(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng các “nhóm lợi ích” trục lợi, tham nhũng đã làm méo mó chính sách, tha hóa cán bộ, khiến nhiều người sa ngã vì những cám dỗ tầm thường. Do đó, cần phải quyết liệt ngăn chặn thực trạng này, không để tài sản Nhà nước rơi vào túi cá nhân, gìn giữ sự liêm chính của bộ máy công quyền, bảo vệ đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng.
[links()]
Sa vào cám dỗ tầm thường
“Nhóm lợi ích” là cụm từ được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, đó là những “nhóm lợi ích” bất hợp pháp. Nó thường là một nhóm người, vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm của mình mà câu kết, bắt tay nhau lũng đoạn chính sách; kéo bè kéo cánh gây mâu thuẫn, đấu đá, tranh quyền đoạt vị, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, làm mất niềm tin vào hệ thống pháp luật và sự lãnh đạo của Đảng.
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII). Ảnh: dangcongsan.vn |
Nhìn lại các vụ án kinh tế lớn xảy ra trong vài nhiệm kỳ trở lại đây ở Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin, Tổng Công ty Vận tải biển Vinalines; vụ mua bán cổ phần ở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ mua bán đất vàng 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) liên quan đến Tổng Công ty Sabeco và lãnh đạo Bộ Công thương... có thể thấy, các “nhóm lợi ích” đã làm tha hóa, biến chất hàng loạt cán bộ cao cấp, khiến họ sai phạm có hệ thống, bị kỷ luật Đảng, bị truy tố trước pháp luật.
Vì tiền mà chỉ một trùm cờ bạc Phan Sào Nam đã kéo tuột hàng loạt tướng lĩnh công an - những người từng một thời được xem là anh hùng trên mặt trận phòng, chống tội phạm như tướng Hóa, tướng Vĩnh và nhiều cán bộ ngành công an, tòa án hai tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh phải “ngã ngựa”. Vì bao che cho Vũ Nhôm biến công sản thành tư sản mà cả hai cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cùng nhiều thuộc cấp đã phải vào tù; cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng phải hầu tòa vì các tội danh tương tự khi ưu ái cho công ty sân sau của gia đình.
Mới đây nhất là vụ án Công ty Việt Á bắt tay với lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) nhiều tỉnh, thành phố nâng khống giá bộ kit xét nghiệm Covid-19 thu lời bất chính 500 tỷ đồng, sau khi chi "hoa hồng" gần 800 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, các “nhóm lợi ích” bất hợp pháp tồn tại trong bộ máy công quyền, chi phối hoạt động của một số cán bộ trong bộ máy lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ở mức độ rất đáng lo ngại, đòi hỏi cần có biện pháp ngăn ngừa, chặn đứng kịp thời.
Những cán bộ cao cấp sai phạm đã phải trả giá bằng cả sự nghiệp chính trị và danh dự cá nhân của mình. Hàng loạt lãnh đạo CDC nhận tiền lót tay trong vụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đã lần lượt tra tay vào còng số 8. Hai vị Trung tướng lãnh đạo cao nhất của Học viện Quân y và nhiều thuộc cấp cũng vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật khi thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 phục vụ phòng, chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á.
Giải pháp ngăn chặn
Từ những vụ việc mang màu sắc, tính chất của lợi ích nhóm bị phát hiện, xử lý, cho thấy việc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhận định: “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty” vẫn mang tính thời sự hiện nay.
Kết luận 21 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiếp tục chỉ rõ nguyên nhân của những tiêu cực, lợi ích nhóm là: Không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Vì vậy, để chống “lợi ích nhóm” cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm những vụ việc có biểu hiện câu kết, thông đồng để đạt lợi ích phe nhóm; tìm ra những con “sâu chúa” lợi dụng chức vụ, quyền hạn bảo kê, che chắn cho các hành vi sai trái nhằm trục lợi để xử lý nghiêm, kiên quyết loại ra khỏi bộ máy Nhà nước.
Về lâu dài, ở tầm vĩ mô, cần đổi mới công tác xây dựng thể chế theo hướng mở rộng dân chủ, kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các cơ quan, đơn vị để tránh hiện tượng câu kết thực hiện hành vi lợi ích nhóm. Đồng thời, tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, lấp kín những khoảng trống, kẽ hở dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý tài nguyên - khoáng sản, đầu tư công... bảo đảm công khai, minh bạch, để các “nhóm lợi ích”, những “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ” không còn đất sống.
Ngăn chặn, tiến tới tiêu diệt lợi ích nhóm là ngăn chặn tình trạng lũng đoạn kinh tế, quyền lực nhà nước; không để nguồn lực quốc gia bị thất thoát, làm mất đi cơ hội phát triển đất nước, khiến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Công tác này cần được tiến hành, quyết liệt, triệt để. Đây cũng là cách tốt nhất để xây dựng, bảo vệ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có tâm, có tầm, hết lòng vì nước, vì dân.
VÂN THIÊNG