Tiện ích truyền thanh xã, phường

04:04, 03/04/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Trong những ngày cả nước căng thẳng chống dịch Covid-19 này, các phương tiện truyền thông từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử đến mạng xã hội đều hàng ngày, hàng giờ cung cấp đầy đủ các thông tin về phòng chống dịch đến công chúng cả nước. 
Nơi nào có điện, có internet, người dân hầu như được tiếp cận kịp thời thông tin về cuộc chiến phòng chống đại dịch qua radio, tivi, máy tính và điện thoại thông minh. Thế nhưng vào buổi sáng sớm hay chiều chiều, nếu dạo quanh vùng nông thôn trong tỉnh, mọi người sẽ nhận ra sự thiếu vắng rất quan trọng là tiếng loa truyền thanh xã, phường, thị trấn trong mùa chống dịch. 
 
Ảnh minh họa- Internet
Ảnh minh họa- Internet
 
Thật ra không phải nơi nào loa truyền thanh cũng im ắng. Toàn tỉnh hiện có 170 Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên tống số 173 đơn vị hành chính cấp xã. Truyền thanh cơ sở hầu hết phát sóng FM với 2803 cụm loa có khả năng phủ sóng đến 85% khu vực dân cư ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi. 
 
Do nhiều nguyên nhân như thiếu kinh phí đầu tư, thiết bị hư hỏng, cán bộ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ lại làm kiêm nhiệm, phụ cấp ít nên chỉ một nửa trong số này hoạt động. Về vùng nông thôn của thị xã Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi hay các huyện đồng bằng của tỉnh còn nghe được tiếng loa truyền thanh, riêng miền núi chỉ vài đài hoạt động tiếp âm Đài tỉnh và Đài tiếng nói Việt Nam.
 
Ở 5 huyện miền núi của tỉnh có đến 40 đài truyền thanh không đạt chuẩn theo quy định về thiết chế truyền thanh cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Có huyện không Đài nào đạt chuẩn và đã hư hỏng từ nhiều năm nay.
 
Bình thường, chẳng ai chú ý đến truyền thanh cơ sở, có người còn tếu táo  rằng “Ban ngày bao chuyện điếc tai, ban đêm lại phải nghe… đài truyền thanh”. Thế nhưng khi có thiên tai, gọi công dân nhập ngũ, thu thuế, huy động ngày công nghĩa vụ ở nông thôn… , nhất là dich bệnh thì truyền thanh xã, phường trở thành công cụ rất hữu ích cho công tác chỉ đạo, điều hành ở cơ sở.
 
Mới đây, khi kiểm tra việc cấp phát tài liệu tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, một chủ tịch xã nói nói tôi: “Không có đài truyền thanh, địa phương rất khó trong chỉ đạo, nhắc nhở bà con tuân thủ các quy định của ngành ý tế về phòng chống dịch cũng như chuyển tải chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia, của tỉnh, của huyện và địa phương; nhất là trong giai đoạn mới này”. Và chưa đến một tuần sau, địa phương đã bỏ kinh phí sửa chữa để Đài xã hoạt động trở lại. 
 
Đều đặn ngày hai buổi, đài thông tin đến bà con nhiều nội dung của địa phương, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc người dân cần thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt để thích ứng với các yêu cầu phòng chống dịch như tăng cường giao dịch trực tuyến, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra đường, đến những nơi công cộng, hạn chế tôi đa việc tập trung đông người ở đám cưới, đám hiếu… Không có đài truyền thanh, các thông điệp này đến với người dân cũng rất khó, nếu mọi người không thường xuyên theo dõi tivi.
 
Truyền thanh xã, phường mang lại nhiều tiện ích, bởi lẽ chỉ có đài xã, phường mới nói chuyện phường, xã và không thể có phương tiện nào có thể thay thế được. Chính vì thế Đảng và Nhà nước ta có chủ trương xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông để phát huy hiệu quả.
 
Hiện đại hóa truyền thanh cơ sở là chặng đường dài. Trước mắt, các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi - nơi đang rất thiếu về thông tin cần sớm vực dậy đài truyền thanh cấp xã để phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Khó khăn về kinh phí, về con người có thể khắc phục được, nhưng nếu thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ thì hậu quả xảy ra là điều rất khó lường trước.
 
Thanh Tánh
 

.