Đồng chí Võ Chí Công với Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi

08:08, 06/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nổ ra và thắng lợi trong những ngày cuối tháng 8/1959. Đây là một trong những chiến công oanh liệt, có tính bước ngoặt đối với phong trào cách mạng toàn miền Nam lúc bấy giờ. Để có thắng lợi đó phải kể đến vai trò và công lao to lớn của đồng chí Võ Chí Công. 
 
[links()]
 
 
Một nhà quân sự táo bạo và quyết đoán
 
Đồng chí Võ Chí Công.            Ảnh: TL
Đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: TL
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chính quyền Ngô Đình Diệm ngang nhiên phá bỏ Hiệp định. Từ năm 1955, chúng đã bắt đầu thi hành chính sách tố cộng. Từ năm 1956  - 1958, việc thi hành chính sách tố cộng, diệt cộng được tăng cường cả về quy mô lẫn hình thức, với các chiến lược “Tố cộng”, “Diệt cộng” đánh phá phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam nói chung, Khu 5 nói riêng đã gây cho ta nhiều tổn thất nặng nề.
 
Trước những mất mát hy sinh của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta ở chiến trường Liên khu 5, đồng chí Võ Chí Công, với vai trò là Phó Bí thư Liên khu ủy 5, luôn trăn trở về đường lối và phương pháp đấu tranh ở miền Nam lúc này. Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén của một người lãnh đạo, trên cơ sở thực tế, không giáo điều, đồng chí nhận định: Tuy Hiệp định Giơnevơ quy định sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà, nhưng kẻ thù không bao giờ chịu thi hành Hiệp định.
 
Đến năm 1957, thì tư tưởng đấu tranh vũ trang trong Đảng bộ và nhân dân Khu 5 đã sục sôi, vì thấy không thể chỉ dùng con đường đấu tranh chính trị mà giành được chính quyền. Đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí trong Liên khu ủy 5 kết luận: “Thực tiễn miền Nam đã dạy cho chúng ta rằng bạo lực chống lại bạo lực mới thắng được” và nhấn mạnh: “Đây là kinh nghiệm xương máu từ cuộc sống, là thực tiễn, là chân lý được kiểm nghiệm trong thực tiễn”.
 
Cuối năm 1957, được sự đồng ý của đồng chí Bí thư Liên khu ủy 5, đồng chí Võ Chí Công ra Hà Nội. Nghe tin đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã được điều động ra miền Bắc, giúp trung ương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới của Đảng về con đường của cách mạng miền Nam, đồng chí Võ Chí Công rất vui mừng và hy vọng, đồng chí Lê Duẩn là người có thực tế ở chiến trường chắc sẽ có ý kiến với trung ương và Bác Hồ về đường lối cách mạng miền Nam. 
 
Đầu năm 1958, sau khi ra Hà Nội, đồng chí Võ Chí Công đã báo cáo với đồng chí Lê Duẩn về tình hình Liên Khu 5, cũng như mong muốn của Đảng bộ và nhân dân khu 5 là đấu tranh vũ trang. Lần gặp gỡ này, đồng chí Lê Duẩn đã đưa cho đồng chí Võ Chí Công bản Đề cương cách mạng miền Nam và được đồng chí Võ Chí Công xem như “một cẩm nang thần kỳ”. Hôm sau, đồng chí Võ Chí Công được trực tiếp báo cáo trước Bác Hồ và Bộ Chính trị về tình hình trước và sau tập kết ở các tỉnh và ở 3 vùng của Khu 5. 
 
Trên cơ sở xem xét thực tế tình hình và lắng nghe những kiến nghị khẩn thiết của các tổ chức đảng và của cán bộ, đồng bào, chiến sĩ miền Nam, trong đó có các đồng chí lãnh đạo của Khu 5 và đồng chí Võ Chí Công, tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị (mở rộng) lần thứ 15. Hội nghị tiến hành nhiều đợt; trong đó đợt 1 từ ngày 12 - 22/1/1959. Nghị quyết 15 được thông qua và phổ biến sau cuộc họp đợt 2 (7/1959). Nghị quyết 15 khẳng định, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam; nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Ðình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ. Phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân tiến lên cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ.
 
Đồng chí  Võ Chí Công, họ và tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912 tại xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam). Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930. Tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 4/1987, đồng chí Võ Chí Công được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và khoá VIII. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Đồng chí Võ Chí Công mất ngày 8/9/2011, hưởng thọ 100 tuổi. 
 
Với những công lao và thành tích hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

 

Dấu ấn Võ Chí Công
 
Sau hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15, đồng chí Võ Chí Công được chỉ định làm Bí thư Liên khu ủy 5. Về đến Liên khu 5 vào tháng 5/1959, đồng chí triệu tập ngay một hội nghị tại một vùng cao Quảng Nam gồm 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên để triển khai tinh thần Nghị quyết 15. Sau đó, Nghị quyết 15 nhanh chóng lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Khu 5, trong đó có đồng bào Cor huyện Trà Bồng. Nghị quyết 15 đã  đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân là phải dùng bạo lực cách mạng, phải chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang để đối phó với kẻ thù. 
 
Bên cạnh sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Tỉnh ủy, thì sự ra đời Nghị quyết 15 của Đảng (khóa II) được xem là ngọn đuốc soi đường để Tỉnh ủy Quảng Ngãi bổ sung hoàn thiện phương án khởi nghĩa. Tháng 6/1959, Tỉnh ủy Quảng Ngãi triệu tập hội nghị mở rộng để học tập, bàn kế hoạch, biện pháp thực hiện Nghị quyết 15 của trung ương, chủ trương phá tan cuộc bầu cử của địch; kiên quyết không để địch tổ chức bầu cử, nếu bị đàn áp thì phát động quần chúng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
 
Ngày 28/8/1959, từ mờ sáng, tiếng cồng chiêng, tiếng trống mõ, tiếng la hét hòa trong tiếng súng từ các làng nổi lên vang dậy khắp núi rừng Trà Bồng, thúc giục đồng bào xuống đường, vây diệt ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi bùng nổ. Nhân dân và lực lượng thanh niên vũ trang các xã Trà Phong, Trà Lãnh, Trà Quân, Trà Sơn, Trà Nham, Trà Khê đồng loạt nổi dậy, vây diệt bọn cảnh sát ác ôn, uy hiếp tinh thần binh lính địch. Vùng cao Trà Bồng bừng bừng khí thế quật khởi, lính địch hốt hoảng trốn vào các thôn, nóc, liền bị ta bao vây, gọi hàng, bắt sống... Đến trưa 31/8, ta chiếm được Eo Chim, Eo Reo. Đồng bào nổi dậy xóa bỏ các hình thức kìm kẹp của địch ở xung quanh quận lỵ. Trước khí thế của cách mạng, tên quận trưởng và quận phó Trà Bồng trốn chạy về tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Bộ máy ngụy quyền của địch ở Trà Bồng hoàn toàn bị tê liệt. Toàn huyện Trà Bồng được giải phóng. Chính quyền cách mạng ở các xã được thành lập.
 
Cuộc khởi nghĩa ở Trà Bồng lan nhanh đến các huyện Sơn Hà, gồm cả Khu 7 (huyện Sơn Tây ngày nay), Ba Tơ, Minh Long. Với sự quyết tâm chiến đấu của người dân và các lực lượng vũ trang, cùng với các xã của huyện Trà Bồng, trên 40 xã thuộc các huyện miền Tây Quảng Ngãi cũng được giải phóng, hình thành một dải căn cứ liên hoàn nối liền với các khu căn cứ đang hình thành ở Bắc Tây Nguyên.
 
Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên ở miền Nam Việt Nam giành được thắng lợi và là một trong những cuộc khởi nghĩa mở đầu cho phong trào Đồng Khởi ở miền Nam. 
 
Tình cảm đặc biệt với Quảng Ngãi
 
Sáng 4/9/1959, tại nóc ông Vinh, thôn Trà Dục, xã Trà Lãnh (thuộc Tây Trà trước đây), Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp mở rộng, nhận định và phân tích cụ thể tình hình địch, ta; thống nhất việc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi của chúng ta là đúng và chủ trương liên tục đẩy mạnh tiến công địch về cả 3 mặt vũ trang, đấu tranh chính trị và công tác binh tề vận khắp toàn tỉnh... Sau đó, nội dung cuộc họp được điện báo cáo ngay cho Liên khu ủy. Đồng chí Võ Chí Công, thay mặt Thường vụ Liên khu ủy 5, đã điện trả lời nhất trí với các nội dung của cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi mở rộng. Đồng thời, yêu cầu Tỉnh ủy Quảng Ngãi phải thường xuyên đề cao cảnh giác với âm mưu và hành động đánh phá của địch, hết sức quan tâm đến đời sống, tính mạng, tài sản và nơi ăn ở của nhân dân và phải thường xuyên báo cáo tình hình miền núi của tỉnh về Liên khu ủy. 
 
Được điện trả lời của đồng chí Võ Chí Công, Tỉnh ủy Quảng Ngãi hết sức vui mừng, coi đó là chỉ thị, nguồn động viên to lớn đối với Tỉnh ủy. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của đồng chí Võ Chí Công, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi giữ được sự đoàn kết, thống nhất, giữ vững ý chí, quyết tâm chiến đấu đưa sự nghiệp kháng chiến của tỉnh tiếp tục tiến lên.
 
Sau đó, đồng chí Võ Chí Công đã về Quảng Ngãi, trực tiếp quan sát một số xã ở huyện Trà Bồng và nghe báo cáo cụ thể nên rất phấn khởi, nhất là chứng kiến khí thế cách mạng và sức mạnh của quần chúng, một sư đoàn của địch lên càn quét miền núi đã phải tháo chạy.
 
Tháng 2/1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất (trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) được tổ chức. Mặc dù vừa ốm dậy, nhưng đồng chí Võ Chí Công đã cố gắng về dự và chỉ đạo đại hội. Tại đại hội, sau khi nghe các ý kiến thảo luận, đồng chí Võ Chí Công đã kết luận: “Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là thắng lợi to lớn, sự chỉ đạo trong, trước và sau khởi nghĩa về căn bản là đúng. Cũng như phong trào chung trong toàn tỉnh, Quảng Ngãi đã đi đúng đường lối, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, dũng cảm phát động quần chúng khởi nghĩa và tiếp theo đó đã tiến hành chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích để chống lại kẻ thù hung bạo, đã biết vừa tiến hành đấu tranh vũ trang, vừa giữ thế hợp pháp để tạo cho quần chúng đấu tranh chính trị. Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng mở đầu trang sử đấu tranh chính trị và vũ trang song song, đó là đỉnh cao nhất của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi trong thời kỳ bấy giờ, là thắng lợi đầu lòng và đột xuất, cổ vũ phong trào chung trong tỉnh, trong Khu phát triển mạnh mẽ”.        
 
Hơn 50 năm đã trôi qua, Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng như một mốc son chói lọi, trở thành một trong những trang sử vàng của lịch sử cách mạng cả nước. Ngày nay, nói đến Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Quảng Ngãi luôn nhớ đến công lao to lớn và tình cảm chân tình của đồng chí Võ Chí Công với con người và mảnh đất Quảng Ngãi anh dũng, kiên cường.
 
T.HIẾU - T.THƯƠNG
 
 

.