Tên gọi đồng chí Phạm Thanh Biền: Hòa vào sông núi quê hương

05:02, 24/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây không lâu, tôi đến thăm đồng chí Phạm Thanh Biền- nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Sau khi tâm sự chuyện chung, chuyện riêng, tôi động viên đồng chí cố gắng giữ gìn sức khỏe, kiên trì ở cái tuổi ba con số thêm mấy năm nữa. Đồng chí Phạm Thanh Biền cười hiền bảo: "Bạn bè, đồng chí cùng lứa tuổi đều đã đi hết chỉ còn mình thôi, mình không ngờ lại còn sống đến tuổi này để chứng kiến quê hương, đất nước đổi mới và ngày càng phát triển!”.
[links()]
 
Bảng lý lịch trên tường nhà 
 
Ở cái tuổi tròn một thế kỷ như đồng chí Phạm Thanh Biền quả là hiếm. Hôm tôi đến nhà, đồng chí vẫn còn khỏe, biết mình có phổi không được tốt nên đồng chí cố giữ. Điều đặc biệt ở đồng chí là tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, đặc biệt là khi nhớ về quá khứ, đánh giá tình hình chung của đất nước, của địa phương rất chặt chẽ, trí nhớ rất tốt, vẫn còn lo cho công việc xã hội, gia đình và dòng họ.
 
Thế hệ trẻ tham quan Di tích Đồn Eo Chim, ở xã Hương Trà (Trà Bồng). Chiến thắng Đồn Eo Chim góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Nơi đây ghi dấu hình ảnh và những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Thanh Biền.  Ảnh: Bá Sơn
Thế hệ trẻ tham quan Di tích Đồn Eo Chim, ở xã Hương Trà (Trà Bồng). Chiến thắng Đồn Eo Chim góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Nơi đây ghi dấu hình ảnh và những cống hiến to lớn của đồng chí Phạm Thanh Biền. Ảnh: Bá Sơn
Đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng căn cứ, vùng giải phóng đều biết và nghe tên đồng chí, nhất là đồng bào miền núi. Đồng chí Phạm Thanh Biền, tên khai sinh là Phạm Ngọc Thuật, sinh năm 1922, tại xã Bình Chánh (Bình Sơn). Đồng chí là người có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Suốt 30 năm ở Quảng Ngãi với cương vị cao nhất là Khu ủy viên Khu 5, Bí thư Tỉnh ủy (2 lần), đồng chí tham gia cách mạng trước khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 nên Đảng công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa, được kết nạp vào Đảng từ tháng 12/1945, được tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Phạm Thanh Biền được giao nhiều nhiệm vụ từ xã đến Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí được Đảng cử ở lại miền Nam để tiếp tục lãnh đạo phong trào trong giai đoạn chuyển hướng. Từ cuối năm 1954 đến tháng 5/1958, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Ban cán sự miền Tây. Tháng 6/1958 là Phó Bí thư Tỉnh ủy, tháng 10/1959 đến tháng 2/1961 là Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 4/1962 đến tháng 4/1965 làm Phó ban Kinh tế Khu 5, sau đó đi học Trường Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội. Tháng 4/1965 trở về miền Nam được Khu ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, năm 1967 là Khu ủy viên Khu 5. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí còn lấy tên là Xuân Thưởng. Tháng 10/1971 đến tháng 2/1973, đồng chí lại ra Bắc chữa bệnh, sau đó làm Trưởng ban chi viện chiến trường cho Khu 5.
 
Sau giải phóng đất nước, đồng chí được giao làm Trợ lý Bộ trưởng Hải sản, Trưởng ban Kinh tế mới Khu 5, Trưởng ban Cải tạo nghề cá ở miền Nam. Tháng 8/1980 đồng chí nghỉ hưu. Cả một đời cống hiến cho quê hương, đất nước. Bảng sơ yếu lý lịch của đời mình được đồng chí Phạm Thanh Biền treo trang trọng trong nhà để cho con cháu biết quá trình hoạt động của mình, như là lời nhắc nhở thế hệ cháu con tiếp bước truyền thống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.  
 
Hòa vào sông núi quê hương  
 
Với 30 năm công tác, giữ nhiều trọng trách của địa phương, đồng chí Phạm Thanh Biền đã góp nhiều thành tích vào thắng lợi của tỉnh nhà. Đặc biệt là khi được Tỉnh ủy quyết định về làm Bí thư Huyện ủy Sơn Hà năm 1951, đồng chí Phạm Thanh Biền cùng các đồng chí trong cấp ủy nắm bắt tình hình, đề ra kế hoạch cụ thể giải quyết vụ bạo loạn Sơn Hà, thực hiện bức thư của Hồ Chủ tịch gửi cho Đảng bộ và nhân dân Sơn Hà, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình ở Sơn Hà. Đó là thành công lớn trước âm mưu thâm độc của kẻ địch, do huyện ủy biết vận dụng phương châm, vận động quần chúng, lấy dân làm gốc, cô lập bọn phản động, kết hợp tốt giữa công tác chính trị và vũ trang nên đã giành thắng lợi trọn vẹn, tên tuổi của đồng chí Lam Sơn (tức Phạm Thanh Biền) được nhiều người nhắc đến trong việc giải quyết vụ bạo loạn Sơn Hà thời kỳ chống Pháp.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí là một trong những người lãnh đạo kiên trì đường lối vũ trang để giải phóng đất nước từ sau khi Mỹ - Diệm phá hoại tổng tuyển cử năm 1956. Đồng chí cũng là người cùng với một số đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Ngãi trực tiếp xin Khu ủy cho tỉnh Quảng Ngãi được thành lập lực lượng vũ trang từ năm 1958. Khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng khóa II ra đời với vai trò là Thường vụ rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí cùng các đồng chí trong Thường vụ phát động vũ trang làm nên Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vào tháng 8/1959, một cuộc đồng khởi sớm nhất ở miền Nam. 
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi do đồng chí Phạm Thanh Biền làm Bí thư nhiều năm, là một trong những tỉnh chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, nhưng cũng là một trong số ít tỉnh ở miền Nam có phong trào hai chân, ba mũi giáp công mạnh nhất được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cũng như Huân chương Thành đồng Tổ quốc sớm nhất.
 
Nghỉ hưu sống ở TP.Quảng Ngãi, đồng chí Phạm Thanh Biền luôn theo dõi tình hình của địa phương, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho các thế hệ lãnh đạo, cung cấp nhiều thông tin quan trọng mà đồng chí lưu giữ cho địa phương, góp phần hoàn chỉnh lịch sử Đảng bộ tỉnh và một số huyện. Đồng chí luôn mong muốn kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đội ngũ cán bộ ở địa phương đoàn kết, hết lòng vì Đảng, vì dân, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, nhất là đồng bào miền núi. Đó là mong muốn của một người nguyên là lãnh đạo cao nhất một thời của tỉnh Quảng Ngãi trước lúc đi xa, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho dân, cho nước. 
 
 Vũ Tùng Vi
 
 

.