Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng

12:01, 16/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, có dư luận cho rằng, Nhà nước ta nên xóa bỏ thành phần kinh tế tập thể, vì loại hình kinh tế này không đem lại hiệu quả cho nền kinh tế. Nhận diện này là chưa đúng, vì trong thực tiễn cho thấy, kinh tế tập thể vẫn là bộ phận có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
 
[links()]
 
Cầu nối giữa kinh tế nhà nước với các thành phần kinh tế khác
 
Những năm đầu thế kỷ XXI, khi Đảng và Nhà nước ta xác định nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), các thế lực thù địch đã có những phân tích, nhận định không tích cực. Cá biệt, có ý kiến cho rằng, kinh tế thị trường là mô hình kinh tế của tư bản chủ nghĩa. Việt Nam đi theo mô hình kinh tế thị trường tức là đã chuyển sang chế độ tư bản. Chúng còn cho rằng, không thể có mô hình kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Tuy nhiên, học thuyết Mác - Lênin đã khẳng định, kinh tế thị trường có thể phát triển cả trong chế độ tư bản chủ nghĩa và XHCN cho đến khi hoàn thiện một mô hình kinh tế ưu việt nhất.
 
Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.  Ảnh: Hồng Hoa
Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) trưng bày các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Ảnh: Hồng Hoa
Tại Đại hội IX của Đảng (2001), từ thực tiễn và thành tựu 15 năm đổi mới, Đảng ta đã có những nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đại hội đã nhận thức biện chứng về con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, khẳng định bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng không phải phủ định tất cả những gì thuộc về chủ nghĩa tư bản, mà tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại. Đại hội phân tích sâu sắc tính chất của thời kỳ quá độ, làm rõ động lực phát triển đất nước, xác định kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH.
 
Thực tiễn hàng chục năm qua cho thấy, chúng ta thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đưa nước ta từng bước vượt qua khó khăn và không ngừng phát triển.
 
Tổng kết chặng đường đổi mới, Đại hội XIII của Đảng (2021) tiếp tục khẳng định: Kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
 
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ thành phần kinh tế tập thể, vì nó không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
 
Như vậy, chúng ta vẫn giữ nguyên thành phần kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, xem đây là chiếc cầu nối giữa kinh tế nhà nước với các thành phần kinh tế khác.
 
Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất đánh giá, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Số lượng liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã mới thành lập tăng; phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ. Tổ hợp tác với cơ cấu gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng được nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển.
 
Tập trung khắc phục hạn chế, tồn tại
 
Đến nay, khu vực kinh tế tập thể chưa phát triển như yêu cầu đặt ra, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế còn thấp và có xu hướng giảm dần. Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm, mô hình tổ chức còn lỏng lẻo, chưa phù hợp. Phần lớn tổ hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, lợi ích mang lại thấp.
 
Những hạn chế, yếu kém trên là do, nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền còn hình thức, chưa thật sự quan tâm, thậm chí còn hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực để tổ chức thực hiện. Bộ máy quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng với tổ chức, hoạt động của hợp tác xã. Đội ngũ cán bộ về hợp tác xã còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể.
 
Những tồn tại, yếu kém đó chính là kẽ hở để các thế lực chống phá xuyên tạc, phản bác mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN mà ta đang xây dựng.
 
Để khắc phục những hạn chế trên, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) khẳng định: Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, là thành phần kinh tế quan trọng cùng kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là, phát triển cả số lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm hài hòa trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, địa bàn của nền kinh tế, có chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
 
Như vậy, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể vẫn là bộ phận có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. 
 
VŨ QUANG
 
 

.