"Tự soi, tự sửa" để chống chủ nghĩa cá nhân

01:01, 16/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trên báo Nhân Dân ngày 20/5/1951, trong bài “Tự phê bình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”.
 
[links()]
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích”. Trong thực tiễn, việc thực hiện “tự soi, tự sửa” không hề dễ dàng. Ở nhiều đơn vị, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên lúc kiểm điểm cuối năm đã nhận khuyết điểm về mình, nhưng sau đó lại coi nhẹ việc “tự sửa”, không đề ra kế hoạch “tự sửa”, nên khuyết điểm đó vẫn cứ lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa mạnh dạn, thẳng thắn đánh giá hạn chế, khuyết điểm của mình, quanh co đổ lỗi do “yếu tố khách quan”, do cấp dưới tham mưu, hoặc quy hết trách nhiệm cho tập thể. Những chuyện “tự soi” mà không “tự sửa” như thế sẽ làm mất niềm tin của tập thể, của quần chúng. 
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc “tự soi, tự sửa” của mỗi cán bộ, đảng viên phải là việc làm thường xuyên, liên tục, như soi gương, rửa mặt hằng ngày. Đó cũng là quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và giữ gìn phẩm chất, tư cách người cán bộ, đảng viên. “Tự soi, tự sửa” là để bảo vệ danh dự của bản thân, bảo toàn uy tín của tập thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Mỗi cán bộ, đảng viên không thường xuyên “tự soi, tự sửa”, khiến cho chủ nghĩa cá nhân lộng hành thì sẽ biến người cán bộ, đảng viên từ người đầy tớ, công bộc của Đảng và dân trở thành một kẻ tham lam trục lợi, kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại, vô tổ chức, vô kỷ luật, dẫn đến việc trở thành “tội đồ” của Đảng, của dân.
 
Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII khẳng định: Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc sâu xa dẫn tới suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên.
 
Chính vì lẽ đó, “tự soi, tự sửa” là việc làm góp phần bảo vệ, duy trì danh dự, uy tín mà mỗi cá nhân, tổ chức đã dày công gây dựng. Người thực hiện tốt “tự soi, tự sửa” sẽ luôn bảo vệ mình tránh khỏi những suy nghĩ, lời nói, hành động làm mất danh dự, uy tín của mình, luôn nhận được sự tin tưởng, coi trọng của người khác. Từ việc danh dự của mỗi cá nhân được bảo vệ thì uy tín của tập thể sẽ được bảo toàn.
 
Để “tự soi, tự sửa” thực chất hiệu quả, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh thường xuyên, nghiêm túc “tự soi, tự sửa” nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021, Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc “tự soi, tự sửa” phải gắn với kỷ cương, kỷ luật. Mỗi cá nhân phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành đầy đủ các quy tắc, điều lệ, các quy định của pháp luật...
 
ĐẠI NGHĨA
 

.