Phải coi trọng chất lượng đảng viên

12:06, 02/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
 
[links()]
 
Những chủ trương, giải pháp đột phá
 
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, từ năm 2010 đến nay, Đảng bộ tỉnh đã tập trung bám sát nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chỉ thị, kết luận, quy định có liên quan đến công tác xây dựng TCCSĐ và đội ngũ đảng viên để triển khai thực hiện. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có những chủ trương, giải pháp đột phá đối với công tác xây dựng TCCSĐ và đội ngũ đảng viên, ban hành hơn 120 văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến rõ nét về xây dựng TCCSĐ và đội ngũ đảng viên. 
 
Đại hội Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đại hội Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong đó, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở, báo cáo cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy mỗi tháng 2 lần. Biên soạn và phát hành bản tin Thông báo nội bộ phục vụ công tác lãnh đạo và sinh hoạt chi bộ trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng chuyên mục giới thiệu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, gắn với Chỉ thị 10 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 17 đảng bộ trực thuộc (11 đảng bộ huyện, 1 đảng bộ thị xã, 1 đảng bộ thành phố, 3 đảng bộ thuộc lực lượng vũ trang và Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh), với 791 TCCSĐ. Trong đó, có 497 chi bộ cơ sở, 294 đảng bộ cơ sở. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 54,453 nghìn đảng viên, tăng 40,98% so với đầu năm 2010; trong đó, Đảng bộ TP.Quảng Ngãi có nhiều đảng viên nhất, với 9.849 đảng viên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng kịp thời ban hành Chỉ thị 14 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, với nhiều nội dung sát thực tiễn, đi vào đời sống. Qua quá trình thực hiện, nhiều chi bộ, TCCSĐ đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên và của chi bộ.

 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Đề án thí điểm mô hình "Dân tin - Đảng cử" tại các huyện Ba Tơ, Tư Nghĩa và Bình Sơn; bộ tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên. Sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh. Phân công Tỉnh ủy viên về tham dự sinh hoạt tại chi bộ, đảng bộ cơ sở... Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, cũng như chất lượng đội ngũ đảng viên.
 
Cùng với đó, công tác xây dựng đội ngũ đảng viên được chú trọng, độ tuổi bình quân của đảng viên trong toàn tỉnh dần được trẻ hóa (độ tuổi bình quân của đảng viên hiện nay là 43 tuổi, so với 45 tuổi vào năm 2016 và 46 tuổi vào năm 2010). Tỷ lệ phát triển đảng viên là nữ, người đồng bào dân tộc thiểu số được ổn định. Tỷ lệ kết nạp đảng viên là sinh viên, học sinh và trong lực lượng công nhân, người lao động được tăng dần (năm 2016, tỷ lệ sinh viên, học sinh chiếm 1,78%, đến năm 2020 chiếm 3,53%; tỷ lệ trong lực lượng công nhân, người lao động năm 2016 chiếm 2,87%, đến năm 2020 chiếm 5,86%). Tỷ lệ đảng viên được đánh giá, xếp loại mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt tỷ lệ cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng tăng, số lượng đảng viên được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ từ cao đẳng trở lên đạt 46,21% và có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 24,44%.
 
Bắt đầu từ chất lượng đảng viên
 
Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng TCCSĐ và phát triển đảng viên trong nhiệm kỳ 2020- 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 11 ngày 30/8/2021 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên. Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của TCCSĐ, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các TCCSĐ trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện và kiểm tra, giám sát đảng viên. Kịp thời củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức đảng gắn với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Chú trọng công tác phát triển đảng và xây dựng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; làm tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ đảng viên; củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ...
 
Chi bộ thôn 1, xã Đức Chánh (Mộ Đức), tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ.
Chi bộ thôn 1, xã Đức Chánh (Mộ Đức), tổ chức sinh hoạt chi bộ định kỳ.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình cho rằng, trong thời điểm hiện nay, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ phải gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Quá trình thực hiện phải thường xuyên kết hợp giữa xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, với củng cố, chấn chỉnh cơ sở đảng yếu kém; coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đi đôi với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng...
 
Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định: “TCCSĐ là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của Ðảng. Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ...”. Điều này đã và đang khẳng định việc xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng đảng viên.
 
Nhiều ý kiến từ các đảng viên cho rằng, khi chọn lựa, xem xét đối tượng đảng thì tuyên truyền, giáo dục rõ về tôn chỉ, mục đích vào Đảng. Có như vậy, những người vào Đảng mới thật sự lo cho dân, phục vụ dân. Với mỗi cán bộ, đảng viên phải làm theo tôn chỉ, mục đích của Đảng bằng hành động, việc làm cụ thể, đem lại hiệu quả. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải được giáo dục, học tập, rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị đi kèm với các tình huống đặt ra tại địa phương, giúp cho các cán bộ, đảng viên hiểu và vận dụng giải quyết vào từng trường hợp cụ thể.
 
Nhiều đảng viên lão thành cho rằng, muốn xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, thì phải xây dựng được đội ngũ đảng viên đảm bảo chất lượng. Vì vậy, người đứng đầu cấp ủy phải gương mẫu, bởi họ lãnh đạo đảng viên, lãnh đạo nhân dân không phải chỉ dựa trên đường lối, nghị quyết, mà còn thông qua hành động cụ thể thì mới có sức thuyết phục.
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN
 
 

.