Học sinh miền Nam: Một thời để nhớ

10:04, 30/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tuy đã bước qua cái tuổi 70, 80, nhưng nhiều cựu học sinh miền Nam vẫn ngân nga: “Ngày con mới ra miền Bắc/Con còn bé xíu xiu/ Như là cái hạt tiêu...”, như để nhớ lại ký ức của một thưở thiếu thời.
Gặp ba trên đất Bắc
 
Kể về cơ duyên đến với miền Bắc ngày ấy, Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban liên lạc học sinh miền Nam tỉnh Quảng Ngãi Võ Đức Tế bộc bạch: “Ba tôi đi tập kết ra Bắc, mẹ và anh hy sinh, chị gái ở miền Nam, còn người anh Võ Đức Quốc thì công tác tại Huyện ủy Bình Sơn, nên vắng nhà liên tục. Tôi lúc đó 15 tuổi, không có người thân bên cạnh, phải đi bán... cà rem!”. 
Ông Võ Đức Tế (bìa trái) không giấu được cảm xúc khi kể lại những kỷ niệm một thời học tập và rèn luyện ở Trường học sinh miền Nam số 1, Đông Triều (Quảng Ninh).
Ông Võ Đức Tế (bìa trái) không giấu được cảm xúc khi kể lại những kỷ niệm một thời học tập và rèn luyện ở Trường học sinh miền Nam số 1, Đông Triều (Quảng Ninh).
Tháng 2.1968, ông Tế được Huyện ủy Bình Sơn tiếp nhận và làm nhiệm vụ ở bộ phận thông tin liên lạc, đến tháng 7.1969, ông được cử ra Bắc học tập. “Nghe đi học ngoài Bắc, mình khoái lắm, vì được đi xa và có cơ hội gặp ba, chứ lúc đó có biết miền Bắc là gì đâu”, ông Tế kể lại. Sau hơn 3 tháng đi bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh, đến ngày 10.10.1969, đoàn của ông Tế gồm 50 học sinh ở nhiều tỉnh, đã tập kết tại K15, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) để nhận quân trang. Sau đó, đến T64, Khu Đống Đa, Hà Nội để an dưỡng và chuẩn bị phân về các khu học sinh miền Nam để học tập. Đầu năm 1970, ông Tế được đưa về Trường học sinh miền Nam số 1 Đông Triều (Quảng Ninh) để tiếp tục học tập.
 
Đặt chân lên đất Bắc đúng vào mùa đông, trời rét căm căm, nên ông Tế cũng như nhiều bạn bè của ông đều lạnh run. Riêng ông Tế, vì có ba ở miền Bắc, nên được ba đón và chăm sóc chu đáo hơn. “Ba tập kết ra Bắc khi tôi còn ở trong bụng. Vì vậy, lần gặp ba trên đất Bắc, cũng là lần đầu tiên cha con gặp nhau sau 15 năm xa cách”, ông Tế bồi hồi.
 
Đón Tết xa nhà
 
“So với các bạn cùng trang lứa ở miền Bắc, chúng tôi được ưu ái hơn. Ngoài ăn uống đầy đủ, được cấp quần áo, dép, áo bông và chăn bông, thì mỗi tháng còn được nhận tiền (lúc ấy tính bằng đồng) sinh hoạt phí”, ông Đinh Văn Quân, Ban liên lạc học sinh miền Nam trường số 4, tỉnh Thái Bình, nhớ lại. Tuy không thiếu thốn, nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, những học sinh miền Nam như ông Quân lại nhớ nhà da diết. Nhiều thầy, cô giáo và cô chú, bà con thấy thế nên thương, đã thuyết phục Ban giám hiệu cho phép đón các cháu về ăn Tết cùng. Những anh, chị lớn tuổi hơn muốn ở lại trường ăn Tết, thì được bà con tặng nhiều bánh chưng và dưa hành, ngày Tết còn đến trường thăm và tặng quà, nên ai cũng vơi nỗi nhớ nhà.
 
Còn với nhiều học sinh miền Nam thế hệ đầu như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám (74 tuổi), thì giai đoạn học tập và rèn luyện trên đất Bắc là ký ức không thể nào quên, được ông gói ghém trong bài thơ “Ký ức một dòng sông”, với nhiều câu thơ đong đầy cảm xúc: “Cám ơn tuổi thơ/ Cám ơn rễ cây âm thầm chẳng bao giờ kể công với quả/  Những lời thầy cô ngày xưa trên bục giảng/ Có ai ngờ Trường Sơn bị vẹt mòn khi chúng tôi ở tuổi hai mươi…”. Hay như tết Mậu Thân 1968, những học sinh miền Nam rưng rưng xúc động, khi được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”. Ai cũng vỡ òa cảm xúc vì sắp được trở về quê hương. Nhưng rồi, phải xa nhà thêm 9 năm, tức mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, nhiều học sinh miền Nam mới được đoàn tụ với gia đình, trong nỗi khắc khoải chờ mong.
 
Khắc ghi những ân tình
 
Trong Thư gửi các cháu và cán bộ các trường miền Nam nhân dịp ngày Nhi đồng Quốc tế 1.6.1955 (nay là Quốc tế thiếu nhi), Bác Hồ viết: “...Trong thời gian ở đây, gần Đảng, gần Chính phủ, gần Bác, các cháu và các cô, các chú nên hăng hái học tập và công tác: Sao cho đến ngày nước nhà thống nhất, trở lại quê hương, các cháu và các cô, các chú đều là những người gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, cũng như mọi mặt khác...”. Nhớ lời Bác dạy, cùng với tình yêu thương, đùm bọc của thầy, cô giáo và nhân dân miền Bắc, các thế hệ học sinh miền Nam đã nỗ lực học tập, rèn luyện và phấn đấu trở thành lực lượng “vừa hồng vừa chuyên”, phụng sự miền Nam và đất nước.
 
Tại Quảng Ngãi, có khoảng 1.200 học sinh miền Nam được học tập và rèn luyện trên đất Bắc. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương. Khắc ghi công ơn, ân tình của thầy, cô giáo và đồng bào miền Bắc, nhiều năm qua, lớp lớp học sinh miền Nam tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều chuyến về thăm trường xưa, thầy cũ, và đóng góp xây dựng, Quỹ Khuyến học hay tặng quà, hỗ trợ những hộ nghèo, gia đình chính sách, người neo đơn... Ngoài ra, những cựu học sinh miền Nam tỉnh Quảng Ngãi ở trường số 10, Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã quyên góp, tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội, đồng chí đã hy sinh, để đưa về quê hương.
 
Đào tạo hơn 32 nghìn cán bộ
 
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ giao Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc thành lập 28 trường học sinh miền Nam, để thực hiện trọng trách tổ chức việc nuôi, dạy và đào tạo hơn 32 nghìn con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam trở thành những cán bộ vừa hồng vừa chuyên, phục vụ cách mạng, xây dựng và bảo vệ đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 
 

.