Thực hiện Nghị quyết 01: Động lực phát triển kinh tế biển, đảo

11:03, 22/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 01 Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 4 (khóa XIX) về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế - xã hội khu vực biển, đảo đã có nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Tỉnh ta xác định 4 trụ cột trong phát triển kinh tế biển, đảo, gồm: Xây dựng, phát triển KKT Dung Quất và các khu đô thị ven biển; phát triển mạnh nuôi trồng, chế biến sản phẩm từ biển; khai thác tài nguyên biển, vận tải biển, dịch vụ biển, cảng biển; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo mạnh về kinh tế du lịch và thủy sản...
 
Chính vì vậy, những năm qua, các đơn vị, địa phương ven biển đã thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh và Trung ương về thu hút đầu tư hạ tầng khu vực ven biển; hạ tầng phục vụ các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; hình thành và phát triển các mô hình liên kết, hợp tác khai thác hải sản xa bờ tiếp tục được nhân rộng; quy hoạch nuôi trồng thủy sản vùng đầm nước lợ và đảo Lý Sơn... 
 
Cửa biển Sa Huỳnh.                  Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cửa biển Sa Huỳnh. Ảnh: Bùi Thanh Trung
 
Giai đoạn 2016 - 2018, GRDP các huyện, thành phố ven biển và đảo tăng bình quân 2,84%/năm; hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 3%/năm;  xây dựng 3 khu neo đậu tránh trú bão, công trình hạ tầng nuôi trồng thủy sản, hàng chục nhà máy chế biến thủy sản; 24 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; GRDP bình quân đầu người đạt 2.868 USD/người, vượt kế hoạch 186 USD...
 
Khu Kinh tế Dung Quất và hạ tầng ven biển cũng đột phá với nhiều dự án kinh tế trọng điểm, các khu đô thị, công trình hạ tầng... đã và đang được triển khai thực hiện, như: Cầu Cửa Đại; đập dâng sông Trà Khúc; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, giai đoạn 2; đập ngăn mặn Bình Nguyên - Bình Phước... Một số dự án đã đi vào hoạt động, như: Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, KCN VSIP Quảng Ngãi... tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.
 
Đặc biệt, cầu Cửa Đại sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, không chỉ tạo diện mạo mới cho đô thị hướng biển, kết nối tuyến đường chiến lược Dung Quất - Sa Huỳnh, mà còn tạo động lực thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, góp phần hình thành các khu dân cư, khu đô thị ven biển, mang lại luồng gió mới cho khu vực ven biển, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “đô thị xanh, đô thị hướng biển”.
 
Lĩnh vực du lịch biển, đảo khởi sắc với nhiều chương trình, sản phẩm du lịch gắn liền với huyện Lý Sơn, biển Mỹ Khê, khu du lịch Sa Huỳnh... và một số di tích lịch sử, văn hóa phi vật thể, các lễ hội vùng ven biển, đảo... được khai thác.  Trong đó, “điểm nhấn” là kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch biển, đảo tiếp tục đầu tư hoàn thiện, phát triển. 
 
Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 01 là môi trường ven biển đã và đang được cải tạo, tạo sinh kế bền vững cho người dân trong khu vực.
Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết 01 là môi trường ven biển đã và đang được cải tạo, tạo sinh kế bền vững cho người dân trong khu vực.
 
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 01, kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, đảo đã từng bước đầu tư nâng cấp, mở rộng đồng bộ, hiện đại theo hướng gắn phát triển công nghiệp với chuỗi đô thị, dịch vụ - du lịch; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được chú trọng; quốc phòng an ninh trên biển được tăng cường; đời sống nhân dân vùng biển, đảo được cải thiện đáng kể... góp phần tạo động lực phát triển kinh tế biển, đảo nói riêng; kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung...
 
Tuy nhiên, quy mô kinh tế biển trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng; thủy sản phát triển “nóng” theo kiểu phát triển số lượng tàu, chưa gắn với bảo tồn, phát triển bền vững; nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ, manh mún; hoạt động du lịch tuy khởi sắc, nhưng hạ tầng chưa đồng bộ; ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường của cộng đồng dân cư còn nhiều hạn chế...
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển, đảo đến các tầng lớp nhân dân, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản, tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, các công ty lữ hành du lịch lớn trong và ngoài nước...
 
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phong: “Quy hoạch phải đảm bảo tính kết nối, đồng bộ giữa các khu vực ven biển”
 
Thực hiện Nghị quyết 01, dọc bờ biển trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch 3 vùng lớn, gồm: KKT Dung Quất chủ yếu phát triển cụm cảng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ; khu vực TP.Quảng Ngãi tập trung phát triển đô thị, du lịch; khu phát triển nghề cá và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Trên cơ sở đó, các KCN, KKT cũng chuyển từ phục vụ công nghiệp đặc thù (công nghiệp nặng và phụ trợ), sang phát triển kinh tế công nghiệp gắn với đô thị, du lịch và dịch vụ. Vì vậy, đã tiến hành điều chỉnh một phần diện tích quy hoạch Cảng Dung Quất 2, định hướng sau năm 2020 xây dựng KCN, đô thị gắn với dịch vụ, du lịch.
 
Để xây dựng TP.Quảng Ngãi thành đô thị hướng biển, cùng với việc hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai thực hiện một số dự án đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, Sở Xây dựng cũng phối hợp với TP.Quảng Ngãi triển khai thực hiện các quy hoạch khu, phân khu dọc tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh; Khu du lịch Mỹ Khê gắn với chuỗi đô thị du lịch, dịch vụ; Công viên trung tâm tỉnh gắn với Khu FLC, Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã... Tuy nhiên, cái khó hiện nay là một số khu vực được quy hoạch nhưng nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Do đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của từng khu vực, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Đồng thời, có hướng xử lý, thu hồi đối với một số dự án đã đăng ký đầu tư, nhưng tiến độ thực hiện chậm, hoặc không triển khai, để giao cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện...
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương: “Tăng nguồn lực đầu tư hạ tầng, tổ chức lại đội tàu và ngành nghề khai thác”
 
Thời gian qua, chúng ta tập trung phát triển đội tàu khai thác, với 5.580 chiếc tàu (tàu có chiều dài trên 15m là 3.351 chiếc), nên khai thác vượt quá trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Điều này không chỉ tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái biển, mà còn gây suy kiệt nguồn lợi hải sản. Bên cạnh đó, dù đội tàu lớn, nhưng hạ tầng nghề cá không đáp ứng yêu cầu, khi cả 6 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng các tiêu chí của cảng cá loại 1, loại 2.
 
Chính vì vậy, để khai thác tiềm năng, phát triển bền vững kinh tế biển, cần thiết phải tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản, theo hướng giảm số lượng tàu hành nghề lặn, lưới kéo; tăng đầu tư công nghệ, thiết bị phục vụ chế biến “sâu”, để nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác; tổ chức triển khai đánh giá trữ lượng nguồn lợi hải sản ở các ngư trường, tạo cơ sở để định hướng nghề cá, nhằm cân bằng giữa cường lực khai thác và nguồn lợi hải sản. Đồng thời, nhà nước cần quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng cho hạ tầng nghề cá, nhất là khu vực cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền, nhằm thúc đẩy các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển.
 
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Trần Phước Hiền: “Phát huy tốt các điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương để phát triển kinh tế, du lịch biển”
 
Thị xã Đức Phổ là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch biển, với nhiều bãi biển đẹp, hai cảng cá Sa Huỳnh và Mỹ Á, đội tàu khai thác hải sản xa bờ hùng hậu... Nhưng vì hạ tầng phục vụ chưa đáp ứng, nên kinh tế biển và du lịch chưa mang lại giá trị tương xứng. Vì vậy, thị xã Đức Phổ đã xây dựng Đề án phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030. 
 
Trong đó, xác định lợi thế của địa phương là: Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, gắn với du lịch biển. Thực hiện mục tiêu trên, kết cấu hạ tầng phải “đi trước một bước” theo hướng: Ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu; xã hội hóa công tác vận hành, khai thác, duy tu bảo dưỡng, để duy trì và phát huy hiệu quả công trình. Hiện một số địa điểm trên địa bàn thị xã Đức Phổ, như: Biển Sa Huỳnh, biển Châu Me, đầm An Khê... đã được các nhà đầu tư đặt vấn đề nghiên cứu, lập dự án đầu tư khai thác theo hướng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, quan điểm của thị xã là phát triển kinh tế, du lịch biển phải gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; gìn giữ môi trường sinh thái, góp phần tăng chất lượng cuộc sống người dân cả về lượng và chất...
 
Ông Trần Ngọc Sơn, ở phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ): “Cần cải thiện môi trường biển”
 
Môi trường biển đang bị ô nhiễm. Tình trạng hồ nuôi tôm gây ô nhiễm vùng đất cát ven biển Nam Phước đã tồn tại hơn chục năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện. Từ khi có hồ tôm, bãi cát ven biển lúc nào cũng đen ngòm do chất thải từ hồ nuôi thải ra, gây ô nhiễm môi trường biển. Người dân chúng tôi rất mong các ngành, các cấp xử lý dứt điểm tình trạng nuôi tôm gây ô nhiễm, để người dân chúng tôi được hưởng một môi trường biển trong lành như trước.
 
 
 
M.HOA - Ý THU
 (thực hiện)
 

.