(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây đã mở ra thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại đất nước độc lập, nhân dân được tự do, làm chủ xã hội và cuộc sống của mình.
[links()]
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự kiện thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa Thu năm 1945 đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử trọng đại, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Từ đây, đất nước và dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Thời cơ lịch sử, bước ngoặt to lớn
Từ ngày 14 - 18/8/1945, Tổng khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ và đại bộ phận miền Trung, một phần ở miền Nam và một số thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An (Quảng Nam), Quảng Ngãi... Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Như vậy, sau hơn 15 năm chuẩn bị và tập dượt, đấu tranh bền bỉ, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, tận dụng thời cơ lịch sử, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi trọn vẹn và huy hoàng.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945. |
Ngày 22/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội. Chiều 25/8, Người làm việc ở ngôi nhà số 48 - Hàng Ngang (Hà Nội), nơi ra đời Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Sáng 26/8, Người chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng thống nhất việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập, quyết định những công việc quan trọng về đối nội, đối ngoại của đất nước và tổ chức cuộc mit tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân cả nước, đồng thời nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa. Trong 2 ngày (28 - 29/8), Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập; ngày 30/8, Người mời một số đồng chí ở Trung ương Đảng góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Vào lúc 14 giờ, ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại mới của lịch sử dân tộc - thời đại đất nước độc lập, nhân dân được tự do, làm chủ xã hội và cuộc sống của mình.
Không có gì quý hơn độc lập, tự do
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Chủ tịch HỒ CHÍ MINH
|
Tuyên ngôn Độc lập tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung có giá trị lịch sử, pháp lý và nhân văn cao cả về quyền con người và quyền dân tộc tự quyết. Bản Tuyên ngôn thể hiện khí phách hào hùng, tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc ta. Khi thực dân Pháp rút chạy, Nhật đầu hàng Đồng minh, vua Bảo Đại thoái vị, nhân dân cả nước đã chớp thời cơ, đoàn kết đứng lên đánh đổ xiềng xích thực dân hơn 80 năm và chế độ quân chủ phong kiến hà khắc để lập nên chế độ dân chủ cộng hòa, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Rõ ràng là chúng ta đã “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...”.
Bản Tuyên ngôn mở đầu bằng câu trích trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp sau là câu trích dẫn từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi...”. Đó là tư tưởng văn hóa - chính trị rất nhân văn và sâu sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân thăm hỏi, tặng quà cho các Mẹ VNAH. Ảnh TL |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập về cái “chân lý cao cả” mà nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ phải đổ bao xương máu và nước mắt để viết nên. Đó là tầm nhìn xa trông rộng, sự nhạy cảm về chính trị và thông hiểu về thế giới là giành được nền độc lập, quyền tự quyết cho dân tộc đã khó, nhưng để nền độc lập đó được tất cả các nước công nhận, tôn trọng còn khó hơn nhiều. Bởi vì, Người luôn thấu hiểu trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, các thế lực thực dân, đế quốc luôn tìm cách tiêu diệt chính quyền cách mạng còn non trẻ của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Mặt khác, nội dung Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền cơ bản của con người và quyền của các dân tộc. Điều đó có ý nghĩa rất to lớn, vì trong thời điểm sau chiến tranh thế giới lần thứ II, các nước thuộc địa và phụ thuộc chưa được luật pháp quốc tế bảo vệ. Với Bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã đóng góp một điểm son ngời sáng trong lịch sử quốc tế và vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập”. Đây còn là lời lẽ tâm huyết của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất trong sứ mệnh giải phóng dân tộc và giành độc lập cho dân tộc.
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Trà Bồng. Ảnh TL |
Ở phần cuối của Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đó là lời thề thiêng liêng của dân tộc, là tư tưởng lớn về khát vọng của nền độc lập dân tộc hoàn toàn và hướng đến tương lai ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Lời Bác mãi trong tim
Đã 77 năm trôi qua, cảm xúc về ngày 2/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử vẫn vẹn nguyên trong trái tim các thế hệ người dân Việt Nam. Niềm xúc động, cảm xúc thiêng liêng khó tả khi ngày tết Độc lập đang đến gần, đặc biệt là khi nghe lại Bản Tuyên ngôn Độc lập.
Sáng mùa thu năm 1945, người dân Quảng Ngãi dù không có mặt ở Quảng trường Ba Đình, mà chỉ được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập qua radio, hay được nghe truyền miệng lại, nhưng tất cả đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh sau gần trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ. Thời điểm đó, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Giỏi, ở xã Phổ An (TX.Đức Phổ), là cô bé 13 tuổi. "Ngày đó, tôi theo người dân trong làng tập trung để nghe kể lại lời Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập. Chúng tôi ngồi im lặng lắng nghe, xong rồi hô lên: Đất nước mình độc lập rồi!”, mẹ Giỏi nhớ lại.
Bản Tuyên ngôn Độc lập như lời hiệu triệu toàn dân. Mẹ Giỏi cùng chồng, con và lớp lớp người dân Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung, quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, quyết tâm thống nhất đất nước. Chồng và con trai mẹ Giỏi hy sinh trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Mẹ Giỏi đã biến nỗi đau thành hành động, tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cho đến ngày “Bắc - Nam nối liền một dải”.
|
Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: TL |
Chúng tôi đến thăm Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thanh Trang, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Người anh hùng năm nào nay đã ở tuổi bát tuần, vui sống bên con cháu. Hòa cùng không khí của những ngày thu, ông Trang sửa sang lại khung tranh Bác Hồ và treo cờ Tổ quốc trước nhà. Ông Trang kể, nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập qua Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi tự hào và hạnh phúc lắm! Chúng tôi thường truyền nhau những câu nói mà Bác Hồ đọc trong Bản Tuyên ngôn Độc lập. Những năm tháng ấy, lời Bác đã ghi sâu vào tâm khảm và đã tiếp thêm động lực, ý chí để chúng tôi chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Thế hệ trẻ hôm nay cũng luôn tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước mỗi khi nghe lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Anh Nguyễn Tấn Triệu (32 tuổi), ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), hiện là công nhân tại KCN VSIP Quảng Ngãi chia sẻ, mỗi lần nghe lời Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tôi cảm thấy tự hào và xúc động. Thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh để đất nước được hòa bình, độc lập. May mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình, khi đất nước đã phát triển, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chúng tôi càng thấy trân quý giá trị của độc lập, tự do và thấy rõ trách nhiệm của mình phải cố gắng sống và làm việc thật tốt, để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông.
|
Tỉnh đoàn biểu dương thanh niên công nhân tiêu biểu năm 2022. Ảnh TL |
Một mùa thu nữa lại đến, người dân trên mọi miền đất nước hướng lòng mình về Thủ đô Hà Nội, và như vang vọng khắp không gian, đất trời, vẹn nguyên trong tim mỗi người lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Tự hào Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh và sự kiện ra đời Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử gắn với tên tuổi lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh, với tinh thần phấn khởi và tin tưởng, mỗi chúng ta cần tiếp tục quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc. Những giá trị to lớn và ý nghĩa thời đại của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam trên đường đổi mới, phát triển và hội nhập.
|
Cán bộ quân y của Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Abyei và Nam Sudan, sáng 27/4/2022. Ảnh: Gia Hân/Báo Thanh niên |
Tại buổi mít tinh ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ngày 14/5/2010 nhân Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hans D’Orville - Phó Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định, Tuyên ngôn của Người bắt đầu chính từ những trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Quan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên hợp quốc đã đưa vào Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Đến năm 1970, Đại hội đồng Liên hợp quốc mới nhất trí tuyên bố chấm dứt “vô điều kiện chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức và mọi biểu hiện”. |
TUẤN ANH - VŨ YẾN