Nghĩa tình học sinh miền Nam

08:09, 04/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từng sinh sống, học tập trên đất Bắc, gần 1.200 học sinh miền Nam (HSMN) của Quảng Ngãi giờ tóc đã hoa râm, lên chức ông, bà. Thế hệ những “hạt giống đỏ” ấy đã được đùm bọc, chở che của thầy cô, nhân dân miền Bắc ân tình...

Năm 1954, ngay sau khi Hiệp định Genevơ được ký kết, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập một hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Đây là những trường dành riêng cho con em cán bộ, bộ đội, gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam chọn gửi ra miền Bắc học tập, chuẩn bị cho sự nghiệp cách mạng miền Nam và xây dựng đất nước sau này.

Ân tình đất Bắc...

Là một trong những HSMN ra Bắc học tập đợt cuối vào những năm 1972, ông Đinh Văn Quân- Phó Ban liên lạc HSMN Thái Bình tại Quảng Ngãi (Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh) chia sẻ: “Năm 1971, lúc ấy tôi mới 13 tuổi, nhưng vẫn hòa vào những “đoàn chim non” miền Nam lần lượt rời tổ ấm, vượt dãy Trường Sơn ra miền Bắc học tập. Hàng tháng trời, chúng tôi đối diện với bao hiểm nguy, những đợt sốt rét rừng... Và rồi hơn 3 tháng trời, chúng tôi cũng đến được Trường 4 Thái Bình”.

Học sinh miền Nam Quảng Ngãi về thăm trường xưa ở tỉnh Thái Bình. Ảnh: Đinh văn Quân
Học sinh miền Nam Quảng Ngãi về thăm trường xưa ở tỉnh Thái Bình. Ảnh: Đinh văn Quân

Nhưng sau khi về trường một thời gian, tháng 8.1972, Mỹ ném bom đánh phá ác liệt, tất cả học sinh tại Trường 4 Thái Bình phải hai lần sơ tán học tập trong dân. Con em miền Nam được gửi ở nhà dân khắp địa phương trong tỉnh Thái Bình. Ông Quân kể: Nơi tôi ở là một gia đình cách mạng- cụ Nguyễn Điển ở Thụy Chính, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Những ngày tháng ở trong vòng tay yêu thương, đùm bọc của gia đình cụ, tôi cũng vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Những hàng xóm của cụ Điển coi tôi như con cháu trong nhà, có gì cũng ưu tiên cho tôi.

Còn với ông Nguyễn Ngọc Giàu, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), nhắc lại những năm tháng học tập trên đất Thái Bình khiến ông vô cùng xúc động. Cha ông hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, rồi chị gái cũng hy sinh ở tuổi mới 18. Mới 13 tuổi, ông Giàu bịn rịn rời xa mẹ, để ra Bắc học tập. Gia đình ông Bùi Kính, ở xã Nam Chính, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã cưu mang, tạo điều kiện cho ông theo học tiểu học ở địa phương. “Nhà có 5 chị gái, tôi nhỏ nhất, nên được ba mẹ nuôi  lo nhiều nhất. Họ luôn dành cho chúng tôi những gì tốt đẹp nhất. Ân tình ấy giúp tôi vơi đi nỗi đau mất mát, xa vắng người thân để yên tâm học tập...”, ông Giàu nói.

Bà Bùi Thị Huệ cũng là HSMN từng học ở Thái Bình thì không sao quên được cái cảm giác lần đầu tiên biết đến nằm ổ rơm, ăn khoai nước với người dân Đông Quan (Thái Bình). Bà kể: Quê lúa khi ấy nghèo lắm, nhưng người dân vẫn dành những gìtốt đẹp nhất cho HSMN. Do chưa quen khí hậu mùa đông lạnh giá, tôi bị ốm, bác chủ nhà lót ổ rơm dưới manh chiếu mỏng để tôi nằm cho ấm. Không có đồng bào miền Bắc đùm bọc, tận tình nuôi dưỡng, sẽ không có những thế hệ HSMN trưởng thành như ngày hôm nay.

Nghĩa tình hôm nay

Sau hàng chục năm xa cách, một số HSMN tại Quảng Ngãi mới đây đã cùng tổ chức chuyến hành trình về thăm lại trường xưa, thầy cũ, những người dân năm xưa đã cưu mang mình trong giai đoạn khó khăn, ác liệt của cuộc chiến. “Nhiều thầy cô giáo thời ấy giờ đã trên 70, 80 tuổi. Nghe HSMN chúng tôi ra thăm, có người đau ốm, già yếu nhưng rất vui”, Trưởng Ban liên lạc HSMN Thái Bình tại Quảng Ngãi Đoàn Mười xúc động kể.

 Bạn bè học sinh miền Nam xúc động ngày hội ngộ. Ảnh: Đinh văn Quân
Bạn bè học sinh miền Nam xúc động ngày hội ngộ. Ảnh: Đinh văn Quân


Cảm động nhất là giây phút những thầy, cô giáo đã trên dưới 80 tuổi được dìu lên sân khấu, các thế hệ học trò ào lên ôm chầm lấy những người thầy, người cô của mình. Họ chuyền tay nhau những tấm hình kỷ niệm đã ngả màu thời gian, những món quà chưa từng có cơ hội, để trao hay những lời nói nhớ thương với thầy, cô sau bao năm xa cách. Rồi họ tìm về thăm lại các gia đình đã nuôi dạy, dưỡng dục mình ngày xưa. “Vườn xưa, cảnh cũ còn đó, nhưng người xưa đã không còn, chỉ còn các chị, các anh, các cháu. Hơn 40 năm trời về thăm lại gia đình, các anh, chị, chúng tôi giờ đã già, những giọt nước mắt ngày hội ngộ không thôi rơi”, ông  Đinh Văn Quân kể .

Hiện nay, trong số HSMN của Quảng Ngãi từng học tập ở đất Bắc, có nhiều người đã thành danh, trở thành kỹ sư, nhà giáo, nhà báo, lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp...; đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Để có điều kiện giúp đỡ, gặp gỡ, động viên nhau, các thế hệ HSMN tại Quảng Ngãi đã thông qua các Ban liên lạc ở mỗi địa phương, kết nối nhiều tấm lòng, quyên góp hình thành quỹ, để san sẻ, giúp đỡ những HSMN đang gặp khó khăn, bệnh tật; tổ chức thăm, viếng thầy cô, bạn bè và hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho một số trường nơi họ từng sinh sống, học tập tại miền Bắc.

Bà Đàm Minh Quý, ở TP.Quảng Ngãi xúc động khi nói về nghĩa tình HSMN: "Không có ngôn từ nào có thể kể hết những nghĩa tình chúng tôi dành cho nhau. Lúc chồng tôi đau bệnh hiểm nghèo, một thời gian dài chữa trị khắp nơi, rồi anh không qua khỏi. Những lúc tôi đau buồn, tuyệt vọng, luôn có bạn bè HSMN khắp nơi giúp đỡ, chia sẻ, động viên. Đó là liều thuốc tinh thần giúp tôi vượt qua những ngày buồn khổ".

Dù ở hoàn cảnh, địa vị nào, nhưng bao năm qua, tình cảm của những HSMN vẫn dạt dào tình thương. Giờ đây, họ vẫn nắm chặt vòng tay trong một  gia đình mang tên HSMN, luôn hỗ trợ, sẵn lòng ở bên nhau mỗi lúc khó khăn, hoạn nạn.


 Bài, ảnh: KIM NGÂN


 


.