(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2021 là năm khởi đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2025 với sự quyết tâm và kỳ vọng về bước đổi mới và phát triển của tỉnh. Đổi mới trước hết là nếp nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) nhằm xây dựng chính quyền phục vụ, lấy sự hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả giải quyết công việc.
[links()]
Dấu ấn của sự hài lòng
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là hình mẫu về tính chuyên nghiệp phục vụ nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Không phải ngẫu nhiên mà trong năm 2020 có hơn 42 nghìn lượt tổ chức, cá nhân nhấn nút đánh giá "rất hài lòng", "hài lòng" về quá trình giải quyết TTHC tại trung tâm, đạt 99,8%. Đây là con số, cho thấy hiệu quả về chất lượng, thái độ phục vụ của công chức, viên chức được nâng cao. Trong năm 2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận của 16 sở làm việc tại trung tâm là 66.263 hồ sơ. Hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt tỷ lệ cao (trên 96%).
Người dân đánh giá kết quả tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. |
Năm 2020, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh TP.Quảng Ngãi và Phòng TN&MT thành phố tại trung tâm đã tiếp nhận 35.632 hồ sơ, tỷ lệ trả trước hạn và đúng hạn đạt hơn 75%, tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Thanh Hoài nhận định: "Cùng với cách thức tổ chức công việc và quản lý phù hợp, thì tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ là yếu tố quyết định hiệu quả công việc. Trung tâm đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tất cả đều vào guồng làm việc nghiêm túc, chuẩn mực, đúng quy định pháp luật, không có chuyện nhũng nhiễu, gây khó cho tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC".
Nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều
Để nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đòi hỏi sự đổi mới phải mang tính toàn diện và đồng bộ. Chỉ riêng sự nỗ lực của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong giải quyết TTHC cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp là chưa đủ, mà phải quyết liệt đổi mới, nâng cao hiệu quả CCHC từ tỉnh đến cơ sở, ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, công chức.
Công tác CCHC của tỉnh năm 2020 đã đạt được một số kết quả nhất định, chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp... Công tác thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật được triển khai thực hiện thường xuyên và chất lượng thẩm định ngày càng nâng cao. Sở Tư pháp đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành. Văn phòng UBND tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC; kiểm tra tình hình hoạt động ở bộ phận "một cửa" của 13 huyện, thị xã, thành phố, qua đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, sai sót và đề xuất hướng khắc phục; triển khai nhiều hoạt động để hiện đại hóa nền hành chính...
Tuy nhiên, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, thứ hạng PCI và chỉ số CCHC luôn đứng chót và áp chót trong cả nước. Thực tế cho thấy, cơ chế "một cửa" ở một số địa phương còn mang tính hình thức, không đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân. Một số địa phương để xảy ra tình trạng tồn đọng, chậm trễ trong giải quyết TTHC, gây bức xúc trong nhân dân. Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức ở các cấp. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; thanh tra công vụ chưa đạt yêu cầu...
Để tạo bước chuyển mới trong năm khởi đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2025, vấn đề đầu tiên mà Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu là đổi mới ngay phương pháp làm việc trong tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở theo phương châm “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, lấy kết quả làm thước đo để đánh giá năng lực, hiệu quả của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi người; không chấp nhận tình trạng trì trệ, bàng quang, thờ ơ trong giải quyết công việc cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân. "Cần thay đổi ngay quan niệm xem người dân, doanh nghiệp là đối tượng quản lý sang đối tượng phục vụ của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp. Phải siết chặt kỷ luật kỷ, cương hành chính, tăng cường thanh tra công vụ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ", Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chỉ đạo: Phải đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, giải quyết công việc của chính quyền các cấp theo hướng minh bạch, sáng tạo, quyết liệt, sát đúng với tình hình thực tế. Tập trung giải quyết vướng mắc trong TTHC, gắn với đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc; đồng thời đẩy mạnh việc chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các cấp, ngành. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị... Đây là những giải pháp quan trọng để nâng cao các chỉ số về CCHC, năng lực cạnh tranh và quản trị hành chính công của tỉnh.
Quyết liệt hành động để xây dựng chính quyền phục vụ là vấn đề đặt ra vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài. Nhân dân đang kỳ vọng vào sự đổi mới và phát triển của tỉnh từ những quyết sách đúng đắn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; từ sự đổi mới trong chính nếp nghĩ, cách làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bài, ảnh: MINH ANH