Tác phong của người cán bộ dân vận

05:10, 31/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác dân vận. Người căn dặn: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Vì vậy, người cán bộ dân vận ngoài việc không ngừng bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững các quan điểm, mục tiêu và phương thức dân vận... thì phải thường xuyên rèn luyện tác phong của người cán bộ dân vận.
 
[links()]
 
Nói đi đôi với làm
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của cán bộ nói chung và cán bộ dân vận nói riêng là phục vụ nhân dân, cán bộ không phải là “quan cách mạng” mà là “đầy tớ” của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ dân vận tốt nhất là phải miệng nói tay làm cho người khác bắt chước, Người nói: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”. Cán bộ dân vận phải đi sâu đi sát thực tế để tai nghe mắt thấy, lời nói phải đi đôi với việc làm. Đây là nguyên tắc được Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu, là nguyên nhân tạo nên sức hút, sức thuyết phục trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
 
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thăm hỏi và tặng quà cho người dân Lý Sơn.  Ảnh: X.THIÊN
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thăm hỏi và tặng quà cho người dân Lý Sơn. Ảnh: X.THIÊN
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong công tác dân vận “không thể dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước hết là phải giải thích cho mỗi một người dân hiểu rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. Theo Người, giải thích là cách tốt nhất để dân hiểu đúng, dân làm đúng, dân ủng hộ cách mạng, ủng hộ đường lối kháng chiến. Dân hiểu rồi lại phải đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ. Người nói: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”. Vì vậy, người cán bộ dân vận trong quan điểm Hồ Chí Minh phải kết hợp giữa lời nói và thực hành, phải gương mẫu, mẫu mực trong lời nói và hành động, phải uy tín trước quần chúng nhân dân, phải sát cơ sở, sát thực tế; đến với dân để nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giúp dân giải quyết những công việc cụ thể và đề xuất những chính sách, hay điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Cán bộ dân vận hết sức tránh biểu hiện lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, nói mà không làm, nói nhiều làm ít. Người cán bộ dân vận không chỉ nói theo nghị quyết, hô hào nhân dân làm, mà phải thực sự nhúng tay vào việc, thậm chí cầm tay chỉ việc cho dân.
 
Thân thiện, gần gũi nhân dân
 
“Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
 
Chủ tịch HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, người làm công tác dân vận phải có quan hệ gắn bó mật thiết với quần chúng. Do đó, người cán bộ dân vận phải có tác phong quần chúng, phải gần gũi thân thiện với quần chúng thì quần chúng mới bộc lộ hết tâm tư nguyện vọng của mình một cách chân thành, qua đó mới giúp Đảng nắm được tình hình một cách chân thực nhất và có những chủ trương, đường lối, giải pháp đúng đắn, thích hợp. Tác phong này bắt nguồn từ tư tưởng lấy nhân dân làm chủ thể của Hồ Chí Minh. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc... Gốc có vững thì cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” và “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”. 

 
Người cho rằng, vai trò của nhân dân rất to lớn, muốn vận động nhân dân, thì đừng quên rằng mình chính là người dân, chứ không phải là người đứng trên nhân dân để dìu dắt hay để chỉ huy nhân dân, mà phải thực sự là dân để cùng hiểu, rồi cùng làm với dân.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh vai trò của cán bộ dân vận, đồng thời phê phán một số nơi xem nhẹ công tác dân vận, quan liêu, mệnh lệnh sống xa dân. Người đã nhìn thấy sức mạnh và sự sáng tạo vô cùng to lớn của nhân dân. Dân ta rất thông minh, biết giải quyết công việc một cách nhanh chóng mà nhiều cán bộ nghĩ mãi không ra, nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy nhân dân cũng làm được. Người cho rằng, “muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Theo Người, chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Vì lẽ đó mà suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương mẫu mực về gần dân, học dân, kính trọng và phục vụ nhân dân.
 
Tác phong gương mẫu
 
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ dân vận phải gương mẫu, nếu không gương mẫu thì không làm dân vận được. Người cho rằng, “tuyên truyền miệng nói tay phải làm, phải tùy hoàn cảnh mà giúp đỡ nhân dân thực sự, không chỉ phải dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu”. Gương mẫu trong tư tưởng Hồ Chí Minh là gương mẫu toàn diện. Dân vận trong lời giải thích, vận động, thuyết phục chưa đủ, cần phải dân vận trong hành động, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Vì vậy, nói đến đạo đức của mỗi cá nhân, không chỉ căn cứ vào những câu triết lý về đạo đức, hay những bài diễn thuyết hùng hồn mà phải xem hành động của cá nhân ấy. 
 
“Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến kiến quốc ta phải cần, kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết mình phải làm gương, làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho nhân dân”, Người nói.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “một tấm gương sống còn đáng giá hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người cũng là một tấm gương sống như thế. Theo Người, gương mẫu là “mệnh lệnh không lời”, cán bộ có gương mẫu thì dân mới nghe theo và làm theo.
 
Làm việc khoa học, sâu sát và thiết thực
 
Người cán bộ làm công tác dân vận trong tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi không chỉ có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng; có phẩm chất đạo đức cách mạng, mà còn phải có phương pháp làm việc khoa học và thiết thực; có khả năng tổ chức và thực hiện. Khi ra quyết định, hay tìm cách giải quyết và tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, mà phải đi sâu đi sát thực tế. Người kịch liệt phê phán những lối làm việc không thiết thực như thế. Trong công việc, Người nhấn mạnh, để làm việc thiết thực và đạt kết quả cao, thì “bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với từng hoàn cảnh của địa phương”.
 
Trong giai đoạn hiện nay, để huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn thể dân tộc Việt Nam, cũng như kiều bào Việt Nam yêu nước vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác dân vận có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác dân vận nói chung và về tác phong của cán bộ dân vận nói riêng vẫn vẹn nguyên giá trị. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ dân vận “vừa hồng vừa chuyên”, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về phẩm chất đạo đức, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thì mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn để xứng đáng là người “công bộc”, người “đầy tớ” trung thành của nhân dân, được nhân dân tin yêu và ủng hộ.
 
   LÊ QUANG HUY
 
 
 
 

.