(Baoquangngai.vn)- Đại tướng Chu Huy Mân từng bảo rằng, trong dòng hồi ký về đồng chí Trần Kiên, mỗi người sẽ nhận ở đây một tấm gương và kinh nghiệm bổ ích cho chí hướng và sự nghiệp của mình trên con đường phấn đấu vì sự nghiệp cao cả của đất nước, nhân dân, gia đình và bản thân. Vâng, không riêng gì người dân Quảng Ngãi và đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên, mà trong lòng dân tộc, đồng chí Trần Kiên sống mãi với một nhân cách trong sáng, kiên cường, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực
Đồng chí Trần Kiên sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Từ một thợ hồ đi làm mướn cho địa chủ, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn liền với những chặng đường lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở bất kỳ cương vị công tác nào, từ khi tham gia cách mạng đến khi giữ các chức vụ trọng yếu của Đảng, Nhà nước, đồng chí đều tận tâm, tận lực với công việc, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí nhận nhiều nhiệm vụ ở những nơi “đầu sóng ngọn gió”, nơi nào khó khăn, khi có mặt của đồng chí thì đều có sự chuyển biến rõ nét.
Trải qua suốt 68 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi, từ khi còn là một thanh niên yêu nước cho đến cuối đời, đồng chí Trần Kiên là một tấm gương sáng về sự tận tụy, hy sinh cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, vì cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trong kháng chiến, trên khắp các chiến trường ở miền Trung-Tây Nguyên khắc ghi hình ảnh đồng chí Trần Kiên. Đồng chí đã tổ chức, tham gia trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch, xây dựng căn cứ, mở hành lang, đảm bảo công tác hậu cần, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975.
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu từng kể: Ngày ấy, anh em Khu 5 thường nói: “Muốn học thì đi với ông Kiên”. Suốt cả chặng đường dài làm cách mạng, làm công tác Đảng, làm chiến sĩ và chỉ huy Vệ quốc đoàn, chỉ huy Quân giải phóng, anh Kiên không ngừng học tập.
Từ trong thực tiễn đấu tranh, anh tự mình rút kinh nghiệm, cả khi thành công và thất bại. Anh đọc và nói thành thạo chữ của nhiều dân tộc thiểu số anh em ở Tây Nguyên, có thể nghe và hiểu nhiều bản trường ca bên các bếp lửa, lăn lộn sản xuất, gùi cõng cùng với đồng bào. Anh là một trong những đồng chí bám trụ lại chiến trường đã sớm có sáng kiến trồng các rẫy mì cách mạng, tích trữ lương thực ngay trong lòng đất và gửi nhân dân các kho muối nhỏ trong rừng sâu.
Đồng bào các nóc, các buôn đã bảo quản không mất một hột muối cách mạng này. Những rẫy mì cách mạng và kho muối cách mạng đó đã góp phần nuôi sống các đơn vị mà Đảng và Bộ Tư lệnh đưa trở về Liên khu 5 sau này, góp phần cứu đói những tháng ngày thiếu gạo, thiếu muối…
Còn với Đại tướng Chu Huy Mân, trong hồi ký ông đã viết: “…Đấu tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, với anh Kiên như đã ngấm vào xương máu và hơi thở của mình. Trong những tình huống khó khăn gian nan, anh thường lấy mục đích đó để diễn đạt trong các buổi sinh hoạt cấp ủy và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, động viên mọi người đem hết tinh thần và nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên chiến trường”.
Đại tướng Chu Huy Mân cho biết: Miền núi Khu 5 có cây môn thục làm rau ăn khi tiêu chuẩn gạo không đủ cho từng người, anh Kiên chỉ thị cho các đơn vị và cơ quan chỉ được cắt lá, không được nhổ cả gốc để nó đâm chồi dùng cho nhu cầu nhiều năm. Suốt nhiều năm trên chiến trường, cứ mỗi lần sau cuộc họp cấp ủy, anh Kiên tranh thủ cho cán bộ cơ quan tổ chức triển khai công việc, anh lại mang balô chống gậy xuống địa phương, cơ sở.
Trên đường đi, nếu buổi chiều nào không gặp trạm giao liên hay nhà dân thì ngủ giữa rừng. Bữa ăn thường là sắn cõng cơm, rau rừng, nước suối. Đêm đến, nếu khu rừng kín đáo, có bếp lửa hồng, mỗi người ngồi trên võng nướng sắn ăn và nói chuyện chống Mỹ.
Đồng chí Trần Kiên tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Tài, tham gia cách mạng năm 1936, là đội viên đội du kích Ba Tơ; tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi; Uỷ viên Trung ương Đảng (các khóa IV, V, VI); Bí thư Trung ương Đảng (các khóa V, VI); Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (các khóa V, VI); Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp; Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai-Kon Tum, Đăk-Lăk, Nghĩa Bình; đại biểu Quốc hội khóa VI… Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Kiên đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và hạng Nhì cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý khác. |
Hết lòng lo cho Đảng, cho dân
Khi làm Bí thư Tỉnh ủy một số tỉnh Tây Nguyên, với tầm nhìn chiến lược, giàu thực tiễn và ý chí quyết tâm, đồng chí Trần Kiên đã cố gắng để mang đến cho đồng bào các dân tộc thiểu số cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc và xây dựng Tây Nguyên trở thành một vùng kinh tế công-nông-dịch vụ phát triển. Ông luôn khoắc khoải một nỗi niềm với Tây Nguyên, lúc nào cũng suy nghĩ, nghiền ngẫm, đến tận nơi, xem tận mắt, nghe tận tai lời của dân về những vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống, ngay cả khi đã nghỉ hưu cũng vậy.
Đồng chí Trần Kiên bảo rằng: “Các dân tộc Tây Nguyên có cuộc sống giản dị, nhưng dũng cảm kiên cường trong chiến đấu, thật thà, cởi mở, họ tin tưởng Đảng, tin Bác Hồ, tin con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”. Đồng chí nhận định vùng cao đất dốc, người dân có tập quán du canh, du cư, trình độ dân trí còn thấp vì vậy ông đã đề ra “3 yêu cầu phát triển, 7 mục tiêu con người, kỹ thuật và năng suất”.
Nhà lưu niệm đồng chí Trần Kiên ở thôn An Hội Bắc 1, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). ẢNH: PV |
Từ những chủ trương chiến lược của đồng chí Trần Kiên mà các tỉnh Tây Nguyên có bước chuyển mình, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện. Theo nhà thơ Thanh Thảo: “Trước ngày qua đời không lâu đồng chí Trần Kiên nhiều lần đi Tây Nguyên, nhiều lần về tận những buôn làng để gặp gỡ đồng bào các dân tộc. Phải thấy cảnh ông Trần Kiên ngồi giữa những người dân nghèo, mới hiểu vì sao ông được những người dân bình thường coi ông là người của họ. Không phải người lãnh đạo nào cũng được như vậy, được nhân dân tin và yêu như vậy”.
Khi là Bộ trưởng Lâm nghiệp, đồng chí đã tổ chức lại ngành nông nghiệp một cách cơ bản, khoa học và thực tiễn. Với trọng trách nặng nề khi làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí luôn trăn trở với sự đổi mới công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra Đảng để góp phần vào sự đổi mới của Đảng, làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Nguyên Ủy viên Thường vụ, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt nhận định: “Nhiều sự việc khá phức tạp, song nhờ có cách nhìn nhận, đánh giá công minh, khách quan của anh Kiên và Uỷ ban Kiểm tra nên đã giúp Trung ương giải quyết ổn thỏa, cá nhân, tổ chức bị kỷ luật đều “tâm phục, khẩu phục”.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Kiên là một câu chuyện dài với những bài học có giá trị sâu sắc từ trong thực tiễn, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị mà mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần học tập, noi theo. Đồng chí Trần Kiên với những cốt cách cao đẹp sẽ sống mãi trong lòng nhân dân.
Người cháu của đồng chí Trần Kiên là ông Võ Thanh Trà (56 tuổi), là người trông coi nhà lưu niệm kể: Có lần, ông Kiên về thăm gia đình, mẹ tôi chuẩn bị gà, vịt. Thấy vậy, ông không đồng ý và bảo chỉ cần chuẩn bị cho ông dĩa mắm cà, rau luộc là đủ. Món ông thích là cá chuồn muối, vậy nên vào ngày giỗ ông, gia đình vẫn thường chuẩn bị món ăn dân dã này…
Sống một đời thanh bạch, giản dị
Ngay sau khi nghỉ hưu, đồng chí Trần Kiên trả lại cho Nhà nước ngôi biệt thự hai tầng ở Hà Nội và mọi chế độ ưu đãi dành cho cán bộ cấp cao để về quê sinh sống. Nhiều người còn nhớ rõ: Gia tài của cả một đời làm cán bộ theo ông về quê tất tần tật gồm: Giường, tủ, sách, vở, lọ tương cà mắm muối, chất chưa đầy một chiếc xe chở hàng hóa nhỏ. Trong đó có lẽ giá trị nhất là chiếc xe đạp được phân từ thời bao cấp. Khi về quê mặc dù Trung ương giao cho bộ phận liên quan lo xây dựng nhà ở, nhưng đồng chí Trần Kiên xin không được chấp hành vì ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, nhiều đồng chí, đồng bào còn khó khăn. Vì vậy, đồng chí chỉ xin tỉnh cấp cho một mảnh đất nhỏ ở đường Bùi Thị Xuân, thị xã Quảng Ngãi và dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để xây một ngôi nhà nhỏ để ở mà không đòi hỏi một quyền lợi nào khác. Dù đã nghỉ hưu, ông được Trung ương tin tưởng cử làm phái viên của Đảng và Chính phủ. Với kinh nghiệm thực tiễn tích lũy trong nhiều năm, sự nhiệt tình và tấm lòng yêu nước, yêu dân, ông Trần Kiên đã lặn lội đi khắp các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên để tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Bài, ảnh: P.LÝ-Đ.SƯƠNG