Lý Sơn sụt giảm mực nước ngầm

10:03, 27/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Huyện đảo Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng. Nước ngầm tụt giảm, trong khi giải pháp tìm kiếm nguồn nước ngọt khác chưa thực sự bền vững.

TIN LIÊN QUAN

5 năm nước ngầm tụt 5m

Theo báo cáo thăm dò của Sở TN&MT, kể từ năm 2012 đến nay, mực nước ngầm - nguồn nước chủ yếu cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất ở đảo tụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể: Kết quả đo vào cuối 2017, mực nước tụt 5m so với năm 2012, tức là bình quân mỗi năm tụt 1m. Riêng năm 2018, kết quả đo sơ bộ cho thấy mực nước tụt nhiều hơn 1m, do nhu cầu dùng tăng cao, mà nguồn nước mưa rất ít.

 Nông dân Lý Sơn kiểm tra lại hệ thống tưới tiêu chuẩn bị chống hạn mùa khô.  ẢNH: HỮU DANH
Nông dân Lý Sơn kiểm tra lại hệ thống tưới tiêu chuẩn bị chống hạn mùa khô. ẢNH: HỮU DANH


Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tình trạng khai thác nước ngầm ồ ạt (khoan giếng) để lấy nước canh tác nông nghiệp. Chỉ tính riêng khu vực phía đông của xã An Vĩnh, trên cánh đồng tỏi diện tích nhỏ hẹp đã xuất hiện hàng chục giếng đào để lấy nước tưới cho hành tỏi và hoa màu khác. Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước ngọt phục vụ dân sinh, du lịch ngày một gia tăng, nhưng ý thức tiết kiệm nước chưa được chú trọng. Hơn nữa, diễn biến khí hậu, thời tiết bất thường, lượng mưa ít dần cũng đẩy hòn đảo này vào cảnh "kiệt nước ngầm".

Cần những giải pháp thiết thực

Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn vốn ngân sách, Hội Nông dân huyện đã tổ chức triển khai mô hình tưới tiết kiệm. Hiện tại, mô hình này khá hiệu quả và được người dân tự đầu tư nhân rộng, thay thế dần hệ thống giếng đào. Tuy nhiên, việc gia tăng nhu cầu nước tưới sản xuất nông nghiệp đã làm nguồn nước ngầm tụt xuống rất nhanh.

Cuối năm 2016, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh khoan và lắp đặt các thiết bị quan trắc kiểm soát nước ngầm tại 16 giếng khoan mới và 6 giếng khoan cũ. Theo đại diện Sở TN&MT, trong tháng 4.2019 này công trình hoàn thành, ngành TN&MT cơ bản kiểm soát được lượng nước ở đảo Lý Sơn, kể cả chất lượng nước, làm cơ sở để đưa ra cảnh báo, triển khai giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm ở Lý Sơn.

Sở TN&MT khẳng định: Nguồn nước ở đảo từ trước đến nay chủ yếu là nước mưa và nước chứa tại hồ chứa nước giếng Tiền, núi Thới Lới... Vì thế, ngành đã khuyến cáo tỉnh khi triển khai công trình phải thi công đường thoát nước mưa, dẫn nước về hồ chứa, hoặc bể chứa, vùng chứa nhất định, không nên thiết kế đổ ra biển.

Việc mực nước ngầm ở đảo tụt giảm trong 6 năm đã gây nên nhiều lo lắng trong nhân dân. Hiện tại, khi triển khai lấy ý kiến người dân về dự án, công trình, nhất là dự án tư nhân, người dân yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh nguồn nước sinh hoạt phục vụ cho dự án. Mới đây, một nhà đầu tư đăng ký đầu tư khu dịch vụ - đô thị - thương mại tại xã An Hải, huyện Lý Sơn nêu rõ quan điểm phải chứng minh nguồn nước sinh hoạt phục vụ dự án khi dự án đi vào khai thác. Đây là vấn đề khó nhất đối với nhà đầu tư, vì nguồn nước ngọt tại chỗ hiện đang là vấn đề nan giải.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: Huyện đang nghiên cứu đề xuất với cấp trên giải pháp cấp nước ngọt bền vững cho đảo. Theo đó, một mặt bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước ngầm, mặt khác đề xuất thêm 2 giải pháp công nghệ, gồm: Đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt và lắp đặt hệ thống đưa nước ngọt từ đất liền vượt biển ra đảo. Nếu đầu tư máy lọc nước biển thành nước ngọt, thì vốn đầu tư ban đầu không lớn, nhưng quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng khá tốn kém. Còn đầu tư hệ thống đường ống cấp nước từ đất liền ra, thì đầu tư ban đầu lớn, nhưng vận hành không tốn kém bao nhiêu.

THANH NHỊ

Đối mặt với hạn nặng

Hiện nay, tình hình khô hạn đã diễn ra trên diện rộng tại huyện đảo Lý Sơn. Nguồn nước ngọt trên đảo bắt đầu bị xâm nhập mặn, nước ngọt bắt đầu khan hiếm. Huyện Lý Sơn có hơn 2 nghìn giếng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, nhưng hiện đều chung tình cảnh là mực nước cạn rất nhanh, vì nhiều tháng nay trên đảo chưa “đón” đợt mưa lớn nào.

Do nguồn nước ngọt cạn kiệt, nên nước mặn có điều kiện xâm nhập và lan ra diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.


HỮU DANH


 

 


.