Vĩnh biệt một nhà cách mạng hết lòng vì nhân dân

08:02, 25/02/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Hôm trước Tết âm lịch vừa rồi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã tổ chức lễ mừng thọ cho nhà cách mạng lão thành Phạm Thanh Biền nhân cụ tròn 100 tuổi. Sống trọn một thế kỷ đầy biến động của đất nước, lại là người tham dự vào các sự kiện ở những thời điểm hết sức quan trọng của cách mạng như cụ ông Biền kể cũng hiếm có.
[links(right)]
 
Nhà cách mạng lão thành Phạm Thanh Biền.
Nhà cách mạng lão thành Phạm Thanh Biền.
Sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn năm 1922. Như bao thanh niên khác, trong bối cảnh đất nước chìm trong nô lệ, ông Phạm Thanh Biền cũng bắt đầu tìm hiểu về cách mạng và sau đó dấn thân cứu nước. Trải qua những chức vụ quan trọng của xã rồi huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi, hai lần giữ trọng trách là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh- Bí thư Tỉnh ủy, nhưng có lẽ dấu ấn quan trọng nhất, để lại một dấu mốc quan trọng, hễ mỗi khi nhắc đến tên ông là người ta liên tưởng đến cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (8/1959).
 
Ai cũng biết, sau năm 1954, cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước đã không xảy ra hai năm sau đó như Hiệp định Giơ-ne-vơ đã đề cập. Chính quyền Mỹ vào thời điểm đó đã can dự ngày một sâu thêm vào miền Nam Việt Nam. Nguy cơ chia cắt lâu dài đất nước ta ngày càng thấy rõ. Cách mạng miền Nam chìm đắm trong đêm đen bắt bớ và khủng bố. Những người Cộng sản trung kiên, được tổ chức phân công ở lại chứ không đi tập kết, thay vì chuẩn bị cho tổng tuyển cử, họ bắt tay vào xây dựng lực lượng vũ trang để phục vụ chiến đấu lâu dài. Ông Phạm Thanh Biền- người được Đảng phân công làm nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh- một bước đi tất yếu của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.
 
Tiếp sau Hội nghị Gò Rô vào tháng 7 năm 1958, 200 đại biểu ưu tú tham gia “Hội nghị Diên Hồng” lịch sử này đã xác định sự cần thiết phải chuẩn bị mọi mặt để tiến hành khởi nghĩa, lật đổ chế độ đương thời và thành lập chính quyền cách mạng. Sau hội nghị lịch sử này, ngày 3/3/1959, tại xã Trà Thọ, huyện Trà Bồng, ông Phạm Thanh Biền, với tư cách là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Ban cán sự Đảng miền Tây, Trưởng ban Quân sự tỉnh đã đứng ra thành lập lực lượng vũ trang với phiên hiệu Đơn vị 339.
 
Sự ra đời của lực lượng vũ trang, có phiên hiệu hẳn hoi như thế, nó chứng tỏ cách mạng miền Nam và phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi đã có một bước đi mới, phù hợp với tình hình miền Nam lúc ấy. Nó cũng chứng minh rằng, chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài việc cầm súng chiến đấu chống lại kẻ thù đã âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Sự mẫn cảm về chính trị và thời cuộc của một nhà cách mạng đã giúp
 ông Phạm Thanh Biền cùng các cộng sự của mình nhìn thấy hướng đi tích cực cho phong trào cách mạng lúc bấy giờ qua việc thành lập đơn vị vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi này.
 
Hội nghị Gò Rô và Đơn vị 339 đã thành “xương sống” cho một cơ thể bắt đầu hồi sinh sau nhiều năm chìm trong đêm đen bố ráp. Nó được đón nhận một làn gió mới từ Nghị quyết 15 của Đảng, xác định con đường của Cách mạng miền Nam là phải dùng bạo lực cách mạng để giành lấy chính quyền. Làn gió mới ấy đã giúp cho những người lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm đó mà ông Phạm Thanh Biền là một trong những cán bộ chủ chốt, lại là người đứng đầu lực lượng vũ trang của tỉnh, mạnh dạn phát động khởi nghĩa trong toàn huyện Trà Bồng. Cuộc khởi nghĩa làm rung chuyển chế độ thân Mỹ lúc bấy giờ, mở ra một trang sử mới.
 
Sau này, mỗi khi nhớ lại thời khắc của ngày khởi nghĩa 28.8.1959, ông Phạm Thanh Biền luôn nhắc lại và không quên ơn nghĩa của những người Cor trung thành với cách mạng. Chính họ đã thành chỗ dựa vững chắc cho cách mạng để chúng ta có thể đứng lên khởi nghĩa trong một hoàn cảnh đầy những khó khăn, thiếu thốn như thế. Người Cor ở Trà Bồng như những cánh rừng quế ngát hương, luôn làm chỗ dựa tin cậy cho cách mạng, không chỉ trong cuộc khởi nghĩa mà còn trong suốt cả cuộc kháng chiến lâu dài sau đó.
 
Là một trong những nhà lãnh đạo trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Trà Bồng mùa thu năm 1959, ông Phạm Thanh Biền hơn ai hết, hiểu rõ ý nghĩa là tầm quan trọng của nó. Cú đánh nốc ao này đã khiến cho chính quyền thân Mỹ lúc bấy giờ rệu rã từng mảng không chỉ ở Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, mà còn lan đến tận Kon Tum. 
 
Gần 20 năm trước, tôi có lần tháp tùng nhà văn Nguyễn Chí Trung- nguyên Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi về các làng quê ở khu đông Bình Sơn và một số nơi ở Trà Bồng để khai thác tư liệu cho cuốn tiểu thuyết “Tiếng khóc của nàng Út” của ông. Nhà văn đã ngồi hàng giờ trong nhiều ngày với ông Phạm Thanh Biền để nghe ông kể lại hành trình gian nan của cuộc khởi nghĩa. Sau này, khi đọc tiểu thuyết từng đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam này, tôi mới hiểu hơn về ông Phạm Thanh Biền. Chính ông và cuộc đời hoạt động cách mạng lẫy lừng của ông đã hóa thân vào nhân vật của nhà văn.
 
Hai lần làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Phạm Thanh Biền hầu như lăn lộn với bom đạn gần hết cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cho mãi đến năm 1972 ông mới được ra Bắc chữa bệnh. Trong suốt 18 năm lăn lộn với phong trào ấy, ông Phạm Thanh Biền cùng các đồng chí, đồng đội của mình đã lập nhiều chiến công vang dội, từ khởi nghĩa Trà Bồng cho đến chiến thắng Vạn Tường, từ tổ chức và chỉ đạo chống càn cho đến phong trào “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Ông như cây đại thụ giữa đại ngàn Trường Sơn, không một bão giông nào có thể xô ngã được.
 
Sau khi về hưu, ông Phạm Thanh Biền tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho các thế hệ lãnh đạo sau này. Ông là một mẫu cán bộ lãnh đạo sống thanh bần và liêm khiết. Cả đời ông chỉ biết cống hiến những gì tinh túy nhất về sự hiểu biết và kinh nghiệm cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân. 
 
Bách niên với một đời người như ông Phạm Thanh Biền quả là hiếm hoi. Nhưng quý hiếm ở ông không phải là trường thọ mà cái chính là ông đã đóng góp cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng bằng những dấu mốc quan trọng mà cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là một trong những dấu mốc đó.
 
Xin được vĩnh biệt ông- người cộng sản trung kiên và một nhân cách cao khiết!
 
Trần Đăng
 
 

.