Sáng 16/6, với 476/477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,58% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
[links()]
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, sáng 16/6. (Ảnh: LINH KHOA) |
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật vào ngày 31/5/2022.
Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời đóng góp ý kiến về một số điều, khoản cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. |
Chính phủ đã có văn bản thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý về các vấn đề này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thông qua nội dung này như thể hiện trong dự thảo Luật.
Về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, quy định tại khoản 2 Điều 214 của dự thảo Luật là biện pháp đặc thù trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm tận dụng hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn giá trị sử dụng, tránh gây lãng phí và đã được thực thi trên thực tế.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều được áp dụng biện pháp này mà phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung “và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ” vào cuối khoản 2 Điều 214 của dự thảo Luật.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội lưu ý về việc thực thi Luật sau khi được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ghi nhận và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, chú trọng công tác tổ chức thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật đi vào cuộc sống; đồng thời đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác triển khai thi hành Luật này.
Theo
Nhandan.vn