(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta thường xuyên tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
[links()]
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên
Năm 1939, lần đầu tiên Đảng ta tiến hành sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng, nhằm khắc phục hạn chế, giải quyết vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng trong phong trào Mặt trận dân chủ. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, xác định mục tiêu, phương châm: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng và làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ”.
Quang cảnh Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. ẢNH: NHANDAN.VN |
Tháng 5/1952, tại Lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục đích chỉnh Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng tiến hành 2 đợt chỉnh huấn. Năm 1961, khi nhân dân miền Nam đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc phải phát huy và thể hiện rõ vai trò là hậu phương lớn của cả nước, Đảng ta lại mở đợt chỉnh huấn trong toàn Đảng. Mục đích, nhiệm vụ của chỉnh huấn, được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: Trung ương Đảng sẽ mở cuộc chỉnh huấn cho đảng viên, đoàn viên và tất cả mọi người, làm cho tất cả hiểu rõ hơn trách nhiệm làm chủ của mình, hiểu rõ nhiệm vụ sản xuất và tiết kiệm trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, phê phán lối suy nghĩ cá nhân chủ nghĩa.
Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta trở nên quyết liệt, để tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến, trong quá trình chỉnh huấn Đảng, Người xác định: Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt. Chính vì vậy mà cuộc chỉnh huấn lần này của Đảng ta nhằm mục đích tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản.
Sau khi đất nước thống nhất, trước sự bao vây của các thế lực thù địch, sự thoái trào của hệ thống xã hội chủ nghĩa và trước tác động của nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng trở nên cấp thiết.
Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 26/6/1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Cùng với triển khai nhiều chủ trương, giải pháp lớn để chỉnh đốn Đảng, Trung ương Đảng còn nhấn mạnh: Xây dựng đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch của cán bộ, đảng viên trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế; chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, tệ làm ăn gian dối, lối sống xa hoa, trụy lạc.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (lần 2) khóa VIII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 2/2/1999 về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trung ương Đảng chủ trương: “Thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, ngăn chặn và khắc phục tệ vô tổ chức, vô kỷ luật, độc đoán chuyên quyền trong Đảng”. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, không chấp nhận "đa nguyên, đa đảng".
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/1/2012 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Hội nghị đã xác định 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...; củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nghị quyết đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, yếu kém. Nghị quyết đưa 27 biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mục tiêu của nghị quyết, nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...
Những nhiệm vụ cơ bản trong xây dựng Đảng
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cơ bản như sau:
Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Đại hội xác định 4 kiên định: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng...
Hai là, chú trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục và thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Ba là, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức. Đại hội xác định: Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của MTTQ, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định nêu gương.
Bốn là, tăng cường xây dựng Đảng về tổ chức. Từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của chi bộ.
Năm là, chú trọng xây dựng Đảng về cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Chú trọng lựa chọn và bố trí đúng người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp. Phải xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiếu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”...
LÊ QUANG HUY