(Báo Quảng Ngãi)- Âm thầm, lặng lẽ... nhưng đầy tình thương và trách nhiệm, những nhân viên làm việc tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Đức Phổ đã để lại ấn tượng đẹp trong cộng đồng xã hội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chúng tôi đến Trung tâm Phục hồi chức năng NNCĐDC Đức Phổ trong một ngày mưa trung tuần tháng 11. Trung tâm được thành lập từ đầu năm 2015. Đây là cơ sở tư vấn và phục hồi chức năng cho NNCĐDC trên địa bàn huyện. Chăm chỉ tập đi, tập gọi tên con người, sự vật, tập viết những nét chữ đơn giản, dù rất vất vả và khó khăn, nhưng những “học sinh” ở đây chẳng ai nản lòng. Bởi ở đây họ được yêu thương, nhận được cảm thông, chia sẻ từ những con người bình dị mà bao dung, mang đến cho họ những hy vọng về tương lai tươi sáng hơn.
Ngoài công tác phục hồi chức năng, những "cô giáo" ở Trung tâm phục hồi chức năng Đức Phổ còn chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho những "học sinh" đặc biệt. |
Trung tâm có 3 nữ nhân viên làm công tác phục hồi chức năng cho hơn 20 nạn nhân từ 3-36 tuổi. Công việc nghe chừng đơn giản, song lại rất nặng nề, bởi các nạn nhân thiếu sự nhận biết, sức khỏe kém, các cô vừa phải tận tâm, tận lực tập luyện, vừa dỗ dành, yêu thương như con, cháu của mình. Cô Huỳnh Thị Hương Thảo, cho biết: “Công việc không dễ dàng chút nào, mỗi nạn nhân có mỗi tính cách khác nhau. Ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi không có kinh nghiệm, không nhận được sự hợp tác từ các em... Nhiều lúc cũng nản lòng, muốn bỏ nghề, nhưng nghĩ đến các em lại không nỡ...”.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trung tâm vẫn được gia đình các nạn nhân tin tưởng, đó là nhờ sự nhiệt tình của các “cô giáo” đã không quản ngại, nề hà trong công việc, giúp đỡ nạn nhân tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”. Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Đức Phổ, kiêm Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Toàn. |
Với cô Thảo cũng như các nhân viên tại trung tâm, bí quyết để nạn nhân có thể hòa nhập, đầu tiên là người dạy phải có sự kiên nhẫn, đồng cảm với họ. “Giây phút các em tự bước đi mà không cần các cô dìu dắt dù chỉ một vài bước chân nhỏ thôi, hay khi các em bật ra những tiếng gọi đầu tiên, dẫu biết vẫn còn ngọng nghịu, nhưng là giây phút thiêng liêng và ý nghĩa đối với những người gắn bó với nhau ở đây”, cô Trần Thị Như Ý chia sẻ.
Với tình thương và trách nhiệm của những “cô giáo” tại trung tâm, hầu hết các nạn nhân được tiếp nhận vào điều trị đều có những chuyển biến rõ nét, tạo niềm tin và sự yên tâm đối với gia đình họ. Có những nạn nhân chỉ qua một vài tháng điều trị đã có sự phát triển tốt về tinh thần và thể chất.
Chưa đầy 2 năm gắn bó ở đây, cô Thảo rất hạnh phúc khi những đứa trẻ tự tay mình chăm sóc, nuôi nấng, dần dần tự bước đi được trên đôi chân của mình. Với tất cả anh chị em trong trung tâm, chế độ phụ cấp quá thấp, chưa đủ xăng xe cho hai lần đi về, chứ nói chi đến lo lắng cho gia đình, con cái. Hai năm trước, cô Thảo được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/tháng, đến nay đã tăng lên 2,2 triệu đồng/tháng, nhưng so với vật giá hiện tại thì không đáng là bao...
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Đức Phổ, kiêm Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện trung tâm nuôi bán trú hơn 20 đối tượng và hằng ngày có hơn 10 đối tượng ngoại trú đến tập luyện. Do nhân viên trong trung tâm ít, nên phải huy động cả lực lượng kế toán, tạp vụ làm công tác trực đón nạn nhân từ sáng sớm, cho ăn, chăm sóc giấc ngủ buổi trưa... Là đơn vị ngoài công lập, nên kinh phí hoạt động, lương và phụ cấp cho nhân viên không nhiều, tiền ăn bán trú, trang thiết bị luyện tập... đều phải nhờ đến cộng đồng hỗ trợ.
Bài, ảnh: VŨ YẾN