(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, huyện Sơn Tây hôm nay đã vững bước đi lên trong tiến trình đổi mới, hội nhập. Có được những thành tựu đáng tự hào là nhờ sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện và sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của tỉnh và trung ương.
[links()]
Kiên cường trong kháng chiến
Cuối tháng 12/1956, tại Nước Lát, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định tách 8 xã vùng cao huyện Sơn Hà để thành lập Khu 7 (nay là huyện Sơn Tây). Từ ngày 20/7/1957, Khu 7 chính thức đi vào hoạt động. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1976, thực hiện chủ trương của Nhà nước, huyện Sơn Tây sáp nhập với huyện Sơn Hà. Đến năm 1994, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ ban hành Nghị định số 83-CP tách 4 xã của huyện Sơn Hà tái lập huyện Sơn Tây, để trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
|
Hệ thống giao thông tại trung tâm huyện lỵ Sơn Tây được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: P.Danh |
Trải qua 65 năm lịch sử, tuy có nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi khác nhau, song ở thời kỳ nào, nhân dân các dân tộc Ca Dong, Hrê, Kinh trên địa bàn huyện Sơn Tây vẫn luôn phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường, dũng cảm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ vững căn cứ địa cách mạng và giành được những thắng lợi vang dội, trong đó phải kể đến Chiến thắng Tà Mực, Bãi Màu, Làng Rã, Xôn Nít... Huyện Sơn Tây cũng là nơi thành lập, đóng quân của Đơn vị 89 (một trong 3 đơn vị lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh, tại Tà Ngòm, xã Sơn Lập); Trạm Giao liên 9 cô (xã Sơn Tân); Tiểu đoàn 20, Tiểu đoàn 80 và Tiểu đoàn 95 của Quân khu 5; Trường Quân chính, Bệnh viện Quân y khu 5 (xã Sơn Lập); Trường Huấn luyện bộ đội đặc công, bộ đội thông tin Quân khu 5, Trường Sư phạm Miền Trung Trung bộ (xã Sơn Mùa)...
Quân và dân ở vùng đất ngàn cau Sơn Tây đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh và ghi dấu ấn vào lịch sử dân tộc, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kết thúc chiến tranh, toàn huyện Sơn Tây có hàng trăm liệt sĩ, hàng nghìn thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng được Nhà nước ghi nhận và chăm lo chu đáo...
Vững bước đi lên
“Sau 28 năm tái lập huyện, Sơn Tây hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới, với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đây là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, vững bước trên chặng đường mới với quyết tâm mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, xây dựng quê hương Sơn Tây ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây
LÊ VĂN TÙNG
|
Từ ngày tái lập huyện đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Tây đã chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đã gặt hái được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho biết, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Sơn Tây đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán lạc hậu của người dân và luôn quan tâm, hỗ trợ người dân địa phương trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, những năm gần đây, huyện đã đầu tư triển khai thực hiện thí điểm một số mô hình cây trồng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình là nghiên cứu phát triển các loại cây dược liệu trồng dưới tán rừng và phát triển một số diện tích cây trồng thích hợp, có hiệu quả kinh tế như cây mắc ca, chuối mốc, bưởi da xanh, ổi. Bên cạnh đó, huyện triển khai thực hiện một số mô hình chăn nuôi với các loại vật nuôi mới, có hiệu quả kinh tế cao như cá tầm, thỏ, heo ky, dúi... Cùng với đó, huyện chú trọng phát triển kinh tế tập thể. Toàn huyện hiện có 13 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Qua đó, góp phần giảm hộ nghèo bình quân 5,5%/năm...
Đưa chúng tôi tham quan những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến chia sẻ, từ các nguồn lực hỗ trợ của các chương trình, dự án và nguồn ngân sách của huyện, người dân được quan tâm hỗ trợ vốn, cây, con giống và hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Nhờ đó, hàng nghìn hộ dân đã được nâng cao thu nhập, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
“Nếu như trước đây, trên những triền đồi ở các xã Sơn Liên, Sơn Bua, Sơn Long, người dân thường trồng keo, mì có giá trị thấp, thì nay đã được chuyển đổi thành những vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ, quy mô lớn. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 120ha cây ăn quả được trồng tập trung đã cho thu hoạch và hơn 18ha cây dược liệu các loại đang trong giai đoạn sinh trưởng. Điều đáng mừng là, sau khi thấy được hiệu quả từ các mô hình nông nghiệp, ngày càng có nhiều người dân chủ động học hỏi, đầu tư phát triển kinh tế”, ông Khuyến phấn khởi nói.
Cùng với việc tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Sơn Tây còn dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có 9 công trình thủy điện được quy hoạch, với tổng công suất trên 264MW. Trong đó, có 6 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 214MW, gồm các thủy điện: Đăkđrinh, Huy Măng, Sơn Tây, Sơn Trà 1A, 1B, 1C; đồng thời đang triển khai đầu tư 3 dự án có tổng công suất 50MW. Hệ thống thủy điện ở huyện Sơn Tây đã góp phần bổ sung nguồn điện lưới quốc gia và tăng thu ngân sách trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, các thủy điện trên địa bàn đã đóng góp vào ngân sách huyện trên 190 tỷ đồng và đóng góp vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện trên 930 tỷ đồng.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Tây lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đoàn kết, đổi mới, sáng tạo để phát triển; huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao dân trí, giảm nghèo bền vững; phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi diện huyện nghèo...
|
Mô hình nuôi cá tầm của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tây mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Sơn Tây đã và đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, xây dựng trung tâm huyện đạt đô thị loại V vào năm 2030, từng bước hình thành thị trấn Đăkđrinh. Cùng với đó, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Theo Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng, huyện đang xây dựng 4 nghị quyết chuyên đề về: Phát triển nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Ca Dong, giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng GD&ĐT, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chú trọng phát triển cán bộ là người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới. Đây sẽ là nền tảng để huyện Sơn Tây thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Từ khi thành lập và tái lập huyện đến nay, huyện Sơn Tây vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; Chính phủ tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2008”. Tháng 8/2014, huyện Sơn Tây được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. |
Bài, ảnh:
MỸ DUYÊN