Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15 đến 19/5. Ðây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chuyến thăm nhằm góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt như chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch…, đưa quan hệ song phương phát triển thực chất, hiệu quả hơn.
[links()]
Lễ đón Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou tại Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), chiều 15/5. (Ảnh: TTXVN) |
Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 15/4/1975. Hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí địa chính trị quan trọng, đều là nước đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nhân dân Hy Lạp và Ðảng Cộng sản Hy Lạp từng tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Ðảng Cộng sản Hy Lạp nhiều lần ra tuyên bố lên án đế quốc Mỹ ném bom miền bắc Việt Nam, tổ chức các cuộc mít-tinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam. Tháng 3/2007, Hy Lạp mở Ðại sứ quán tại Hà Nội và tháng 12/2010, Việt Nam mở Ðại sứ quán tại Athens.
Trong thời gian qua, mặc dù phải giải quyết khủng hoảng nợ công với nhiều vấn đề chính trị, kinh tế-xã hội, đối phó với khủng hoảng di dân và tị nạn, tập trung vào quan hệ với châu Âu và các định chế tài chính, Hy Lạp vẫn rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Dù hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hy Lạp còn khiêm tốn, song trao đổi thương mại song phương tăng trưởng khá nhanh trong 5 năm gần đây, đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Hy Lạp tăng mạnh và Việt Nam luôn xuất siêu ở mức cao. Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hy Lạp đạt hơn 446 triệu USD, tăng 33% so với năm 2020. Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Hy Lạp gồm giày dép, hàng dệt may, thủy sản. Ðặc biệt, từ năm 2013, xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động sang Hy Lạp tăng đột biến, đạt từ 73,9 triệu USD năm 2014 lên 116 triệu USD năm 2020, trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thị trường này. Theo chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Hy Lạp còn thấp, tập trung vào một số mặt hàng giấy và bìa, nguyên liệu sản xuất thuốc lá.
Về đầu tư, Hy Lạp có năm dự án nhỏ tại Việt Nam trong các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô-tô, xe máy, khoa học-công nghệ và truyền thông. Hy Lạp là một trong những nước EU phê chuẩn Hiệp định đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sớm nhất và ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Trong hợp tác phát triển, Hy Lạp có một số hoạt động hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam...
Việt Nam và Hy Lạp đã ký kết nhiều văn bản hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và công nghệ, du lịch, đầu tư, năng lượng... Hai bên đang đàm phán các hiệp định về tránh đánh thuế trùng và hợp tác hàng hải. Cộng đồng người Việt Nam tại Hy Lạp tuy nhỏ nhưng có quan hệ cộng đồng chặt chẽ và khá bền vững, đa số có tinh thần yêu nước, gắn bó với quê hương.
Chúc chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc hơn sự hợp tác nhiều mặt về chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch, đưa quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước lên tầm cao mới.
Theo
Nhandan.vn