(Báo Quảng Ngãi)- Tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những hướng thoát nghèo bền vững của người dân, nhất là tại các huyện nghèo. Quyết định 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động (NLĐ) tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020, mang lại cho NLĐ cơ hội tham gia vào các thị trường chất lượng cao. Tuy nhiên, thủ tục cho vay còn vướng mắc, khiến nhiều người không thể vay được vốn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Được vay 100% vốn ưu đãi
Trong khi Quyết định 71/2009/ QĐ-TTg hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020, chỉ cho các đối tượng hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vay vốn XKLĐ, thì Quyết định 27/2019/QĐ-TTg, đối tượng cho vay được mở rộng là N LĐ có hộ khẩu thường trú từ 12 tháng trở lên tại các huyện nghèo, có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; NLĐ được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp (DN), tổ chức sự nghiệp theo quy định của pháp luật.
Người lao động tìm hiểu thông tin xuất khẩu lao động tại sàn giao dịch việc làm tỉnh năm 2019. |
Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí NLĐ đóng theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài đã ký với DN, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật. NLĐ được vay vốn theo quy định nêu trên mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Về lãi suất cho vay, NLĐ thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; NLĐ khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên.
Quyết định cũng quy định cụ thể việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt vốn vay. Theo đó, NLĐ lập hồ sơ vay vốn gửi trực tiếp hoặc thông qua DN, tổ chức sự nghiệp đến Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) cấp huyện, nơi NLĐ có hộ khẩu thường trú.
Phối hợp chưa đồng bộ
Gia đình không thuộc diện hộ nghèo, nhưng để chuẩn bị một khoản tiền gần 200 triệu đồng để có thể đi làm việc ở Nhật Bản là cả một vấn đề đối với gia đình em Phạm Thị Như Ý, ở thôn Phú Long, xã Trà Phú (Trà Bồng). Năm 2019, em Ý đăng ký tham gia XKLĐ tại Nhật Bản và đã hoàn thành các khóa học tiếng Nhật cũng như kỹ năng nghề; đồng thời hoàn tất VISA, việc cuối cùng là nộp đủ tiền để có thể xuất cảnh. Đang loay hoay không biết phải vay ở đâu, thì được biết mình thuộc diện vay vốn theo Quyết định 27, gia đình Ý chuẩn bị đầy đủ hồ sơ vay và mong chờ sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, khi hồ sơ đến Ngân hàng CSXH huyện thì lại “vướng”, vì không đủ thủ tục.
Theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH tại Công văn 8539, ngày 15.11.2019, “đối với NLĐ tại huyện nghèo để được cho vay theo Quyết định 27, thì NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải chứng minh bằng hợp đồng cung ứng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và đã ký hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với DN, tổ chức sự nghiệp theo quy định”. Tuy nhiên, các DN tuyển dụng XKLĐ trên địa bàn tỉnh phần lớn không có hợp đồng cung ứng này.
Không chỉ riêng em Ý, từ cuối năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng có 2 trường hợp tương tự ở huyện Trà Bồng và Ba Tơ không thể vay vốn XKLĐ, mặc dù có đầy đủ hồ sơ theo Quyết định 27. Do đó, các trường hợp này phải vay vốn ở ngân hàng thương mại, với mức lãi cao để có thể xuất cảnh đúng hạn.
Chỉ tiêu còn bất cập
Năm nay, chỉ tiêu vận động XKLĐ trong tỉnh là 2.000 người, trong đó các huyện nghèo có chỉ tiêu từ 20 - 100 người. Các địa phương cho rằng, quy định này chưa phù hợp, vì có không ít lao động cư trú tại các huyện nghèo không có cơ hội tham gia XKLĐ. Vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tháo gỡ vướng mắc này, để tiếp tục hỗ trợ NLĐ ở các huyện nghèo có cơ hội việc làm, thu nhập, nhằm thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
|
Bài, ảnh: VŨ YẾN