Đứng vững trên đôi chân khuyết tật

10:03, 29/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bị khuyết tật vận động từ khi mới sinh ra, nhưng anh Lê Tấn Kiều, ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), chưa bao giờ buông xuôi theo số phận. Không chỉ là trụ cột trong gia đình, anh Kiều còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá lồng trên sông Trà với vai trò giúp đỡ, gắn kết nhiều hội viên phát triển nghề nuôi cá.
Với đôi chân đi lại không nhanh nhẹn như nhiều người bình thường, nhưng nhiều năm qua, anh Kiều đã cần cù làm đủ thứ việc. Anh Kiều chia sẻ: "Khi mới sinh ra tôi bị nhiễm chất độc da cam từ cha, nên chân trái bị teo cơ và xương phát triển không bình thường. Lực chân trái chỉ còn khoảng 30% và xương biến dạng, nên ngắn hơn chân phải gần 10cm. Mang khiếm khuyết từ ngày còn nhỏ, nên tôi dần quen với những bất tiện. Bởi vậy, làm việc gì tôi cũng kiên trì, nhẫn nại. Bản thân không nhanh nhẹn, khoẻ mạnh như người khác thì phải biết chịu khó, siêng năng để bù đắp". 
 
Anh Lê Tấn Kiều thu hoạch cá lồng trên sông Trà.
Anh Lê Tấn Kiều thu hoạch cá lồng trên sông Trà.
Với suy nghĩ tích cực, lạc quan đó, từ khi còn nhỏ anh Kiều luôn nỗ lực trong học tập, lao động. Năm 1999, anh thi đậu vào ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Thế nhưng, đến năm học thứ hai, biến cố gia đình xảy ra khi mẹ anh trở bệnh nặng. Tiền bạc của gia đình có được bao nhiêu đều dồn vào việc chữa trị cho mẹ, vì thế anh đành nghỉ học để kiếm việc làm, phụ giúp gia đình.
 
“Thời điểm đó, để thi đậu vào đại học tôi đã nỗ lực rất nhiều. Đến khi mẹ bị bệnh nặng, tôi bảo lưu kết quả học để chăm mẹ và hy vọng năm sau có thể đi học lại. Thế nhưng, bệnh mẹ tôi kéo dài, kinh tế gia đình cũng khó khăn quá, do đó tôi đành dang dở ước mơ”, anh Kiều trải lòng.
 
Nghỉ học, anh Kiều vừa đi làm, vừa học thêm nghề sửa điện nước. Mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh gần chục năm, năm 2009, anh về quê để chăm sóc người cha già và lập gia đình. Về quê, anh Kiều vẫn làm thợ điện nước và đến năm 2011, anh "bén duyên" với nghề nuôi cá lồng trên sông Trà.
 
“Lúc bấy giờ ở quê đã có vài hộ nuôi cá lồng trên sông. Biết đây là nghề rất triển vọng, nhưng chân tôi yếu, việc di chuyển ở nơi sông nước có nhiều bất lợi, nên tôi trăn trở mãi. Vài năm sau, được bạn bè động viên và hỗ trợ tre để làm lồng nuôi cá thế là tôi quyết tâm thử sức”, anh Kiều kể.
"Mang khiếm khuyết từ ngày còn nhỏ, nên tôi dần quen với những bất tiện. Bởi vậy, làm việc gì tôi cũng kiên trì, nhẫn nại. Bản thân không nhanh nhẹn, khoẻ mạnh như người khác thì phải biết chịu khó, siêng năng để bù đắp".
 
Anh LÊ TẤN KIỀU, ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh)
Từ chiếc lồng đầu tiên do bạn bè hỗ trợ tre để làm, anh Kiều thả nuôi vài trăm con cá giống. Theo thời gian, nhờ sự chịu khó, chăm chỉ, anh Kiều đã phát triển lên 3 lồng inox, ống nhựa và nuôi vài nghìn cá trắm cỏ, cá chình, cá koi...
 
Anh Kiều cho biết: "Nuôi lồng tre được vài năm có vốn, tôi chuyển sang làm lồng inox để sử dụng được lâu dài, chắc chắc hơn. Để làm 3 chiếc lồng inox, tôi tốn gần 150 triệu đồng. Thế nhưng, đã xác định gắn bó lâu dài với nghề nuôi cá, nên tôi phải đầu tư".
 
Anh Kiều cho biết thêm: Nghề nuôi cá lồng khá vất vả, đặc biệt là vào mùa lũ, phải chịu khó canh con nước để khi nước lớn thì phải kịp thời đưa lồng vào và nước cạn thì đẩy lồng ra.  Tuy nhiên, nhờ sự cần cù, luôn chịu khó trau dồi kiến thức, kỹ thuật nuôi cá mà gần chục năm qua, những lồng cá của anh Kiều ít khi bị dịch bệnh, thất thoát. Với 3 lồng cá, nuôi theo hình thức gối vụ, do vậy mùa nào anh Kiều cũng có cá xuất bán.
 
Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, anh thu về hơn 40 triệu đồng. Là một trong những người nuôi cá lồng cho năng suất cao ở xã Tịnh Sơn, năm 2017, anh Kiều được các thành viên trong Tổ hợp tác nuôi cá lồng tín nhiệm, bầu làm tổ trưởng. Kể từ đó, chàng trai khuyết tật này trở thành cầu nối gắn kết các hội viên và thường xuyên giúp đỡ, trao đổi kỹ thuật, cách nuôi cá với anh em trong tổ để đạt hiệu quả cao nhất.
 
“Hiện nay, Tổ hợp tác nuôi cá lồng Tịnh Sơn có 43 hộ tham gia, với khoảng 80 lồng cá. Nghề nuôi cá khá triển vọng, nên tôi tích cực vận động các thành viên mở rộng lồng nuôi. Song song với việc làm của thợ điện nước thì nghề nuôi cá giúp gia đình tôi có thêm khoản thu nhập lớn”, anh Kiều cho hay.
 
Bài, ảnh: HIỀN THU
 
 
 

.