Sáng mãi khí phách Nữ tù binh Trại giam Phú Tài

08:08, 31/08/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Ngày gặp lại, những nữ tù binh từng bị giam cầm tại Trại giam Phú Tài (Bình Định), có quê Quảng Ngãi, mừng rỡ, ôm chầm lấy nhau. Đây là lần hiếm hoi, họ có dịp hội ngộ trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 và tập thể vừa nhận danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
 
[links()]
 
Trong không khí của những ngày mùa thu lịch sử, sáng 31/8, Hội Tù yêu nước tỉnh tổ chức buổi gặp mặt những nữ tù binh Trại giam Phú Tài (Bình Định), quê Quảng Ngãi. Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An đã đến dự. 
 
Vẹn nguyên ký ức một thời
 
Vượt chặng đường xa từ tỉnh Đắk Lắk về quê hương, Trưởng ban Liên lạc Nữ tù binh Trại giam Phú Tài Nguyễn Thị Ngọc Lý (72 tuổi), quê ở huyện Mộ Đức, là người có mặt sớm nhất. Bà Lý từng tham gia chiến đấu tại địa phương và bị địch bắt, giam cầm ở trại giam này vào năm 1968.
 
“Từ những cô gái mười tám, đôi mươi, bây giờ ai cũng đã cao tuổi và sức khỏe không còn như trước nên đi lại rất khó khăn, để có có dịp hội tụ đông đủ như lần này, thật không dễ gì. Chúng tôi vui mừng và xúc động lắm. Suốt 3 đêm nay, đêm nào cũng thao thức và mất ngủ, nóng lòng gặp lại đồng đội năm xưa”, bà Lý bộc bạch. 
 
Mắt ngấn lệ, đỏ hoe, bà Lý và các nữ tù binh khác liên tục trao nhau những cái ôm xúc động. Ký ức hào hùng trong những ngày bị địch tra tấn dã man ở trại giam lại hiện về. Bà Lý kể lại, trong âm mưu xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ - Diệm coi việc “bình định”, lập “ấp chiến lược” là giải pháp chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của kế hoạch xâm lược, nhất là trong giai đoạn chúng thực hiện “Chiến tranh đặc biệt”.
 
Các nữ tù binh Trại giam Phú Tài quấn quýt nhau trong ngày gặp lại.
Nữ tù binh Trại giam Phú Tài quấn quýt nhau trong ngày gặp lại.
 
Những năm 1961 - 1965, địch huy động cao nhất lực lượng quân đội và phương tiện chiến tranh, tiến hành liên tục các cuộc hành quân, càn quét. Số cán bộ hy sinh, bị bắt, giam cầm ngày càng tăng nhanh nên các nhà tù, trại giam lần lượt được mọc lên.
 
Ngày 18/6/1967, tại thôn Phú Tài, xã Phước Long, huyện Tuy Phước, nay là phường Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn (Bình Định), địch đã xây dựng nên Trại giam Phú Tài. Trại giam được bao bọc đến 10 lớp rào kẽm gai. Cùng với đó là hệ thống quản trại và các bộ phận thẩm tra, xét hỏi, chiêu hàng… được hình thành, nhằm trói buộc thể xác và lung lạc ý chí của các nữ tù binh khi bị địch bắt, giam giữ. Phơi nắng trần trụi, thả rắn, rết vào phòng giam, đánh vào những điểm yếu của phụ nữ, thực hiện biệt giam… là những đòn tra tấn dã man của địch đối với những nữ tù binh.
 
Thế nhưng, địch không khuất phục được ý chí kiên cường, bất khuất và lòng sắt son của những nữ chiến sĩ cộng sản. Ngược lại, cứ mỗi giọt máu đổ xuống, tinh thần đấu tranh cách mạng càng thêm sục sôi và niềm tin về ngày mai chiến thắng càng thêm mãnh liệt.
 
Những cảm xúc trong ngày gặp lại.
Những cảm xúc của Nữ tù binh Trại giam Phú Tài trong ngày gặp lại.

“Những nữ tù binh ở Trại giam Phú Tài là nhân chứng sống động, kết nối bản anh hùng ca bất hủ về sự quả cảm, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng cho Phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Đây là những tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ hôm nay học tập và noi theo”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh HUỲNH THỊ SƯƠNG

Điều đặc biệt, Trại giam Phú Tài là nơi giam giữ nữ tù binh nhưng cũng được xem là trường học cộng sản. Từ đây, đã hình thành nên những chiến sĩ tiên phong, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đánh đổ đế quốc, đập tan bộ máy ngụy quyền, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù tay không đánh giặc nhưng trong suốt những năm 1967 - 1972, tại trại giam diễn ra gần 20 cuộc đấu tranh của nữ tù chính trị chống địch. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh nổ ra đầu năm 1969 về chống thi hành nội quy nhà tù, chống đi lao dịch, chống chào cờ ba que và chống đàn áp nữ tù…

“Những người phụ nữ chân yếu, tay mềm, đến từ nhiều tỉnh, thành phố đã cùng nhau đoàn kết, đấu tranh trực diện với bộ máy đàn áp của địch; sẵn sàng hy sinh, vượt qua đau đớn, đói rét và bệnh tật để tiếp tục sống và chiến đấu. Trong cuộc đấu tranh này, có 8 nữ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đây cũng là dịp để chúng tôi tri ân đến các đồng đội, những nữ anh hùng năm xưa”, bà Lý bày tỏ. 
 
Tiếng vang còn mãi
 
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, có 904 Nữ tù binh Trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước), sau khi chuyển trại giam từ Bình Định vào Cần Thơ một thời gian trước đó.
 
Gần 5 năm tồn tại, trại giam đã giam cầm hơn 1.000 tù binh là nữ chiến sĩ cách mạng, bị địch bắt trong các cuộc hành quân, càn quét trên khắp các chiến trường từ Quảng Trị trở vào các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong số đó có 70 nữ tù binh quê Quảng Ngãi, tuổi từ 17 đến 22 và đa số chưa lập gia đình. Khí tiết, tinh thần cách mạng của các nữ tù binh là người Quảng Ngãi luôn được nhắc đến, với tinh thần dũng cảm, gan dạ, nhất là trong những lần tổ chức vượt ngục. 
 
Khen thưởng
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An và đại diện Hội Tù yêu nước tỉnh trao danh hiệu cao quý của Chủ tịch nước cho các nữ tù binh.
 
Sau ngày giải phóng, nhiều người tham gia công tác trong các cơ quan, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội; trở thành doanh nhân, chủ doanh nghiệp và cũng có những người phải mang theo thương tật, tàn phế suốt đời; sức khỏe yếu và phải quẩn quanh với ruộng đồng. Thế nhưng, họ có chung một niềm tự hào là được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước.
 
“Những năm tháng ở Trại giam Phú Tài, có gian khổ, đau thương và mất mát, nhưng đó là khoảng thanh xuân ý nghĩa nhất. Chúng tôi vinh dự được cống hiến tuổi trẻ của mình để phụng sự cho Tổ quốc”, bà Tạ Thị Nhẫn (75 tuổi), ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), bộc bạch. 

“Các nữ tù binh đã đánh đổi thanh xuân bằng máu và nước mắt để giữ gìn danh dự, khí tiết của chiến sĩ cách mạng khi bị địch bắt, tù đày. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 2020, Tập thể Nữ tù binh Trại giam Phú Tài vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Buổi gặp mặt là dịp để lãnh đạo tỉnh thay mặt Đảng và Nhà nước chúc mừng, trao tặng danh hiệu cao quý này cho các nữ tù binh quê Quảng Ngãi”.

Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh LÊ QUANG BA

Tại Quảng Ngãi, hiện có 49 nữ tù binh từng bị địch bắt, tù đày ở Trại giam Phú Tài đang sinh sống. Số còn lại có chồng, lập gia đình ở các nơi và một số người đã qua đời.

Sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, họ trở về với cuộc sống thường ngày. Giờ phút tạm biệt, họ tặng cho nhau lời ca, tiếng hát từng cất vang, động viên nhau trong những năm tháng gian khổ nhất. Họ dặn dò cùng giữ gìn sức khỏe, tinh thần lạc quan để có thêm nhiều lần gặp gỡ. Và, dù trong hoàn cảnh nào phải luôn giữ khí phách, phẩm chất, đạo đức cách mạng của những Nữ tù binh Trại giam Phú Tài năm xưa.

Bài, ảnh: THIÊN HẬU
 
 

.