(Báo Quảng Ngãi) - Những chiếc tàu vươn ra đại dương khai thác hải sản đem lại nguồn thu cho ngư dân. Dù tàu lớn hay nhỏ, sau mỗi chuyến biển, chủ tàu đều đưa đến cơ sở của những người thợ lành nghề kiểm tra, bảo dưỡng để chuẩn bị cho chuyến biển kế tiếp. Những người thợ ấy được ví như "bác sĩ" của những con tàu.
25 năm "chữa bệnh" cho tàu
TIN LIÊN QUAN |
---|
25 năm "chữa bệnh" cho tàu
“Alo, anh Bình có nghe rõ không? Tàu tôi đang chạy bỗng chết máy, anh chỉ tôi cách khắc phục với”, đầu dây là giọng anh Thành, một thuyền trưởng đang lái tàu đánh bắt ở vùng biển Trường Sa. Những cuộc điện thoại như vậy quá đỗi quen thuộc với thợ sửa chữa tàu, thuyền Lưu Văn Bình ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn).
“Có những cuộc gọi lúc nửa đêm. Khi nhận được tin, tôi yêu cầu chủ tàu nói rõ biểu hiện của chiếc tàu. Nhiều lúc tôi thức tới sáng để hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu bị hỏng hóc trên biển”, anh Bình bộc bạch.
Đến với nghề sửa chữa tàu thuyền lúc tuổi đôi mươi, càng học, hành nghề, anh Bình càng thấy nghề này thú vị. Mỗi lần đụng vào máy móc tàu, thuyền đều cho anh cảm giác khám phá và hào hứng khi chữa "bệnh" cho tàu.
Anh Bình chia sẻ: "Gia đình tôi có vài anh em đi biển. Dẫu không trực tiếp ra biển lớn, nhưng tôi cũng chọn một nghề liên quan đến biển cả, đến tàu thuyền để cùng đồng hành với anh em".
Nay tuổi đã ngoài 50, sống với nghề gần 30 năm, anh Bình đã trải qua vui buồn trong quá trình “chữa bệnh” cho những chiếc tàu. “Hầu như không gian làm việc của tôi là ở trong những hầm tàu, buồng máy. Tôi sống đúng với đam mê của mình và dồn tâm huyết vào đó. Vì vậy, chiếc tàu nào đến tay tôi đều chữa "bớt bệnh”, anh Bình tâm sự.
Anh Lưu Văn Bình ở xã Bình Châu (Bình Sơn) miệt mài sửa chữa, chăm chút cho những thiết bị tàu thuyền. |
Kế nghiệp xưởng tàu từ ông nội
Anh Lý Phú Biển, ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) gắn bó với xưởng sửa chữa tàu thuyền hơn 15 năm nay. Anh vẫn nhớ khi mình 25 tuổi thì ông nội qua đời. Lúc đó anh đang làm việc ở TP.Hồ Chí Minh.
Là cháu trong gia đình, anh không đành lòng nhìn xưởng sửa chữa tàu của ông nội cả đời gầy dựng không ai kế nghiệp. Vậy là, anh trở về quê làm chủ xưởng lai kéo, sửa chữa tàu thuyền đến tận bây giờ.
Xưởng sửa chữa tàu của ông nội anh Biển thành lập từ năm 1982, nên thiết bị máy móc đều cũ kĩ. Để xưởng hoạt động hiệu quả, anh Biển mạnh dạn vay tiền đầu tư thiết bị, máy móc mới.
“Ngày trước, ông nội tôi kéo thuyền lên bờ là dùng những tấm gỗ. Khi tiếp quản, tôi trang bị phương tiện đường ray bằng sắt, đồng, máy kéo... góp phần kéo tàu dễ dàng và không tốn quá nhiều sức so với trước”, anh Biển cho biết.
Đội ngũ kéo tàu của anh Biển khoảng 6-7 người. Có nhiều người đã gắn bó từ thời ông nội anh tới giờ, như ông Lý Thanh Hùng có thâm niên hơn 40 năm trong nghề.
Ông Hùng tâm sự: "Công việc này vô cùng vất vả, đòi hỏi có sức khỏe. Nếu không có đội ngũ kéo tàu lên bờ, thì không cách nào bảo dưỡng, sửa chữa, sơn tàu, thuyền được. Tuy bây giờ có thiết bị máy móc hỗ trợ, nhưng vẫn cần có sự lai dắt của chúng tôi để đưa tàu lên đúng đường ray".
Khi tàu đã kéo lên bờ, hàng chục người thợ mộc, thợ sơn... tiến hành kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của chủ tàu. Bình quân một ngày công của thợ sửa tàu tại xưởng anh Biển được trả hơn 500 nghìn đồng.
Hiện tại, xưởng sửa chữa tàu thuyền của anh Biển dao động từ 10 – 20 thợ. Cứ sau một phiên biển kéo dài từ 3 - 4 tháng, chủ tàu lại đem tàu đến bảo dưỡng.
Chủ tàu QNg 91456TS Huỳnh Công Thiện, một khách hàng lâu năm ở xưởng tàu anh Biển, cho biết: "Sau mỗi phiên biển tôi đều đem tàu đến xưởng anh Biển bảo dưỡng. Anh em sửa chữa tàu thuyền ở đây rất tận tâm. Những người thợ mộc, thợ sơn đều tỉ mỉ sửa chữa những chỗ hư hỏng, làm mới con tàu, giúp tôi yên tâm vươn khơi bám biển".
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG