(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên chiến trường bước vào những ngày đầu cuộc kháng chiến với lòng sục sôi cách mạng.
[links()]
Ông Vũ Kỳ, trong tác phẩm “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2008) đã thuật lại: Chiều ngày 19/12/1946, có một cuộc họp ngắn diễn ra trong vòng 45 phút trên căn gác xép một ngôi nhà nhỏ ở làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông, giữa Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ. Cuộc họp góp ý kiến lần cuối vào dự thảo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến do Bác Hồ soạn thảo và quyết định về hiệu lệnh, giờ nổ súng ở Thủ đô. Ngay sau đó, kế hoạch được bí mật phổ biến đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị lực lượng vũ trang. Để cuộc tiến công nổ ra đồng loạt trong cả nước, mọi người được yêu cầu theo dõi Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). “Khi nghe trên Đài phát đi câu “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin trân trọng mời đồng bào cả nước nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đó chính là hiệu lệnh tổng tiến công mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc”. Trước đó vài giờ, nhà báo Dương Thị Ngân, nữ phát thanh viên đầu tiên của VOV được lệnh gấp rút di chuyển đến khu điện đài Bạch Mai để chuẩn bị cho nhiệm vụ đặc biệt. Giới báo chí và những người thạo tin hồi hộp chờ đợi "giờ G", không khí căng thẳng bao trùm khắp Hà Nội.
Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Ảnh: T.L |
Buổi phát thanh truyền đi mệnh lệnh kháng chiến vừa kết thúc, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên VOV được lệnh khẩn trương tháo dỡ máy móc, thiết bị và lặng lẽ rời Hà Nội. Một tiếng còi hú vang, liền sau đó là tiếng nổ lớn, khu điện đài Bạch Mai được Vệ quốc quân và Đội công nhân xung phong quyết tử, cho nổ tung.
Ngay sáng hôm sau, ngày 20/12/1946, trên làn sóng điện VOV lại đĩnh đạc lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh gần Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Lời xướng “phát thanh gần Hà Nội” như ngầm báo tin với thính giả cả nước, VOV đã lên đường đi kháng chiến và địa điểm đầu tiên là chùa Trầm, thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 20km về phía tây. Nói địa điểm đầu tiên là bởi trong suốt 9 năm kháng chiến, VOV đã phải 14 lần di chuyển trụ sở để bảo toàn “Tiếng nói Việt Nam”. Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Tổng Giám đốc VOV cho rằng, VOV có vinh dự là cơ quan báo chí đầu tiên phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện này ghi thêm một mốc son trong lịch sử của đất nước, của giới báo chí cách mạng và của VOV.
Cùng với VOV, báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh cũng có sự chuẩn bị sớm cho kháng chiến. Theo “55 năm Hội Nhà báo Việt Nam” của nhóm biên soạn Hoàng Phong - Xuân Lương, ấn hành năm 2005, thì ngay từ cuối tháng 11/1946, báo Cứu Quốc đã chuyển dần nhà in từ nội thành ra Thanh Oai, Hà Đông. Nhà báo Xuân Thủy, Chủ nhiệm báo Cứu Quốc nói với các phóng viên: “Trung ương nhận định thế nào chiến tranh cũng nổ ra. Quân Pháp ngày càng lấn tới. Cuộc chiến sẽ rất ác liệt. Ta chưa lường được hết khó khăn. Các phóng viên phải làm việc như trong thời chiến”. Báo Cứu Quốc phân công ba nhóm phóng viên chiến trường, bám sát địa bàn phía tây, phía nam và vùng trung tâm TP.Hà Nội để kịp thời đưa tin chiến sự của Thủ đô những ngày đầu kháng chiến. Các phóng viên chiến trường được Thành bộ Việt Minh thành Hoàng Diệu cấp thẻ thông hành đặc biệt cho phép đi lại mọi nơi trong thành phố. Họ chui qua các lỗ tường đục thông từ nhà này sang nhà khác, đến với các chiến sĩ đang căng mình ở các chiến lũy được dựng ngay trên đường phố, luồn lách qua các ụ pháo, giao thông hào, dưới làn bom đạn ngập trời.
Ngay trong đêm đầu tiên Hà Nội nổ súng, tại làng Viên Nội, Thanh Oai, Hà Đông, hơn ba vạn tờ báo Cứu Quốc, với Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đã được in ra và chuyển đến tay đồng bào, chiến sĩ. Cũng thời gian này, nhóm phóng viên chiến trường Như Phong, Hồng Hà cùng Nguyễn Đình Thi và Thép Mới chuyển từ Khâm Thiên đến làng Sét, ngoại vi thành phố, ra tờ Cứu Quốc khổ nhỏ, 2 trang, gọi là báo “Cứu Quốc con”. Tờ báo được tung vào nội thành và là tờ báo kháng chiến đầu tiên trong những ngày Hà Nội khói lửa. Bài ca “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, với những giai điệu và ca từ: "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên!/ Hà Nội vùng đứng lên!/ Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!", cũng xuất hiện lần đầu tiên trên tờ báo này.
Có một cơ quan báo chí khác mà trụ sở đóng cách xa Hà Nội đến hơn 900km về phía nam - tại đình Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), đó là Đài Tiếng nói Nam Bộ. Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, không khí làm việc của các biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên Đài Tiếng nói Nam Bộ cũng hết sức khẩn trương. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi phát lại nhiều lần, cùng với đó là những tin tức chiến sự được cập nhật qua bản tin đọc chậm trên sóng VOV. Đài Tiếng nói Nam Bộ là đài phát thanh thứ 2 sau Đài Tiếng nói Việt Nam, phục vụ thính giả cả 2 vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Kháng chiến bùng nổ, tin tức chiến sự, cùng những bài bình luận chiến trường được truyền đi qua làn sóng điện, đã có sức lôi cuốn, cổ vũ, làm náo nức lòng người.
Báo chí trong những ngày đầu tiên của Toàn quốc kháng chiến hừng hực khí thế tiến công cách mạng. Quả thực, đó là những tháng ngày khó quên đối với những người làm báo.
HÀ MINH ĐÍCH