(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 khiến đời sống, sinh hoạt của nhiều người bị đảo lộn. Thu nhập bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều sự thay đổi, trong đó có chi tiêu và cách quản lý tài chính của mỗi người.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những tháng qua, rất nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không ít người bị giảm lương, giảm số đơn hàng, giảm nguồn thu... Là người kinh doanh về thời trang, chị Thương Thương, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho biết: "Thu nhập tháng vừa rồi của tôi giảm rất nhiều vì dịch. Thời điểm này không có khách du lịch nên hàng hóa không bán được".
Chợ truyền thống cũng thưa vắng người mua vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc của các gia đình, đồng thời cũng tiết kiệm được chi phí thường nhật. “Bình thường, gia đình tôi hay ăn hàng quán bên ngoài. Nhưng hơn chục ngày qua, để chung tay phòng, chống dịch, tôi nấu ăn tại nhà. Dịch bệnh buộc mọi người phải tìm cách thích nghi. Với tôi, đây cũng là dịp để điều chỉnh thói quen chi tiêu của bản thân và gia đình”, chị Thương chia sẻ.
Đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, nhiều quán ăn, cơ sở kinh doanh đều chủ động đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Bà Phạm Thị Liên, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) cho hay: "Gia đình tôi bán quán ăn sáng. Việc tạm nghỉ buôn bán khiến gia đình gặp khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết trong thời điểm này. Không riêng gì gia đình tôi, nhiều người cũng rất áp lực với việc chi tiêu khi mọi công việc đình đốn. Tôi nghĩ, giảm chi phí sinh hoạt, hạn chế chi tiêu là một trong những giải pháp để chống chọi trong thời kỳ dịch bệnh".
Nhịp sinh hoạt của con người cũng đang thay đổi theo hướng chậm lại. Hầu hết nhu cầu giải trí, giao lưu, chi tiêu... đều tạm thời dừng lại. Điều đó đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Thay vì đến siêu thị hay ra chợ như trước đây, nhiều người đã chuyển sang mua hàng online. Do các “chợ điện tử” hiện đang có nhiều chính sách khuyến mãi nên việc giúp người mua tiết kiệm tài chính, thời gian, bảo đảm an toàn bởi không phải tiếp xúc với quá nhiều người như cách mua hàng truyền thống.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì người tiêu dùng sẽ nghĩ nhiều đến việc dự phòng rủi ro. Họ hạn chế những chi tiêu không thực sự cần thiết để chuẩn bị tài chính sẵn sàng cho các tình huống đột xuất của gia đình và chủ động đối phó với diễn biến của dịch bệnh.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN