháo vào thôn Trường Khánh (sau này chia thành thôn Khánh Giang và Trường Lệ). Ngày 17.4.1969, chúng lùng sục thôn Trường Khánh đốt phá, bắn chết 63 người dân và làm nhiều người bị thương. Vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ đã gây chấn động thế giới.

Bà Nguyễn Thị Đa, người sống sót trong vụ thảm sát, đã đi đến 10 nước trên thế giới để kể lại tội ác của quân đội Mỹ, cùng nỗi đau của bà con có người thân bị thảm sát. Năm 1993, tỉnh đề nghị Bộ VH-TT xếp hạng di tích vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ  là di tích lịch sử Quốc gia. Sau khi di tích được xếp hạng, tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng tượng đài, mộ phần và nhà bia tưởng niệm.
 

Nhân dịp tưởng niệm 50 năm (17.4.1969 - 17.4.2019) xảy ra vụ thảm sát Khánh Giang- Trường Lệ, tỉnh đã hỗ trợ huyện Nghĩa Hành 5 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp Khu di tích Khánh Giang - Trường Lệ.

Cuộc sống mới đang dần hồi sinh

Bí thư Chi bộ thôn Trường Lệ Trần Trọng Tài có nhà ở gần điểm thảm sát cho biết: "Trong chiến tranh, Khánh Giang - Trường Lệ gánh nỗi đau của vụ thảm sát và hoang tàn, đổ nát bởi bom pháo và những trận càn của địch. Khi đất nước được giải phóng, chính quyền cùng với người dân chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung khai hoang vỡ hóa, đầu tư công trình thủy lợi, đào kênh dẫn nước về đồng để sản xuất. Trên những đồi hoang, người dân trồng khoai, mì, mía, keo lai... phát triển kinh tế gia đình".

Ông Lương Ngọc Linh, ở thôn Trường Lệ vui mừng cho biết: “Nhiều năm nay, người dân trong vùng đã biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, cuộc sống đã được cải thiện, người dân có của ăn của để...".

Là người sinh sau ngày giải phóng, anh Trần Quốc Vương thấu hiểu những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra, nên anh luôn cố gắng làm ăn, góp phần xây dựng quê hương. Anh Vương lên đồi Gò Mè trồng rau, nuôi gà, cây ăn quả để tăng thu nhập cho gia đình. Mô hình kinh tế của anh hứa hẹn là điểm cung cấp thực phẩm sạch cho các hàng quán trong và ngoài xã Hành Tín Đông.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê phấn khởi nói: "Bên cạnh nỗ lực của người dân trong vùng, khi tỉnh đầu tư mở đường liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ đi qua vùng đất Khánh Giang - Trường Lệ; xây hồ chứa nước suối Chí... đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, phát triển sản xuất lúa nước. Từ khi huyện Nghĩa Hành triển khai xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Khánh Giang - Trường Lệ ngày càng khởi sắc. Cuộc sống của trên 200 hộ dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể".

Ở Khánh Giang - Trường Lệ còn có rừng tự nhiên Núi Lớn. Sau chiến tranh, người dân đã tham gia bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn, nên những năm qua người dân đã thu được nhiều lâm sản phụ, như dầu rái, mật ong, sa nhân... góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Tỉnh đã triển khai dự án phục hồi và quản lý rừng bền vững trên diện tích 1.012ha ở Núi Lớn, nhằm bảo vệ rừng và tăng sinh kế cho người dân nơi đây.

Rừng tự nhiên ở Khánh Giang-Trường Lệ bây giờ xanh thẳm, tạo nguồn nước dồi dào cho suối Chí. Huyện Nghĩa Hành đã kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư để xây dựng Khu du lịch sinh thái Suối Chí và đã thu hút được nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Thôn Khánh Giang - Trường Lệ hôm nay đã khoác lên mình sức sống mới.
Thôn Khánh Giang - Trường Lệ hôm nay đã khoác lên mình sức sống mới.


Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình cho biết thêm: Di tích Khánh Giang - Trường Lệ luôn nhắc nhở các thế hệ về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình. Những năm qua, tỉnh và huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cải thiện cuộc sống cho các gia đình chính sách và những gia đình có người thân bị mất trong vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ.

Cán bộ và nhân dân thôn Khánh Giang và Trường Lệ đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng Hành Tín Đông trở thành xã nông thôn mới. Khánh Giang - Trường Lệ nói riêng và xã Hành Tín Đông nói chung hiện đang có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Huyện sẽ quan tâm chỉ đạo địa phương phát huy thành quả của xã nông thôn mới, tiếp tục nâng cao đời sống người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đất  đau thương một thời.

Bài, ảnh: MAI HẠ


.