(Báo Quảng Ngãi)- Những năm trước, thi thoảng chúng tôi thường sang nhà thăm cụ Phạm Thanh Biền - Nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Trước là thăm sức khỏe cụ, sau là để nghe những câu chuyện về một thời hào hùng của thế hệ cha ông đối với quê hương, đất nước. Đó tựa như mạch nguồn của sự sống, như dòng sông Trà chảy mãi với thời gian.
[links()]
Tình yêu tựa biển khơi
Có lần ông bảo với chúng tôi rằng: “Lạ chưa, đến lúc cuối đời lại nhớ chuyện ngày xưa, chuyện từ cái năm xa lắc mà nhớ mồn một, như mới ngày hôm qua vậy...”. Nói rồi, ông nở nụ cười hiền, nụ cười của một con người với cốt cách thanh bạch, giản dị, gần gũi, yêu nước, thương dân. Cụ Biền nói thế cốt là để không khí thêm vui, nhưng thực tế là vậy!
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh (bên trái) thăm, chúc Tết nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Thanh Biền dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Lê Đức |
Câu chuyện lịch sử luôn là vốn quý đối với đời sau, đặc biệt là câu chuyện gắn với cuộc đời cụ Phạm Thanh Biền- người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi. Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt cụ Biền khi ông kể cho chúng tôi nghe về Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công trên quê hương Quảng Ngãi, rồi đến ngày 2/9/1945 nghe Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập. Lòng dân phấn khởi vì biết rằng từ nay được đổi đời. Ngày ấy, người dân đói khổ nhưng lòng yêu nước rất cao... Và ông bảo rằng, Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi cũng hừng hực khí thế như Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Năm 1958, đúng vào dịp Tết âm lịch, khi ấy cụ Biền là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn cán bộ của tỉnh vượt đường rừng về Khu ủy báo cáo tình hình và xin chỉ thị khởi nghĩa vũ trang. Sau đó thì đại hội “Diên Hồng” chống Mỹ cứu nước của các dân tộc ở Trà Bồng diễn ra tại Gò Rô, xã Trà Phong, ngày 7/7/1958. Ngày 3/3/1959, tại xã Trà Thọ (Trà Bồng), cụ Biền - Trưởng Ban Quân sự tỉnh đọc quyết định thành lập đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh, đơn vị 339.
Cụ Biền bảo rằng, Quảng Ngãi luôn nắm vững cách mạng là bạo lực, đó là bài học kinh nghiệm từ bao đời của cha ông, bởi vậy Quảng Ngãi luôn là tỉnh khởi nghĩa trước. “Khởi nghĩa lên rồi, nổi dậy đi”, đi đến đâu cụ Biền cũng vận động nhân dân khởi nghĩa. Ngày 28/8/1959, từ xã Trà Phong, tiếng hú, tiếng tù và, tiếng chiêng, tiếng mõ... đồng loạt nổi lên. Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng bùng nổ, sau đó nhanh chóng lan ra khắp miền Tây Quảng Ngãi và giành thắng lợi.
Năm 2019, tỉnh tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959 - 28/8/2019), cụ Biền luôn mong đợi đến ngày này. Hôm ấy, dù sức khỏe yếu nhưng cụ vẫn cố gắng để về thăm Trà Bồng. Ông bảo, đây chắc có lẽ là lần cuối ông về thăm Trà Bồng, thăm đồng bào Cor!
Rồi đến chuyện giải quyết vụ bạo loạn ở Sơn Hà. Ông kể, năm 1951, khi ấy ông đang trên đường về Khu ủy dự đại hội thì được lệnh về lại Sơn Hà, vào đồn của tên chỉ huy đầu sỏ quân phiến loạn Đinh Ngô để thuyết phục, vận động. Cụ Biền nhờ mẹ nuôi của tên Đinh Ngô hẹn gặp. Đi giữa hai hàng lưỡi lê sáng loáng, cụ Biền mạnh mẽ, kiên cường. Gặp tên Đinh Ngô, ông bảo: “Đây là bàn việc giữa người Việt Nam với người Việt Nam, bàn việc gia đình của mình, trước tiên các anh nên hạ cờ của Tây xuống, thứ hai là hạ cờ riêng của người Hrê. Mình là người cùng một dân tộc”. Tên Đinh Ngô đồng ý cho lính hạ cờ và hẹn ngày đưa quân xuống Hà Thành. Sau đó, hắn bỏ trốn lên Kon Tum, điều này đã được cụ Biền đoán trước. Lúc bấy giờ, cụ Biền phát động trong nhân dân chống Đinh Ngô, dân tộc Hrê đoàn kết một lòng theo Cụ Hồ làm cách mạng...
Niềm tự hào
Có lần, tôi hỏi cụ Phạm Thanh Biền về những cái tên của ông. Cụ Biền cho biết, Lam Sơn là bí danh hồi chống Pháp, chuyện là tôi rất khâm phục hai ông Lê Lợi và Nguyễn Trãi, nên đã lấy tên của nghĩa quân Lam Sơn. Thời chống Mỹ, tên gọi là Biền. Theo tiếng gọi của người Hrê “Biền” là “mình”, đồng bào vẫn thường gọi tôi là “anh mình”. Còn tên gọi Phạm Xuân Thưởng là tôi đặt lần thứ 2 trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là vào năm 1965, sau thời gian ngắn ra miền Bắc học chính trị, tôi được trung ương cho về lại miền Nam. Chuyến đi trong mùa Xuân, trải qua biết bao hiểm nguy, gian khổ, khi đặt chân đến quê nhà thì niềm vui khôn tả, và tôi đã đặt lại tên là Phạm Xuân Thưởng. Tên khai sinh của tôi là Phạm Ngọc Thuật. |
Lúc đã nghỉ hưu, cụ Biền vẫn dõi theo, góp ý để xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp. Mỗi lần lãnh đạo tỉnh đến thăm, cụ Biền luôn căn dặn: Đoàn kết, chỉ có đoàn kết mới đưa tỉnh nhà phát triển.
Tôi còn nhớ vào dịp tết Tân Sửu năm 2021, khi Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đến thăm và chúc Tết cụ Biền. Trong căn phòng nhỏ, cụ Biền ngồi trên chiếc ghế nơi phòng khách tiếp đoàn. Dẫu đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng khí khái và trí tuệ ông rất đỗi minh mẫn. Ông chỉ từng người, đọc tên và cùng cười hào sảng khi nhắc về cha mẹ của các lãnh đạo tỉnh đương thời, những đồng đội cùng ông vào sinh ra tử năm xưa.
Những lời chia sẻ, chỉ bảo của cụ Biền với các đồng chí lãnh đạo tỉnh giản đơn nhưng mang tầm cao của bậc hiền tài, như cây đại thụ dẫu trăm năm vẫn đơm những cành lá xanh tốt, tỏa bóng mát bao quanh. Cụ Biền dặn dò: Làm lãnh đạo và cán bộ thì phải biết trân quý thành quả mà thế hệ đi trước, các bậc tiền bối đã xây dựng đất nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, để có được ngày hôm nay. Phải xem đó là động lực để phấn đấu và xây dựng tỉnh nhà phát triển hơn nữa. Muốn làm được điều ấy thì công tác đào tạo, xây dựng cán bộ nguồn từ cấp cơ sở đến tỉnh phải là nội dung quan trọng, xuyên suốt. Xây dựng lớp kế cận phải là những cán bộ ưu tú, đủ đức, đủ tài. Cán bộ, nhất là những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải mạnh dạn thay đổi, nhưng phải biết lắng nghe góp ý của nhân dân. Có như vậy mới xây dựng được sức mạnh của lòng dân. "Trước hết, trong nội bộ phải xây dựng được mối gắn kết chặt chẽ, phải thực sự đoàn kết. Chỉ có đoàn kết và nhất quán về tư tưởng thì mới tạo nên những thành công lớn. Bác Hồ đã từng dạy: Đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch. Các đồng chí phải xem đó là kim chỉ nam cho mọi hành động. Khi ta làm tốt, được nhân dân tin yêu thì dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, nhân dân cũng luôn đứng về Đảng, bảo vệ Đảng”, cụ Biền nói.
Khó mà kể hết những câu chuyện về cụ Biền, cũng như những cống hiến của cụ đối với quê hương. Đó là bài học quý, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả mai sau về một cán bộ, một đảng viên giàu lòng yêu nước, thương dân, được trao truyền qua các thế hệ về một tình yêu như dòng sông Trà chảy mãi với thời gian.
PHƯƠNG LÝ - LÊ ĐỨC