(Báo Quảng Ngãi)- Qua 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Kỳ 1: Lan tỏa những giá trị tốt đẹp
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể các cấp trong tỉnh và trong mỗi người dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tích cực xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học và làm theo Bác.
|
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác năm 2021. Ảnh: Thanh Thuận |
Sẻ chia yêu thương
Hơn một năm qua, gần 1.000 hộ dân ở các xã Ba Giang, Ba Trang, Ba Bích, Ba Xa (Ba Tơ) không còn phải băng rừng, lội bộ hàng chục cây số để lấy nước sinh hoạt. Bởi ngay tại mỗi khu dân cư đã có giếng khoan và bồn chứa nước sạch, do Đại đức Thích Như Trung - Trụ trì chùa Thiên Phước (Mộ Đức) cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng.
Toàn tỉnh hiện có 3 CLB "Những tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác", triển khai thí điểm tại các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi. Qua 3 năm hoạt động, các CLB này đã góp phần nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, làm cho việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. |
Chị Phạm Thị Xinh, ở thôn Ba Nhà, xã Ba Giang cho biết, trước đây, mỗi ngày tôi phải dậy sớm, đi bộ hơn 5km đến điểm lấy nước. Ở đây đào giếng không có nước vì vùng đất cao, còn khoan giếng thì người dân không có tiền. Từ ngày có giếng khoan, tôi không phải đi xa lấy nước nữa, giữa mùa khô cũng không lo thiếu nước. Được hỗ trợ khoan giếng, cả làng ai cũng vui!
Đại đức Thích Như Trung - Trụ trì chùa Thiên Phước (Mộ Đức) cùng các nhà hảo tâm đã hỗ trợ khoan gần 20 giếng nước ở các xã khó khăn trên địa bàn huyện Ba Tơ, với kinh phí hơn 700 triệu đồng. Nhờ đó đã giải quyết nhu cầu cấp thiết về nước sạch của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đại đức Thích Như Trung cho biết, nhiều lần đi làm từ thiện ở huyện Ba Tơ, tôi cứ trăn trở khi thấy cảnh phụ nữ, trẻ em phải lặn lội đến từng khe suối lấy nước về dùng, không đảm bảo cho sức khỏe. Vậy nên, tôi đã kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ khoan giếng cho người dân.
Là chủ tiệm hoa tươi, công việc kinh doanh tuy bận rộn nhưng chị Nguyễn Thị Hà Tiên, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) luôn dành thời gian cho công việc thiện nguyện. Tiệm hoa cũng là nơi gặp gỡ của các thành viên Nhóm thiện nguyện Từ Tâm mà chị Tiên là thành viên tích cực.
Mới đây, chị Tiên cùng nhóm thiện nguyện đến thăm, tặng quà một hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Sơn bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn khiến 4 thành viên trong gia đình bị thương. Sau đó, nhóm thiện nguyện đến nhà ông Nguyễn Đình An (80 tuổi), ở thị trấn Trà Xuân để giúp ông dọn nhà cửa. Ngôi nhà gia đình ông An đang ở cũng là nhờ chị Tiên và nhóm thiện nguyện vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng. Hằng tháng, nhóm phân công thành viên đến tặng gạo và các nhu yếu phẩm cho gia đình ông An. "Tôi tuổi cao, bệnh tật nên không còn sức lao động. Nhờ nhóm thiện nguyện của cháu Tiên giúp làm nhà và thường xuyên tặng quà, cuộc sống của vợ chồng tôi bớt phần khó khăn. Tấm lòng của các cháu thật đáng quý", ông Nguyễn Đình An xúc động nói.
Gần 5 năm qua, chị Tiên cùng Nhóm thiện nguyện Từ Tâm đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn ở huyện Trà Bồng. Ngoài việc hỗ trợ thường xuyên cho trẻ mồ côi, người già neo đơn, chị Tiên cùng các thành viên trong nhóm kịp thời kêu gọi giúp đỡ những trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Sự nhiệt tình, năng nổ của cô gái trẻ Hà Tiên đã tạo động lực cho các thành viên trong nhóm tích cực hoạt động thiện nguyện.
Những nghĩa cử nhân ái
Đầu năm 2022, Hội LHPN huyện Bình Sơn đã triển khai mô hình “Phụ nữ Bình Sơn sưởi ấm tình thương”. Theo đó, mỗi cơ sở hội trong huyện sẽ nhận giúp đỡ, chăm sóc 1 - 2 người già không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Không chỉ hỗ trợ gạo, tiền mặt, với những cụ già không có người chăm sóc, cán bộ, hội viên, phụ nữ ở các chi hội còn giúp dọn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo, tắm rửa, nấu ăn... cho các cụ.
|
Cán bộ, hội viên phụ nữ thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông (Bình Sơn) thay phiên chăm sóc cụ bà Phạm Thị Tý. Ảnh: Th.Thuận |
Nhiều năm qua, cán bộ, hội viên, phụ nữ thôn Tân Hy 1, xã Bình Đông (Bình Sơn) đã giúp đỡ bà Phạm Thị Tý. Đều đặn mỗi tháng, chi hội phụ nữ thôn hỗ trợ bà Tý 200 nghìn đồng, 10kg gạo và cử cán bộ, hội viên, phụ nữ đến thăm nom, giúp dọn nhà cửa... Bà Tý xúc động nói, tôi nay đã 90 tuổi, không có chồng con, sống một mình. Chân tôi bị đau nên đi lại rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc của các cháu ở chi hội phụ nữ, tôi mới khỏe mạnh thế này. Các cháu chăm sóc tôi như người thân!
Từ hoạt động nhân văn, tự phát ở một số chi, tổ hội, Hội LHPN huyện Bình Sơn đã phát động, xây dựng thành mô hình để tạo sự lan tỏa, nhân rộng hoạt động ý nghĩa này. Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Sơn Nguyễn Thị Tố Nga cho biết, thực hiện mô hình “Phụ nữ Bình Sơn sưởi ấm tình thương”, các cấp hội trên địa bàn huyện đã nhận hỗ trợ, chăm sóc thường xuyên 115 cụ già neo đơn. Mô hình sẽ triển khai đến năm 2026 và hy vọng thời gian đến có nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, giúp đỡ.
Bình Sơn là địa phương có nhiều mô hình sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Hầu hết các mô hình đều phù hợp với điều kiện thực tế, tạo sự đồng thuận cao như “Ngôi nhà cấp ủy”, “Sổ tay học Bác”, “Hướng về cơ sở - rèn luyện cán bộ”... Trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác. Điển hình như ông Trần Khanh, ở thị trấn Châu Ổ, đã hơn 20 năm làm thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng, với số tiền tự ông huy động gần 3 tỷ đồng. Ông cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) "Những tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác" của huyện Bình Sơn. Câu lạc bộ này thành lập vào ngày 19/5/2020. “Là một tổ chức hoạt động hướng đến cộng đồng, làm những việc tử tế nên tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình là làm sao để lan tỏa nhiều hơn những việc làm tốt, những con người tốt trong xã hội. Từ đó, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác một cách thiết thực, hiệu quả", ông Khanh chia sẻ.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Sơn Lê Nguyễn Thanh Tùng cho biết, là một trong 3 huyện thí điểm thành lập CLB "Những tập thể, cá nhân học tập và làm theo Bác", Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tích cực tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch, quy chế hoạt động, tôn chỉ, mục đích của CLB. Ngoài ra, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy định kỳ gặp gỡ, định hướng hoạt động cho CLB. Hoạt động của CLB đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về việc học tập và làm theo Bác, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Tính từ lần đầu tiên tuyên dương “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (tháng 9/2017), đến nay Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 4 đợt vinh danh những điển hình trong học tập và làm theo Bác, với 353 tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, trong đó có 13 tập thể, cá nhân nhận Thư khen của Bí thư Tỉnh ủy. Có 1 tập thể, 4 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ở cấp huyện có 1.178 gương tập thể, cá nhân điển hình được khen thưởng. Qua đó góp phần lan tỏa và nhân rộng những điển hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời lấy điển hình, nhân tố tiêu biểu để cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân học tập và làm theo Bác. |
T.THUẬN - H.THU
--------
Kỳ cuối: Học Bác về tinh thần "vì nhân dân phục vụ"
Tính từ lần đầu tiên tuyên dương “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (tháng 9/2017), đến nay Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức 4 đợt vinh danh những điển hình trong học tập và làm theo Bác, với 353 tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, trong đó có 13 tập thể, cá nhân nhận Thư khen của Bí thư Tỉnh ủy. Có 1 tập thể, 4 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ở cấp huyện có 1.178 gương tập thể, cá nhân điển hình được khen thưởng. Qua đó góp phần lan tỏa và nhân rộng những điển hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời lấy điển hình, nhân tố tiêu biểu để cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân học tập và làm theo Bác.