(Baoquangngai.vn)- Sau hơn 2 năm hoàn thành, chợ xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa vẫn không thể đưa vào sử dụng vì tiểu thương không vào buôn bán. Chợ bỏ hoang đang trở thành nơi đổ rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chợ Nghĩa Phương được triển khai xây dựng từ tháng 5.2016, trên diện tích gần 4.800m2. Công trình gồm các hạng mục chính là nhà lồng với 32 lô sạp, 2 dãy nhà với gần 20 ki-ốt. Công trình có vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa và do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư.
Theo quan sát của chúng tôi, đến nay, sau hơn 2 năm hoàn thành, chợ xã Nghĩa Phương vẫn trong tình trạng cửa đóng, then cài, trở thành nơi đổ rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng. Trong khi đó, hàng chục tiểu thương che lều buôn bán ngoài đường, không chịu vào họp chợ, gây lãng phí rất lớn, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến bộ mặt xã nông thôn mới.
|
Dãy ki-ốt chính làm nơi đổ chất thải xây dựng.
|
|
Rác thải chất thành đống.
|
Các tiểu thương cho biết, khi nghe chủ trương xây chợ, các tiểu thương ở đây ai cũng vui mừng và háo hức mong chờ. Thế nhưng khi chợ xây xong, nhiều người không đồng tình vì cách bố trí, thiết kế của chợ Nghĩa Phương bất hợp lý.
Nền chợ quá thấp so với mặt đường, dãy ki- ốt đầu tiên hầu che chắn toàn bộ những công trình bên trong. Khu nhà lồng thì nằm cách xa các ki-ốt nên không có sự liên kết. Một bất cập nữa là chợ nhưng không có cổng chính vào chợ mà phải đi nhờ con đường liên thôn mới vào chợ gây khó khăn trong việc buôn bán của tiểu thương.
Theo các tiểu thương, chợ thiết kế bất hợp lý, các lô sạp, ki-ốt có diện tích hẹp, nhưng kinh phí đấu giá quá cao. Tiểu thương phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng, đóng một lần để sở hữu một lô 4m2 và khoảng 200 triệu cho một ki- ốt trong 20 năm. Trong khi hầu hết các tiểu thương là người buôn bán nhỏ lẻ.
|
Cỏ mọc ùm tùm trong khu nhà lồng.
|
Chị Bé, một tiểu thương bán bán dép than thở: “Trước kia mỗi ngày tôi bán được vài triệu đồng, nay buôn bán rất ế ẩm. Ở xã Nghĩa Phương có tới 4 chợ họp ở các thôn, khách phân tán nên mỗi ngày chỉ bán được 200.000 - 300.000 nghìn đồng thì tiền đâu mà nộp một lần chừng ấy tiền. Trong khi chợ thì không có ngõ, trái đường, ki-ốt thì chật hẹp”.
Vì thế, 2 năm qua, các tiểu thương vẫn phải che lều, bạt buôn bán khu vực sát chợ. Chợ trở thành nơi đổ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng của người dân, gây mất mỹ quan đến bộ mặt của xã nông thôn mới.
Bà Lê Thị Nga, một tiểu thương bán rau cũng bất bình: “Vốn sạp rau của tôi chỉ vài trăm nghìn mà giá thuê sạp như thế lấy đâu đóng cho nỗi? Xây chợ cũng không lấy ý kiến tiểu thương, xây xong bỏ hoang thế này quá lãng phí quá, tiểu thương lại không có chỗ buôn bán đàng hoàng”.
|
Tiểu thương họp chợ buôn bán cạnh chợ bỏ hoang.
|
Theo lãnh đạo xã Nghĩa Phương, chợ được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa nên phải thu một lần để hoàn trả lại cho chủ đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn, 2 năm qua, địa phương đã nhiều lần đối thoại, tuyên truyền, vận động tiểu thương nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương, ông Lê Đại Thắng cho biết, địa phương đã có phương án là sắp tới làm nhà lều để tiểu giảm chi phí đóng góp của tiểu thương, còn các ki-ốt chắc chắn cũng phải giảm giá cho phù hợp. Khi chợ đông khách hơn sẽ sử dụng đến nhà lồng.
Bà con tiểu thương đang rất mong địa phương sớm có biện pháp thiết thực giải quyết tình trạng này để ổn định công việc kinh doanh, tránh lãng phí gây lãng phí, đảm bảo mỹ quan bộ mặt của xã nông thôn mới.
Bài, ảnh: C.P