Ký ức 1972

09:01, 16/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Hiệp định Paris bế tắc, Mỹ quyết định mở chiến dịch Linebacker II, đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trong chiến dịch này, Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B-52 ném bom rải thảm xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm từ ngày 18 - 29/12/1972.
 
[links()]
 
Hà Nội những ngày cuối năm 1972 lạnh tê tái, gia đình tôi được bác tổ trưởng dân phố đến động viên đi sơ tán. Khi ấy tôi có biết gì đâu, nghe đi sơ tán là háo hức lắm. Tôi nhớ về buổi học khi chiều, cô giáo dạy tôi hát bài “Bé bé bồng bông”. Suốt cả tối hôm ấy, tôi cứ hát vang: “Bé bé bồng bông/ hai má hồng hồng/ bé đi sơ tán bế em đi cùng/ mẹ mua xe gỗ cho bé ngồi trong/ bao giờ chiến thắng sẽ đưa bé về phố đông”. Tối đó, tôi thấy bố mẹ gói ghém đồ đạc của gia đình rồi chất đầy lên chiếc xe đạp. Đó là chiếc xe đạp ngày thường bố tôi hay đi dọc theo bờ đê sông Hồng để kiểm tra đê, vì bố là Trưởng ban Quản lý đê điều Hà Nội. Thế nhưng hôm giờ nó lại oằn mình chở rất nhiều thứ lỉnh kỉnh, nào là va ly quần áo, chăn bông, xoong nồi, bao gạo... đó là tất cả tài sản mà gia đình tôi đem về nơi sơ tán ngày ấy.
 
Nhân dân Hà Nội đi sơ tán phòng tránh máy bay B-52 ném bom, năm 1972. Ảnh: TL
Nhân dân Hà Nội đi sơ tán phòng tránh máy bay B-52 ném bom, năm 1972. Ảnh: TL
Sáng hôm sau, cả khu phố Thụy Khuê nơi tôi ở, mọi người í ới gọi nhau đi sơ tán. Người gồng, kẻ gánh. Khi ấy hầu hết người ta đi bộ, còn xe đạp chỉ dùng để chở đồ đạc mang theo về nơi sơ tán. Bố tôi cong lưng đẩy chiếc xe đạp chất đầy đồ đạc của gia đình vượt qua đường tàu điện ra đường Thụy Khuê đi về hướng đê Yên Phụ. Còn mẹ tôi, tay bồng, tay dắt tôi và anh trai để cố đi kịp bố.
 
Sáng hôm ấy trời lạnh buốt và nhiều sương mù, ai cũng co ro trong giá lạnh. Qua cầu Long Biên, tôi thấy mấy cô, chú bộ đội ngồi vắt vẻo ở nơi cao nhất của những dầm sắt trên cầu. Họ còn có cả súng nữa. Tôi hỏi anh trai:
 
- Các cô, chú bộ đội làm gì trên ấy hả anh?
 
Anh trai tôi làm ra vẻ người lớn, giải thích cho tôi hiểu:
 
- Các cô, chú bộ đội đặt súng cao xạ trên nóc cầu Long Biên để bắn máy bay Mỹ đấy.
 
 À, thì ra các cô, chú bộ đội bắn máy bay Mỹ! Giống hệt bài hát cô giáo dạy tôi ở lớp mẫu giáo: “Em yêu chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê/ tàu bay Mỹ tới đây chú bắn cho tan tành/ nòng súng cao chú canh giữ lấy trời xanh/ cho cháu vui học hành dưới mái trường đỏ tươi”.
 
Gia đình tôi nhanh chóng vượt qua cầu Long Biên. Mẹ có vẻ mệt vì bồng tôi đi bộ suốt hơn 5km. Thấy vậy, bố quyết định dừng chân nghỉ một lúc bên vệ đê. Bờ đê thật trống trải, từng cơn gió lạnh buốt ào ào thổi tới tấp vào mặt, vào mũi buốt đến tận óc. Tôi mặc chiếc áo bông dày mà vẫn cứ rét run, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Mẹ bảo với bố:
 
- Khéo con bé chết rét mất thôi.
 
Bố bảo: Chờ xem có xe bộ đội đi cùng hướng thì xin đi nhờ một quãng.
 
Một lúc sau, một chiếc xe tải của bộ đội lao tới. Bố tôi nhanh tay vẫy vẫy. Chiếc xe phanh kít lại. Tôi được chú bộ đội cho lên ca bin ngồi, lúc ấy tôi thấy mình thật oách. Chiếc xe lao nhanh về phía trước, tiếng gió vù vù bên tai, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
 
Đến nơi sơ tán, cái gì đối với tôi cũng lạ. Làng mà gia đình tôi đến sơ tán có rất nhiều ao hồ, có những đống rơm vàng và không có điện như ở Hà Nội. Ở đấy chừng vài ngày, tôi lên cơn sốt cao. Mẹ phải đưa tôi về Bệnh viện Xanh Pôn ở Hà Nội để chữa trị. Khi tôi ra viện, thấy tôi còn yếu, mẹ bàn với bố là không về nơi sơ tán nữa. Nhưng về đến nhà thì bác tổ trưởng khu phố lại đến thuyết phục gia đình tôi đi sơ tán và còn nhắc:
 
- Gia đình cẩn thận, theo thông tin của trên đưa xuống thì có lẽ Mỹ sẽ ném bom vào Hà Nội tối nay đấy.
 
Đúng như lời bác tổ trưởng nói, cả đêm hôm ấy, đêm 27/12/1972, bầu trời Hà Nội không một phút bình yên, tiếng còi, tiếng kẻng báo động máy bay Mỹ cứ vang lên từng hồi liên tục. Tiếng đạn nổ, bom rơi làm rung chuyển cả mặt đất. Đạn pháo phòng không, tên lửa, súng trường từ mặt đất bắn lên như lưới nhện bao vây quân thù, bầu trời Hà Nội rừng rực lửa.
 
Mẹ bế tôi, còn bố bế anh trai xuống hầm trú ẩn không biết bao nhiêu lần. Chiếc hầm tránh bom của gia đình tôi được đào ở dưới gầm giường để tránh bom bi và mảnh rơi vỡ của bom đạn, chứ nó chẳng có giá trị gì nếu không may có một quả bom rơi trúng nhà. Ngồi dưới hầm mà nghe tiếng tên lửa lao đi xé toạc màn đêm, tiếng súng cao xạ nổ giòn, tiếng rít của mảnh đạn, ánh chớp lửa vun vút lao khắp nơi... Mái nhà của gia đình tôi lợp bằng tấm fibro ximăng bị rách toạc, rơi loảng xoảng, mặt đất rung lắc mạnh. Bố thò đầu ra cửa hầm hét to: “Máy bay Mỹ rơi rồi”.
 
Xác máy bay B-52 ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội).                      Ảnh: THANH HIẾU
Xác máy bay B-52 ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: THANH HIẾU
Chiếc máy bay B-52 bị bộ đội ta bắn rơi, phần đầu của nó rơi trúng nhà hàng xóm, cách nhà tôi khoảng 50-60m. Cũng may, nhà hàng xóm đã đi sơ tán, còn nhà tôi và một số nhà khác bị những mảnh vỡ của chiếc máy bay B-52 rơi xuống làm hỏng hết mái nhà.
 
Đêm hôm ấy bố đi lùng bắt giặc lái Mỹ, mãi đến sáng mới về. Chưa thấy bố vào nhà, đã nghe tiếng oang oang ngoài ngõ. Bố và mọi người xúm đông trước ngõ nhà tôi, ai cũng cười nói vui mừng vì bộ đội ta bắn rơi máy bay Mỹ, mà lại là “con ma thần sấm”, “pháo đài bay bất khả xâm phạm”, máy bay tối tân hiện đại nhất của Mỹ. Nhưng điều lạ là vẫn chưa tìm được tên giặc lái máy bay B-52 đâu cả.
 
Tôi nghe bố kể, chiếc máy bay B-52 này bị bộ đội tên lửa phòng không của ta bắn rơi, khi nó chưa kịp cắt bom. Phần đầu chiếc máy bay rơi xuống ngõ cạnh nhà mình, còn mảnh vỡ của nó rơi dọc từ phố Thụy Khuê đến Ngọc Hà. Phần đuôi của chiếc B-52 vẫn còn bom bị rơi xuống hồ Hữu Tiệp ở làng hoa Ngọc Hà, một số quả bom chưa kịp nổ, nằm rải rác dọc đường Hoàng Hoa Thám. Bên Ngọc Hà có quả bom chưa kịp nổ xuyên trúng vào một căn hầm làm chết 3 người.
 
Mấy ngày sau đó, trong ngõ nhà tôi không biết tại sao lại có mùi thối, mùi thối càng ngày nồng nặc. Một buổi chiều, bố tôi đi làm về cùng mọi người trong phố đứng tụm quanh đầu chiếc máy bay B-52 đâm sâu vào lòng đất; họ phỏng đoán là xác phi công Mỹ trong máy bay, nên mùi hôi thối bốc lên.
 
Sáng hôm sau, tôi thấy một chiếc cần cẩu lớn, có cả bộ đội, công an và cả hai quân y mặc áo bờ-lu trắng cùng rất nhiều người xúm tay vào đưa đầu chiếc máy bay B-52 lên một chiếc xe tải và xác tên giặc lái Mỹ được lấy ra khỏi đầu máy bay cũng được chở đi.
 
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang đón chào một mùa xuân mới - Mùa xuân của hạnh phúc và ấm no. Nhớ lại những ngày đạn bom khói lửa, tôi lại càng trân quý giá trị của hòa bình.
 
THANH HIẾU
 
 
 
 

.