Thực hiện Kết luận 30 của Tỉnh ủy: Phát triển nông nghiệp, làm mới nông thôn

09:06, 07/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cụ thể hóa Nghị quyết 03 Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 (Khóa XVIII), Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận 30, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015- 2020, gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM được cấp ủy các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân. Chính vì vậy, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền đồng cấp tập trung thực hiện các giải pháp, cũng như ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư.  
 
Trang trại nuôi gà an toàn sinh học ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).
Trang trại nuôi gà an toàn sinh học ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa).
 
Sau 5 năm thực hiện đề án, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng. Đó là, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân khoảng 4,49%/năm (tăng 0,49%); cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch đúng hướng, với tỷ trọng lâm nghiệp tăng 1%, thủy sản tăng 6,78% và tỷ trọng nông nghiệp giảm 7,76%.
 
Trong lĩnh vực xây dựng NTM, toàn tỉnh hiện có 83 xã (sau khi sáp nhập còn 70 xã) và huyện Nghĩa Hành được công nhận đạt chuẩn NTM; 12 khu dân cư được công nhận “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu”. Riêng huyện Tư Nghĩa đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019. Tổng nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình NTM, giai đoạn 2016 - 2019 trên 9.270 tỷ đồng...
 
Kết quả trên đã góp phần tăng thu nhập bình quân của cư dân nông thôn (hiện đạt khoảng 28 triệu đồng/người/năm); giá trị sản xuất bình quân đạt 80 triệu đồng/ha canh tác; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,75% vào năm 2014 xuống còn 7,69% vào cuối 2019, hộ cận nghèo giảm từ 9,76% còn 7,21% và có 1 huyện đã thoát nghèo...
 
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch chậm và chưa rõ nét, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung. Nông sản tiêu thụ ở dạng thô, chưa qua chế biến, nên giá trị cạnh tranh thấp.  
Nông nghiệp khởi sắc thông qua nhiều DA nông nghiệp công nghệ cao được triển khai thực hiện, điển hình như dự án trồng măng tây bước đầu mang lại hiệu quả ở một số địa phương.
Nông nghiệp khởi sắc thông qua nhiều DA nông nghiệp công nghệ cao được triển khai thực hiện, điển hình như dự án trồng măng tây bước đầu mang lại hiệu quả ở một số địa phương.
Thực hiện dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng chậm. Chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân ban hành nhiều, nhưng hiệu quả thực thi thấp, chưa đến được với đối tượng thụ hưởng. Nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu, nhất là nhân lực đã qua đào tạo và nhân lực chất lượng cao. Tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM chậm so với cả nước. Hiện tỉnh ta chỉ có 70/148 xã đạt chuẩn NTM (47,4%); số tiêu chí bình quân đạt 14,96 tiêu chí/xã. Trong khi cả nước hiện có 55,66% xã đạt chuẩn NTM và bình quân tiêu chí đạt 15,66 tiêu chí/xã...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính: “Tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”
 
Trên cơ sở Kết luận số 54/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định số 57/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cũng như tinh thần Kết luận 30 của Tỉnh ủy, mới đây, Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo Quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
 
Theo dự thảo, DN đầu tư sản xuất nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại, sau khi dự án (DA) đã thi công hoàn thành và đưa vào vận hành sản xuất. Thời gian hỗ trợ lãi suất từ 5 - 8 năm (tùy DA), với hạn mức tối đa không quá 70% tổng chi phí đầu tư của DA. Hỗ trợ 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 5 tỷ đồng/DA, để xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, thiết bị, hệ thống tưới và xử lý môi trường đối với các DA đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có diện tích từ 3ha trở lên...
 
Để đảm bảo tính khả thi, nội dung chính sách hỗ trợ phải có trọng tâm, định mức hỗ trợ hợp lý, giới hạn tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; đồng thời phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực thực tế của tỉnh. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền các cấp cần quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như kiểm tra, giám sát việc thực thi, đảm bảo các chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô: “Cần liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất”
 
Ngành nông nghiệp đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành 7 chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện thu hút 65 DA đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 3.300 tỷ đồng. Qua đó, các DN đã liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị... thông qua 400 cánh đồng lớn, với tổng diện tích hơn 7.400ha; xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao... Chính quyền các địa phương cũng tập trung dồn điền đổi thửa được 8.200ha, chuyển gần 5.240ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn... góp phần hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung.
 
Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch theo tinh thần Kết luận 30 là đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân của cư dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 85 triệu đồng/ha canh tác, tỷ lệ che phủ rừng đạt 52%, có 98 xã đạt chuẩn NTM... Ngành nông nghiệp tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm chính là thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với Chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành, cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ các nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh. 
 
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân: “Phải có giải pháp đủ mạnh để trợ lực cho DN và nông dân”
 
Huyện Mộ Đức hiện có 24 DA đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng chỉ có 2 DA là nhà đầu tư vừa có nguồn lực, vừa có năng lực và chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là, DA Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, do Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam đầu tư, với tổng nguồn vốn trên 700 tỷ đồng và DA Khu sản xuất và chế biến nông nghiệp tập trung, do Công ty CP thực phẩm Anh Khải Ký đầu tư, với tổng vốn hơn 78 tỷ đồng. Còn lại là các DA thuộc dạng “khởi nghiệp”, nhà đầu tư non trẻ, năng lực và kinh nghiệm hạn chế. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối mặt với nhiều rủi ro, nên nhiều DA có tiến độ triển khai thực hiện chậm, thậm chí bỏ cuộc.
 
Chính vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, kế hoạch theo tinh thần Kết luận 30 của Tỉnh ủy, trong đó có việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, thì phải có giải pháp trợ lực cho nông dân và DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Với DN, cần có chính sách thông thoáng trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, xử lý diện tích đất công... Với nông dân, cần có chiến lược đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn để người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
 
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phổ Thuận (thị xã Đức Phổ) Đỗ Thể: “Đừng để nông dân cứ phải tự bơi”
 
Nông dân hoàn toàn có thể sản xuất được lúa chất lượng cao, để tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, vì phải đơn độc đối mặt với nhiều khó khăn, nên nông dân e ngại, không mạnh dạn đầu tư. Trong khi đó, dù luôn khuyến khích nông dân hình thành vùng chuyên canh, liên kết sản xuất, nhưng Nhà nước lại bố trí nguồn lực đầu tư nhỏ giọt. Hay như tình trạng giá nông sản liên tục biến động, hoặc tình trạng tư thương làm giá, ép giá, nhưng Nhà nước cũng chưa thực hiện kịp thời, quyết liệt các giải pháp, để ổn định giá giúp nông dân. Điều này không chỉ khiến nông dân thường xuyên rơi vào cảnh khó khăn, mà còn mất niềm tin với nghề nông. 
 
M.H 
(thực hiện)

 

                                     
 
 
 
 
 

.