(Báo Quảng Ngãi)- Quốc hội khoá XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đã để lại nhiều dấu ấn trong quyết tâm đổi mới với nhiều thành quả to lớn trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và công tác đối ngoại, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Góp phần vào sự thành công chung đó, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cũng để lại nhiều dấu ấn với những hoạt động sôi nổi, thiết thực, đổi mới vì nhân dân.
[links()]
Tích cực đóng góp trong công tác lập pháp
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục ghi dấu sự đổi mới trong công tác tham gia xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh. Việc lấy ý kiến vào các dự án luật được mở rộng đến các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, lãnh đạo quản lý, công chức chuyên môn, đối tượng điều chỉnh liên quan đến dự luật. Phương thức lấy ý kiến theo nhiều hình thức, phù hợp với nội dung yêu cầu. Một số dự án luật được lấy ý kiến với nhiều hình thức để huy động trí tuệ của nhiều người, nhiều ngành với nhiều thông tin chất lượng nhất. Qua đó giúp ĐBQH có thêm thông tin về cơ chế, chính sách và trong thực tiễn áp dụng pháp luật để tham gia ý kiến tại kỳ họp Quốc hội.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hòa Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh) tiếp xúc cử trị tại xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh). Ảnh: B.SƠN |
Tăng cường thực hiện chức năng giám sát
Trên cơ sở Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của các ĐBQH trong Đoàn và Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm. Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện 12 cuộc giám sát và 1 cuộc khảo sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực, như cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; an toàn thực phẩm; an toàn vệ sinh lao động; phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng cháy, chữa cháy; đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; bảo hiểm y tế...; phối hợp tham gia 8 Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tại địa phương.
Phương thức giám sát của ĐBQH có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng. Sau các đợt giám sát, khảo sát, Đoàn tổng hợp báo cáo kết quả giám sát, đề xuất giải pháp, kiến nghị 148 nội dung đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và 98 nội dung đến cơ quan chức năng của tỉnh. Trong đó, nhiều nội dung được các cơ quan tiếp thu, được Quốc hội đưa vào các nghị quyết sau giám sát, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; cải cách giáo dục và sách giáo khoa.
Đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri
Xác định vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe, tổng hợp, phản ánh trung thực, kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri.
Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh) tặng quà cho người dân trong tỉnh. Ảnh: NG.ĐỨC |
Trong công tác tiếp công dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 21 kỳ tiếp 288 lượt công dân; hướng dẫn công dân thực hiện đúng việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo pháp luật; ban hành văn bản chuyển 315 đơn khiếu nại, tố cáo hợp lệ đến cơ quan chức năng; hướng dẫn 82 đơn; đôn đốc 67 đơn. Tổ chức theo dõi, đôn đốc cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và theo dõi việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Cử tri Trần Thanh Sơn, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) nhận xét: "Tôi thấy các ĐBQH ứng cử tại Quảng Ngãi đã có nhiều ý kiến tham gia chất lượng, phù hợp thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của dân, được Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu, giải trình. Với những đổi mới đáng kể trong nhiệm kỳ này, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thể hiện được vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữa Quốc hội và cử tri, xứng đáng với niềm tin của cử tri trong tỉnh".
Trách nhiệm, tâm huyết
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cử tri và Quốc hội với những hoạt động đầy trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu tại nghị trường. Với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và bản lĩnh, các vị ĐBQH tỉnh đã tích cực, sôi nổi thảo luận, tranh luận, chất vấn để thể hiện quan điểm, chính kiến, tham gia góp ý kiến vào hầu hết các nội dung kỳ họp, góp phần cùng với Quốc hội hoàn thành tốt nội dung, chương trình của mỗi kỳ họp.
Cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia góp ý 65 dự án luật và 99 nghị quyết; xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo giám sát tối cao; về các chương trình, dự án, đề án quan trọng; chất vấn Thủ tướng Chính phủ và 9 Bộ trưởng, thành viên Chính phủ; thực hiện các hoạt động đối ngoại... và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Thị Thu Trang cho rằng: "Trong tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, các ĐBQH tỉnh luôn nêu cao trách nhiệm, thẳng thắn, tích cực nêu chính kiến. Qua 10 kỳ họp Quốc hội, ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận về kinh tế - xã hội và xây dựng pháp luật. Nhiều ĐBQH tỉnh đã thực hiện quyền chất vấn trực tiếp tại hội trường và các nội dung chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh đều xuất phát từ những yêu cầu, bức xúc của nhân dân trong tỉnh. Cùng với thực hiện chất vấn các vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm, trong thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội, ngay từ đầu các năm, Đoàn có sự phân công các đại biểu theo sở trường, lĩnh vực hoạt động để nghiên cứu chuyên sâu hơn các dự án luật...".
Với những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cử tri, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
THANH THUẬN