Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3.2020

10:03, 02/03/2020
.
Từ tháng 3.2020 này, sẽ có hàng loạt quy định mới liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội chính thức được áp dụng. Trong đó những quy định nổi bật như cán bộ công chức sách nhiễu, đòi nhận tiền của người vi phạm sẽ bị buộc thôi việc; không ghi hình thức đào tạo trên bằng đại học; bán rượu dưới 5,5 độ không bắt buộc phải có giấy phép… là những chính sách nổi bật.
Kỷ luật cao nhất với cán bộ sách nhiễu, nhận tiền, tài sản
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP về Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nghị định gồm 5 chương, 30 điều quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
 
Theo đó, buộc thôi việc là hình thức kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có vi phạm trong xử lý vi phạm hành chính được đề cập tại văn bản này. Cụ thể, công chức, viên chức nói chung và cảnh sát giao thông nói riêng sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi bị xử lý vi phạm hành chính.
 
Hình thức kỷ luật này cũng được áp dụng với hành vi giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra… Ở mức độ nhẹ hơn, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức tùy theo mức độ vi phạm.
 
Nghị định số 19 của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 31.3. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2020.
 
Từ tháng 3.2020, không ghi hình thức đào tạo chính quy hay tại chức trên bằng đại học
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT về việc quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học. Thông tư này quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương đương. Theo đó, trong nội dung chính ghi trên văn bằng sẽ không có thông tin hình thức đào tạo là “Chính quy” hoặc một trong các hình thức “Vừa làm vừa học”, “Học từ xa”, “Tự học có hướng dẫn” như quy định cũ mà mục này sẽ ghi trong phần phụ lục văn bằng. 
Theo quy định mới, bằng tốt nghiệp Đại học sẽ không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Ảnh minh họa
Theo quy định mới, bằng tốt nghiệp Đại học sẽ không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Ảnh minh họa
Như vậy, trên văn bằng sẽ chỉ còn các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…
 
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1.3.2020.
 
Tiếp tục thí điểm cho người bán dâm hoàn lương, người sau cai nghiện được vay vốn làm ăn.
 
Theo Quyết định 02/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy… tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31.12.2020. Theo đó, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy… vẫn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
 
Số tiền vay được dùng cho việc mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, đầu tư làm các nghề thủ công, góp vốn kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác… Nguồn vốn cho vay do ngân sách Nhà nước cấp 50% trên tổng số kế hoạch nguồn vốn hằng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 50% còn lại, ngân sách Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý theo quy định.
 
Việc thực hiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm giúp nhóm người nghiện ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV tự tạo việc làm, tăng thu nhập cá nhân và gia đình, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tỉ lệ tái nghiện, tái phạm.
 
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ 1.3.2020
 
Bán rượu dưới 5,5 độ không bắt buộc phải có giấy phép
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định 17 năm 2020 sửa đổi, bổ sung hàng loạt điều kiện đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có điều kiện kinh doanh rượu. Thay vì quy định chung chung như trước đây, tại Nghị định này, nguyên tắc quản lý rượu đã được định rõ, đặc biệt là những nội dung liên quan đến giấy phép.
 
Cụ thể: Sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; Bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; Sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.
 
Theo ÁI VÂN/Dân Trí
 
 
 

.