(Báo Quảng Ngãi)- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến trọn cuộc đời cho đất nước, dân tộc. Hình ảnh, tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của ông mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc. Đại tướng sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Ông là vị Tổng Tư lệnh tài đức vẹn toàn, được cả thế giới biết đến như một trong những vị tướng kiệt xuất mọi thời đại. Trong lòng dân, ông vẫn mãi là vị Đại tướng giản dị, gần gũi với nụ cười hiền hậu, được nhân dân hết lòng kính trọng, yêu mến và suy tôn là "Đại tướng của nhân dân".
[links()]
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: "Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó". Ông là một vị tướng huyền thoại với lý tưởng sống giản dị mà cao quý.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột, ông đã sục sôi ý chí và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ vào năm 1994. Ảnh: TL |
Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp, với bí danh là Dương Hoài Nam, cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.
Tháng 12/1944, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí đã chỉ huy và đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ; dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) giành thắng lợi. Với vai trò là Tổng Tư lệnh chiến dịch, Bí thư Đảng ủy, đồng chí đã chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Biên Giới (9 - 10/1950), Trung Du (12/1950), Đồng Bằng (5/1951), Hòa Bình (12/1951 - 2/1952), Tây Bắc (10 - 12/1952), Thượng Lào (4- 5/1953). Đặc biệt, năm 1954 đồng chí đã chỉ huy các đại đoàn của quân đội và các lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta...
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, quân đội ta và phong trào cách mạng thế giới; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. |
Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi tuổi đời còn khá trẻ (37 tuổi), song với tinh thần tự học, rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, đồng chí luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người Anh Cả” của QĐND Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại thăm Điện Biên Phủ tháng 4/1994. Ảnh: TL |
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng QĐND tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.
Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã chứng minh đề xuất trên của đồng chí Tổng Tư lệnh là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó.
Một thiên tài quân sự
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những chiến công hiển hách. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, cùng với Quân đội và nhân dân Anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điều hành cuộc chiến tranh toàn dân thần kỳ của dân tộc Việt Nam đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Đường lối ưu việt của cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ đã đánh bại và làm phá sản hoàn toàn đường lối chiến lược tốc chiến, tốc thắng và các chiến lược khác của những đế quốc hùng mạnh nhất (Pháp và Mỹ) ở thế kỷ XX. Đây là sự kiện có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới.
Trong các chiến dịch lớn có tính chất quyết định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén và có tư duy quân sự, chiến thuật, tài chỉ huy đặc biệt. Điển hình là quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là quyết định chọn đúng hướng đột phá chiến dịch vào Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên; kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975; kịp thời chỉ đạo mở các chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía đông và ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa...” cho toàn quân xốc tới; ra lệnh cho cánh quân phía đông tiếp tục phát triển tiến công, không chờ đợi để nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, cùng với 4 cánh quân khác đánh vào sào huyệt địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng là nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội và bạn bè quốc tế; là nhà văn hóa lớn, có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực giáo dục, báo chí, ngoại giao, lịch sử và phong trào cách mạng thế giới...
PHƯƠNG LÝ