(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Bình Sơn chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là những lao động trong vùng dự án, góp phần thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế của người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hứng khởi học nghề
Gần hai tháng nay, cứ 3 buổi/tuần, 30 chị em phụ nữ xã Bình Thạnh lại tham gia lớp học nghề nấu ăn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Bình Sơn tổ chức. Giáo viên dạy nghề nấu ăn Đinh Thị Thiên Long cho biết: “Chúng tôi xây dựng giáo án rất kỹ cho mỗi buổi học. Đặc biệt, chúng tôi chọn những món ăn phổ biến, đang thịnh hành trong bữa ăn hằng ngày, đám, tiệc như ram, vịt nấu chao, chả giò, lẩu hải sản... để hướng dẫn cho chị em”.
Phụ nữ xã Bình Thạnh (Bình Sơn) đang chế biến món ăn tại lớp dạy nghề nấu ăn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Sơn tổ chức… |
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thạnh Lương Thị Bé, xã có nhiều dự án phát triển công nghiệp, vì thế người dân không còn nhiều đất nông nghiệp để sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã mở 4 lớp đào tạo nghề cho phụ nữ trong xã. Nhờ học nghề, phụ nữ đã có công việc ổn định trong công ty may và rất nhiều chị mở cơ sở may gia công ở địa phương.
Không chỉ tại Bình Thạnh, trong năm nay, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bình Sơn cũng mở lớp dạy nghề nấu ăn ở xã Bình Chánh. Lớp học này có 30 nữ học viên, độ tuổi từ 20 – 45.
Tạo việc làm ổn định
Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bình Sơn đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng 25 xã, thị trấn mở 76 lớp dạy nghề cho 2.500 học viên. Sau học nghề, trên 80% lao động nông thôn biết vận dụng những kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Như trong năm 2018, Trung tâm mở hai lớp nấu ăn tại xã Bình Dương và lớp may tại xã Bình Trị, đào tạo 60 học viên. Sau hơn 3 tháng học nghề may, chị Nguyễn Thị Xuân Hương ở thôn An Lộc Nam, xã Bình Trị đã mở cơ sở may gia công, tạo việc làm cho 7 chị em ở địa phương. “Tôi nhận hàng công ty ở trong TP.Hồ Chí Minh để may gia công. Công việc này đã phần nào giúp tôi có thu nhập ổn định”, chị Hương cho biết.
Chị Lê Thị Xuân Phước ở thôn Bình Nam, xã Bình Nguyên cũng phát triển dịch vụ nấu đám tiệc ở địa phương nhờ vào lớp học nấu ăn do Trung tâm tổ chức. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, chị Phước còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương. Không những vậy, trong năm qua, nhờ phát triển dịch vụ nấu ăn, chị Phước có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho ba em học sinh nghèo hiếu học, với số tiền 1,2 triệu đồng/học sinh.
Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bình Sơn Phạm Văn Bình cho biết: Những chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã kịp thời hỗ trợ cho các địa phương trên địa bàn huyện Bình Sơn, phần nào giải quyết được nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời khai thác tốt tiềm năng của từng vùng, để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG