(Báo Quảng Ngãi)- Giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ các dự án (DA) là công việc khó khăn và thường nảy sinh những vấn đề phức tạp. Do đó, công tác dân vận cần phải đi trước. Thời gian qua, bằng những cách làm hay, nhiều địa phương trong tỉnh đã tháo gỡ những “nút thắt” trong GPMB nhằm đảm bảo tiến độ công trình và tạo sự đồng thuận của người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dân vận là làm cho dân hiểu
Ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và mở rộng Quốc lộ 1 gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ dân chưa đồng thuận, nhiều nhất là tại thôn Đông Bình, với hơn 100 hộ. Với trách nhiệm là trưởng thôn, ông Nguyễn Thuần nhận trách nhiệm vận động người dân trên địa bàn mình quản lý. Ông Thuần chia sẻ: Phải tuyên truyền cho dân hiểu và chấp hành chủ trương, để mọi người hiểu được rằng công trình thi công là vì lợi ích của quê hương, đất nước và của chính người dân. Cứ gõ cửa từng nhà, kiên trì thuyết phục, rồi thì người dân cũng hiểu và chấp hành”.
Tổ công tác 944 đã tổ chức hàng chục cuộc gặp gỡ, đối thoại với nhân dân vùng Dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để vận động người dân giao đất cho dự án. ẢNH: Th.Thuận |
Gần 15 năm làm cán bộ ở cơ sở, ông Thuần luôn sống gương mẫu, trách nhiệm và đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. "Khi dân hiểu, dân mến, nói dân nghe, thì mọi việc vận động mới dễ dàng thực hiện được", ông Thuần tâm sự. Kết quả, không chỉ 100 hộ dân ở thôn Đông Bình mà hơn 200 hộ dân ở xã Bình Chánh đã bàn giao mặt bằng để thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và mở rộng tuyến Quốc lộ 1 đúng thời hạn.
Còn ở xã Đức Phú (Mộ Đức), việc GPMB để xây dựng DA Khu sản xuất chế biến thức ăn và chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao Vinamilk Quảng Ngãi đã nhận được đồng thuận cao của nhân dân. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đức Phú Nguyễn Bảy cho biết: DA này có gần 130ha đất bị thu hồi, với gần 350 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngay sau khi DA được chấp thuận, xã tổ chức họp dân để thông tin về DA, nhằm tạo sự đồng thuận. Đây là DA đầu tiên xã thực hiện hoán đổi đất cho người dân bị ảnh hưởng. Lúc đầu, nhiều hộ chưa đồng ý với mức tiền đền bù, nhưng khi được giải thích về lợi ích mà người dân được hưởng khi triển khai DA thì họ đồng tình. Khi DA đi vào hoạt động, địa phương có cơ hội phát triển vùng nguyên liệu cung ứng cho trang trại bò sữa Vinamilk, nâng cao thu nhập cho người dân. Bước đầu, xã đã quy hoạch vùng nguyên liệu diện tích gần 30ha để trồng bắp làm thức ăn cho bò sữa, tương lai sẽ phát triển vùng nguyên liệu khoảng 600ha.
Vài năm gần đây, huyện Mộ Đức đã thu hút 25 DA ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, một số DA đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trang trại chăn nuôi heo kết hợp trồng cây lâm nghiệp; DA ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết bền vững trong sản xuất lúa giống xác nhận và gạo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP...
Với phương châm “công tác dân vận phải chú trọng đến lợi ích của người dân”, nhiều DA lúc đầu cũng gặp khó khăn, nhưng sau khi đối thoại, giải thích cho người dân rõ chủ trương thì đa phần người dân đều chấp thuận. Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho biết: Cách làm dân vận của huyện Mộ Đức có hơi khác so với các địa phương. Đó là không phải khi có chủ trương mới đi vận động, mà công việc này bắt đầu ngay từ lúc quy hoạch. Vậy nên, người dân hiểu rõ về chủ trương, lợi ích khi DA được triển khai và tạo được sự đồng thuận trong dân. Khi DA triển khai, nếu có vướng mắc thì cả hệ thống chính trị cùng “xắn tay áo” giải quyết ngay từ gốc những vấn đề phát sinh. Chính việc sát cơ sở và kịp thời như vậy, nên thời gian qua trên địa bàn huyện mặc dù có nhiều DA triển khai, thu hồi hàng trăm hécta đất nhưng không phát sinh điểm nóng liên quan đến bồi thường, GPMB.
Giải quyết kiến nghị chính đáng của dân
Tại thời điểm tháng 7.2017, DA Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ VSIP giai đoạn 1B trên địa bàn thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) có tổng diện tích cần GPMB là 280,34ha. Trong đó, có 139 hộ dân có nhà cửa, vật kiến trúc, đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp cần vận động di dời trên diện tích 207,69ha. Tuy nhiên, người dân xóm 6, thôn Thọ Trung không ký nhận thông báo thu hồi đất với lý do, yêu cầu Nhà nước phải có khu tái định cư tại xã Tịnh Thọ thì mới thống nhất di dời.
Cán bộ nắm tâm tư người dân tại vùng dự án. ẢNH: X. Thiên |
Để đảm bảo việc thu hồi và giao đất cho DA đúng tiến độ, tạo sự đồng thuận của người dân, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập Tổ công tác để chỉ đạo và thực hiện thí điểm việc tuyên truyền, vận động hỗ trợ GPMB DA Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ VSIP (gọi tắt là Tổ công tác 766) gồm 12 thành viên, do Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy làm tổ trưởng. Tổ công tác 766 đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị ở địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của người dân và đã kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết. Sau gần 2 năm kiên trì vận động, tháng 4.2019, người dân đã bàn giao 100% đất sạch cho nhà đầu tư.
Còn tại địa bàn KKT Dung Quất (Bình Sơn), vào thời điểm tháng 1.2018, khi thực hiện DA mở rộng, nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng vấp phải khó khăn liên quan đến thu hồi đất, tái định cư và bồi thường. Vướng mắc lớn nhất là người dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ từ năm 2015, nhưng đến năm 2017 mới có khu tái định cư để bố trí cho người dân. Trong giai đoạn này đã phát sinh tình trạng tách hộ, tách thửa, cơi nới, xây mới diễn biến phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến công tác GPMB DA này bị kéo dài nhiều năm. Để tháo gỡ vướng mắc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Tổ công tác 944, với nòng cốt là các thành viên của Tổ công tác 766.
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ công tác Lê Văn Dũng cho hay: "Để có được thành công, bàn giao mặt bằng triển khai DA là sự kiên trì nhiều năm, nhiều tháng của tập thể các tổ công tác và từng thành viên với hàng chục cuộc gặp gỡ, đối thoại liên tục được tổ chức. Có trường hợp các thành viên tổ công tác phải dựng lều để tá túc suốt nhiều ngày tại vùng DA để đến từng nhà giải thích, thuyết phục các hộ dân. Trong quá trình đi thực tế về công tác dân vận trong GPMB các DA trọng điểm của tỉnh, những người làm công tác dân vận đều có chung quan điểm phải làm sao để cho người dân hiểu mới là mấu chốt của vấn đề. Dân vận khéo thì công tác GPMB nhanh. Nếu vận dụng linh hoạt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thì các vấn đề khó khăn, phức tạp đều có thể từng bước được giải quyết thấu đáo, không để phát sinh thành điểm nóng”.
T.THUẬN - X.THIÊN
----------
Kỳ cuối: Dân vận khéo ắt sẽ thành công