TIN LIÊN QUAN |
---|
Mối lo của xã hội
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có hơn 800 nghìn người chết do tự tử. Trung bình cứ 40 giây có 1 người chết do tự tử. Trong đó, 78% các ca tự tử xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại nhiều quốc gia, tự tử là nguyên nhân đứng hàng thứ ba dẫn đến cái chết cho những người ở vào độ tuổi từ 15 - 44 và đối với cái chết của nhóm thanh thiếu niên lứa tuổi từ 10 - 24, tự tử là nguyên nhân đứng hàng thứ hai.
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh kiểm tra sức khỏe, điều trị các rối loạn tâm thần cho bệnh nhân. |
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, có không ít bệnh nhân điều trị nội trú đã từng “chết hụt” hay còn gọi là tự tử bất thành. Bệnh nhân P.M.H (1975), quê ở xã Phổ Cường (Đức Phổ) sau 20 ngày điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh sức khỏe đã dần ổn định.
Với tình trạng nghiện rượu, dẫn đến loạn thần do rượu, H đã tự chặt những ngón tay và tự dùng hung khí gây sát thương bản thân, muốn kết liễu cuộc đời. Rất may là người nhà đã can thiệp kịp thời, đưa anh đi cấp cứu điều trị.
Còn ông N.T.H, ở huyện Tư Nghĩa, đang nuôi con trai tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng khổ sở vì bệnh tình của con mình. “Nhà có cái gì cũng bị nó đập phá. Rồi nhiều lần nhịn ăn, cứ nói muốn chết do bất ổn về thần kinh. Gia đình động viên, theo dõi, chăm sóc đưa con đi điều trị ở đây nhiều đợt. Giờ cháu cũng đã ổn định hơn, không còn gây hấn và muốn chết nữa”, ông H cho hay.
Đó là hai trong hàng chục trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Đa số bệnh nhân ở đây đều có một hoặc nhiều lần có ý định tự sát, hoặc suy nghĩ đến cái chết bởi nguyên nhân do bất ổn về sức khỏe tâm thần gây ra.
Chung tay ngăn ngừa
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ cho biết: "Hơn 95% những người tự tử đều có ít nhất một rối loạn tâm thần. Trong đó, 80% do trầm cảm, nghiện, lạm dụng chất như ma túy, rượu... Bệnh tâm thần phân liệt chiếm hơn 6% trong tự tử".
Theo bác sĩ Vũ, tự tử sẽ được ngăn ngừa thành công, nếu phát hiện và can thiệp kịp thời về y tế và liệu pháp tâm lý, hỗ trợ người thân. Cùng với đó, trầm cảm cũng là một căn bệnh xã hội đáng lo ngại, đã có rất nhiều người tự sát vì căn bệnh này.
Để phòng ngừa các ca tự tử, theo bác sĩ Vũ, cần có các biện pháp theo dõi sát sao, xử lý thích đáng và kịp thời. Gia đình và người thân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nhận biết sớm các hành vi khác lạ dù là nhỏ nhất. Cần khai thác tiền sử tâm lý và rối loạn tâm thần, các biểu hiện tâm lý và tâm thần hiện rõ và tiềm ẩn, ý tưởng tự sát, kế hoạch tự sát, hành vi tự sát.
Điều quan trọng là giúp bệnh nhân hiểu rõ các khó khăn tâm lý của họ và chấp nhận các biện pháp điều trị. Bên cạnh đó, cần nâng đỡ tâm lý, giảm nỗi đau bằng cách thay đổi môi trường sinh hoạt, giúp họ tìm ra một giải pháp tích cực cho vấn đề của mình...