(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
[links()]
Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), khi thảo luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến yêu cầu phải kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong toàn Đảng. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chủ nghĩa cá nhân chính là giặc nội xâm, là kẻ thù hung ác; nó rất gian giảo, xảo quyệt, nó kéo người ta xuống dốc không phanh"... Là người kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn xứng đáng là Đảng của đạo đức, văn minh; là Đảng cầm quyền duy nhất giữ vai trò quyết định đối với thành công của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Để làm được điều đó, hiển nhiên là phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bởi mọi sai phạm của cán bộ, đảng viên suy cho cùng đều bắt nguồn từ tình trạng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi. Cá nhân chủ nghĩa là biểu hiện đầu tiên trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Căn bệnh này ngày càng tinh vi, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy làm nhức nhối dư luận xã hội. Do đó, việc kịp thời nhận diện, vạch mặt chỉ tên những biểu hiện của nó là hết sức cấp thiết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra 10 căn bệnh sinh ra do chủ nghĩa cá nhân. Đó là: Quan liêu, tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, háo danh, thiển cận, tị nạnh, xu nịnh, a dua và kéo bè kéo cánh. Bây giờ, bệnh cá nhân còn có thêm những biểu hiện không thể xem thường, như cơ hội, thực dụng...
Người cơ hội thì chuyên lợi dụng những kẽ hở của luật pháp, cơ chế, chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý, điều hành của bộ máy công quyền, xem đó là thời cơ để “đục nước béo cò”, vơ vét tài sản, tiền bạc Nhà nước và nhân dân, biến của công thành của tư. Kẻ cơ hội thì luôn tìm cách nịnh hót, kéo bè kéo cánh, cục bộ địa phương, bao che khuyết điểm, dung dưỡng cái xấu, thậm chí tiếp tay cho cái ác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đó là những “con lươn, con chạch” chỉ giỏi vào luồn ra cúi, lươn lẹo, uốn éo, thoắt ẩn thoắt hiện, khó “bắt tận tay, day tận tráng” nhưng vô cùng nguy hại.
Người thực dụng thì luôn coi tiền tài, vật chất là nhất, lấy đó làm quy chuẩn của mọi quan hệ mà coi nhẹ các giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức; họ sẵn sàng hạ mình để mưu cầu lợi ích. Cán bộ, đảng viên thực dụng thì kén chọn chức vụ, chỗ ngồi sao cho có lợi nhất, dễ kiếm tiền nhất.
Người mắc bệnh cá nhân thường đề cao “cái tôi” một cách thái quá mà coi thường tập thể, dẫn đến gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Lâu dần thành ra lộng quyền, lợi dụng chức quyền để trục lợi cho cá nhân, phe nhóm mà bỏ qua lợi ích tập thể, lợi ích nhà nước và nhân dân. Những cán bộ kỷ luật Đảng thời gian qua vì “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ” chính là ở chỗ này. Họ sai vì quá đề cao cá nhân mình mà bỏ qua những lời đóng góp thẳng thắn, chân thành của cán bộ, quần chúng.
Thực tế cho thấy, đại đa số cán bộ, đảng viên trong bộ máy lãnh đạo của chúng ta, nhiều người có bản lĩnh, có tư cách, sống trung thực, nhân nghĩa, không bon chen, ích kỷ, vụ lợi, tận tụy, trung thành, biết liêm sỉ, trọng danh dự... Nhưng cũng không thiếu những kẻ vì động cơ không trong sáng mà thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, sống “ba phải”, “im lặng là vàng”, khi sinh hoạt Đảng, chả mấy khi bày tỏ chính kiến, họa hoằn mới nói vài câu cho “phải phép”.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên mà còn củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng. Thế nhưng, có một thực tế lâu nay là, khi nói đến chủ nghĩa cá nhân thì nhiều người cứ như là “đang nói ai đó chứ không phải mình”, vì vậy, muốn đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân thì trước hết phải nhận diện chủ nghĩa cá nhân trong đời sống, sinh hoạt và trong công tác lãnh đạo, quản lý. Nhận diện được rồi thì tiến hành tự phê bình và phê bình để sửa chữa nghiêm túc, thực chất.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hồi giữa năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ”. Bởi “những người giàu lòng tự trọng, thấm nhuần các giá trị văn hóa tốt đẹp của ông cha và những phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” sẽ tự phòng ngừa được bệnh cá nhân chủ nghĩa”.
Còn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) vừa rồi, một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “cần đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải biết “Tự soi - Tự sửa - Tự gột rửa” mình để cho Đảng ta ngày càng trong sạch hơn. Có thanh sạch thì Đảng mới mạnh. Đảng mạnh thì nước mới mạnh, mới giàu.
Nguyễn Vân Thiêng