(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định, Quảng Ngãi được phân bổ bầu 7 đại biểu Quốc hội (trong đó, số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4 và số đại biểu do trung ương giới thiệu là 3) và 53 đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
[links()]
Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp xây dựng cơ cấu, thành phần, số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước giới thiệu ứng cử.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy nắm tình hình cơ sở ở xã Bình Hải (Bình Sơn). ẢNH: T.THUẬN |
Theo phân bổ, số lượng giới thiệu người ứng cử ĐBQH gồm 14 người (trong đó, ngoài 3 đại biểu do trung ương giới thiệu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giới thiệu 1 người; TAND tỉnh giới thiệu 3 người; Huyện ủy Minh Long giới thiệu 3 người; Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị trong ngành giới thiệu 4 người). Số lượng người giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 99 người phân bổ cho 45 cơ quan, đơn vị, tổ chức (trong đó, cấp tỉnh giới thiệu 64 người đề bầu lấy 40 đại biểu; cấp huyện giới thiệu 35 người để bầu lấy 13 đại biểu)... |
Trước đòi hỏi của tình hình mới, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã nhấn mạnh các yêu cầu đối với cấp ủy, tổ chức đảng trong việc giới thiệu người ứng cử. Theo đó, kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Điều này có thể thấy, ngay từ khâu giới thiệu người ứng cử phải thận trọng, lựa chọn người đủ đức, đủ tài để cử tri có cơ sở bầu chọn được những đại biểu xứng đáng nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước và cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. Chính vì vậy, việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND cần được các cơ quan, đơn vị quán triệt và thực hiện đúng theo quan điểm của Bộ Chính trị cũng như các văn bản hướng dẫn bầu cử đã được ban hành. Cùng với đó là phát huy dân chủ tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, khu dân cư khi lấy ý kiến về người được giới thiệu ứng cử.
Kiểm tra công tác bầu cử mới đây tại một số địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy yêu cầu phải chú trọng đến chất lượng người ứng cử, phải giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ ứng cử tham gia ĐBQH và HĐND các cấp, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn... Quy định tiêu chuẩn đại biểu rất rõ ràng, tuy nhiên các địa phương cần chú trọng làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử có chất lượng, có sự tín nhiệm cao trong cộng đồng dân cư, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cử tri đưa ra quyết định sáng suốt.
Cùng với việc coi trọng chất lượng đại biểu, việc giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, đảm bảo tỷ lệ phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, doanh nhân... Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động thực hiện các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn về bầu cử. Đây là khâu rất quan trọng để lập danh sách những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh vừa bảo đảm cả số lượng, chất lượng, vừa thể hiện được cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân.
THANH THUẬN