Báo động nguồn nước ngầm trên đảo Lý Sơn

04:08, 14/08/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Túi nước ngầm bị tụt giảm nghiêm trọng, nước mặn đã xâm nhập sâu vào trung tâm huyện đảo Lý Sơn. Nước còn nhiễm hàm lượng các chất trong phân bón. Lý Sơn sẽ trở thành “đảo khát” nếu không kiểm soát nổi vấn đề khoan giếng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để trồng hành, tỏi như hiện nay.
Chật vật tìm nước ngọt

Những năm gần đây, huyện đảo Lý Sơn đang đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng vì hầu hết các giếng nước đều nhiễm mặn vào mùa khô. Chưa có năm nào, Lý Sơn khô hạn như năm nay, hơn 2.000 giếng nước trên đảo cạn kiệt. Nhà nhà phải chật vật đi tìm nước ngọt để sinh hoạt trong gia đình.

Để có đủ nguồn nước sinh hoạt, nhiều gia đình trên đảo đành “bóp bụng” bỏ tiền mua nước được lọc qua hệ thống R.O tại về sử dụng, với giá 6.000/can 30 lít. Không ít gia đình khá phải mua nước đóng chai loại lớn về nấu ăn.
Người dân chật vật tìm nước ngọt để sử dụng.
Người dân chật vật tìm nước ngọt để sử dụng.
“Giếng nước nhà tôi nhiễm mặn hơn cả mọi năm, chỉ dùng để giặt giũ và rửa chén bát, còn nấu ăn phải mua nước đóng chai loại 18 lít. Chưa năm nào tình trạng nhiễm mặn trên đảo lại khủng khiếp như năm nay” - bà An, một người dân ở xã An Vĩnh nói.
 
Chật vật nhất là người dân đảo Bé (xã An Bình), nguồn nước được cấp từ Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo Bé xuống cấp, hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân.
 
Từ tháng Giêng, người dân trên đảo Bé đã mua từng can nước ngọt được vận chuyển từ đảo lớn sang với giá cao ngất ngưỡng, 120.000 đến 200.000 đồng/khối. Với những gia đình kinh doanh du lịch gánh thêm thêm chi phí vận chuyển 100.000 đồng/khối.

Chủ tịch UBND xã An Bình, ông Huỳnh Minh Hùng cho biết, Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt sau 7 năm sử dụng các hệ thống lọc R.O giờ đã xuống cấp, nếu lọc thì máy cho ra nước mặn nhiều hơn nước ngọt. Xã phải vận động người dân chủ động mua nước từ đảo Lớn về dùng trong sinh hoạt và sản xuất.
Lượng nước ngầm bị khai thác quá mức khiến nước trên đảo bị nhiễm mặn.
Lượng nước ngầm bị khai thác quá mức khiến nước trên đảo bị nhiễm mặn.
Khốn khổ vì thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên đảo cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Khô hạn kéo dài, nông dân chỉ xuống giống 201/710 ha diện tích cây hành. Có thời điểm ở vụ xuân hè, hơn 100 ha đất nông nghiệp trên đảo phải bỏ hoang.
 
“Nước nhiễm mặn quá  mình phải tìm giếng khác có độ mặn ít hơn pha chung để tươi tiêu, dẫn nước nhiều giếng về một giếng mới có đủ nước tưới cho cây hành” - ông Phạm Khắc Thoàn, xã An Vĩnh chia sẻ.

Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, trong mùa khô năm nay, có 2/3 hộ dân ở 2 xã An Hải và Anh Vĩnh với 3.500 hộ phải dùng nước nhiễm mặn. Còn ở đảo Bé, hầu hết các giếng nước đều “đói” nước ngọt.

Để có nguồn nước ổn định lâu dài, chính quyền đã khuyến cáo người dân hạn chế khoan giếng, dùng chung giếng nước, xây bể chứa dự trữ nước mưa, trồng và bảo vệ cây xanh để giữ nước.
Trồng hành, tỏi sử dụng quá
Trồng hành, tỏi sử dụng quá
Huyện Lý Sơn cũng “cầu cứu” tỉnh các phương án như: xây dựng Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Lớn và nâng cấp Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé; xây hồ dự trữ nước tại đảo Bé; đầu tư dự án đưa nước sinh hoạt từ đất liền ra Lý Sơn.
 
Báo động nhiễm mặn và nhiễm khuẩn

Năm 2014, trên đảo chỉ có 550 giếng nước thì nay đã tăng lên 1.300 giếng, trong đó có 913 giếng khoan và 414 giếng đào. Đây là nguyên nhân chính gây cạn kiệt và nhiễm bẩn nguồn nước dưới đất.
 
Trước thực trạng trên, từ tháng 9.2018 đến tháng 5.2019, Sở TN&MT đã phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung” thực hiện đề cương “Khoan giếng, lắp đặt thiết bị phục vụ quan trắc, kiểm soát trữ lượng, chất lượng nước dưới đất trên địa bàn huyện Lý Sơn”.
... và thải ra môi trường
... và thải ra môi trường
Kết quả điều tra cho thấy, nước dưới đất trong tầng chứa nước bazan trên đảo đã và đang có xu hướng tăng diện tích bị xâm nhập mặn. Nguồn nước mặn đã lan đến trung tâm của đảo.

Tầng chứa nước khe nứt đã bị nhiễm mặn đến trung tâm đảo Lớn, có tổng khoán chất trong nước vượt 2,0g/l. Xâm nhập mặn không những xảy ra theo phương ngang mà còn xuất hiện theo chiều từ dưới sâu đi lên.

Hơn 10 năm trước, ở vùng trung tâm đảo nhiễm mặn ở độ sâu 40 - 45m thì nay chiều sâu gặp nước nhiễm mặn chỉ từ 30 - 35m. Trong 5 năm (2012 – 2017), túi nước ngọt trên đảo tụt 5m, thì từ 2017 đến nay túi nước tụt gần bằng 5 năm trước.Ranh giới nhiễm mặn lấn sâu vào đảo lớn khoảng 2,61km2.  Ở đảo Bé, tầng chứa nước khe nứt bị nhiễm mặn toàn bộ.

“Nguyên nhân của hiện tượng này trước tiên là do khai thác nước dưới đất quá mức, thiếu kiểm soát, dẫn đến mực nước ngầm hạ thấp, tạo điều kiện cho nước biển xâm nhập sâu vào đất liền và làm tăng diện tích nước bị nhiễm mặn” - Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước (Sở TN&MT), ông Nguyễn Biện Như Sơn cho biết.

Ngoài nhiễm mặn, nguồn nước còn bị nhiễm hàm lượng các chất có trong phân bón (nitrat và vi sinh) ở nhiều nơi. Phân tích  mẫu nước trên đảo có hàm lượng nitrat  và vi sinh đều vượt chuẩn cho phép, nhất là hàm lượng nitrat vượt giá trị giới hạn cho phép từ 1,4 đến 12,6 lần.
 
Kết quả này không gây bất ngờ khi mỗi năm với 300ha đất sản xuất nông nghiệp, sản xuất 3 vụ hành và 1 vụ tỏi, nông dân sử dụng trên 600 tấn phân hóa học các loại, trên 40 tấn thuốc BVTV.

Lượng bao bì, vỏ thuốc BVTV thải ra môi trường quá lớn, công tác thu gom, xử lý các loại phế phẩm này còn bỏ ngỏ. Nông dân cứ vô tư vứt bao bì thuốc BVTV trên bờ ruộng hành, tỏi, gây hại đến môi trường đất, nước và chính sức khỏe của mình.

Theo ông Nguyễn Biện Như Sơn- Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước Sở TNMT Quảng Ngãi, các phương án đề xuất như đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt hoặc đưa nước ngọt theo đường ống cấp nước từ đất liền ra đều khó khả thi.

Bởi lẽ, đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt thực tế không phát huy hiệu quả lâu dài vì môi trường nước mặn, máy móc nhanh hư hỏng. Minh chứng là Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt ở đảo Bé chỉ vài năm sử dụng đã hư hỏng.
Phương án đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt không khả thi vì máy móc nhanh hư hỏng.
Phương án đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt không khả thi vì máy móc nhanh hư hỏng.
Còn đưa nước ngọt theo đường ống cấp nước từ đất liền ra đảo thì vốn đầu tư quá lớn. Cách tối ưu nhất là bổ cập, bảo quản, bảo vệ túi nước ngầm trên đảo.

Nguồn nước ở đảo Lý Sơn lâu nay được tích lũy từ nước mưa và hồ chứa Thới Lới. Tuy nhiên, với tốc độ bê tông hóa trên đảo nhanh do phát triển du lịch, xây công trình lớn như hiện nay, phần lớn lượng nước mưa chảy ra biển.

Nước mưa ít được giữ lại ngấm vào lòng đất ảnh hưởng lớn đến túi nước ngầm trên đảo. Trong khi đó, nước từ hồ chứa nước Thới Lới có bổ cập cho túi nước ngầm, nhưng với lượng nước khai thác tưới cho sản xuất hành, tỏi lại quá lớn.

Cũng theo ông Sơn, bài toán đặt ra là làm sao cho lượng nước mưa trên đảo không thoát ra biển mà nằm lại, ngấm vào lòng đất, giảm lượng nước nhiễm mặn, giúp túi nước ngầm tăng lên là phương án tối ưu nhất.

“Sở đang đề xuất phương án bổ cập nước ngầm, giảm lượng mặn, nâng tầng chứa nước ngầm theo cách “ép” nước xuống đất từ các lỗ khoan. Chi phí thực hiện không lớn, nếu cách làm này thành công thì sẽ tiết kiệm kinh phí vô cùng lớn so với các phương án khác. Về lâu dài sẽ giải quyết được bài toán thiếu nước  ngọt cho đảo Lý Sơn” - ông Sơn chia sẻ.
 

Bài ảnh: C.P - T.M
 

.