(Baoquangngai.vn)- Ngay đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 90 của Đảng (3.2.1930-3.2.2020), một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc, nhân dân Việt Nam, tôi đã không cầm được lòng mình khi nghe bài “Lời nguyện từ Côn Đảo”, được phổ nhạc từ lời thơ của PGS.TS Phan Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ-Đại học Đà Nẵng. Từ đây khơi nguồn cảm xúc, tôi lật giở từng trang sử, xem lại những hình ảnh từ Côn Đảo và gặp gỡ những người tù chính trị năm xưa từng bị địch giam cầm ở “địa ngục trần gian” này…
1. Chiều ngày 3.2.2020, ngồi nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay dọc tuyến đường Hùng Vương, TP.Quảng Ngãi, các chú ở Hội Tù Yêu nước tỉnh ôn lại chuyện xưa, câu chuyện mà họ là những người trong cuộc. Đó cũng là câu chuyện không được phép quên, mà khắc ghi trong sâu thẳm trái tim, khối óc của lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam, chuyện về Côn Đảo.
Côn Đảo đã đi vào lòng người với nỗi đau khôn nguôi, day dứt tận cõi lòng. Côn Đảo là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam bởi không gì có thể khuất phục được lòng yêu nước, niềm tin yêu vào Đảng, Bác Hồ và niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam trong mỗi người chiến sĩ cộng sản.
Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Lê Quang Ba mắt nhìn xa xăm, đọc bài “Kinh nhật tụng của người chiến sĩ” của nhà thơ Khương Hữu Dụng. Lần đầu tiên tôi được nghe bài thơ này. Với những người tù chính trị năm xưa, Kinh nhật tụng như là mạch nguồn nuôi dưỡng niềm tin, sự sống, giáo dục đạo đức cách mạng sao cho xứng đáng là người chiến sĩ cách mạng dẫu thân này thịt nát xương tan.
Hình ảnh người tù bị giam cầm được phục dựng tại Nhà tù Côn Đảo |
Họ đã truyền tai nhau, hết lớp đến lớp, dường như tất cả những người tù chính trị yêu nước đều thuộc nằm lòng bài thơ này. “Lúc đầu cứ tưởng Kinh nhật tụng là thơ của Bác Hồ. Bài thơ hay quá! Mà người tù không chỉ thuộc một, hai bài thơ, mà là hàng chục, hàng trăm bài, nhiều nhất là thơ Tố Hữu nhằm củng cố, giáo dục tư tưởng. Ở trong tù, anh em học 10 bài kiến thức cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin; bài 6 tiêu chuẩn của người đảng viên, học 8 kinh nghiệm bảo vệ khí tiết của các "ngôi sao sáng" chống ly khai thắng lợi, học tài liệu vươn lên chống chào cờ…
Ngoài việc đấu tranh để giành quyền được sống, anh em quan tâm đến việc rèn luyện, giáo dục, nâng cao nhận thức về chính trị, nhất là xây dựng tinh thần quyết tâm, quyết tử, bảo vệ khí tiết. Dù có chết vẫn không khuất phục kẻ thù, vẫn hướng về Đảng, về dân tộc”, ông Lê Quang Ba nhớ lại.
Chuồng cọp ở Côn Đảo, nơi kẻ thù sử dụng những hình thức tra tấn man rợ nhất đối với những người cộng sản kiên trung |
Dù địch giam người tù ở chuồng cọp, dùng những hình thức tra tấn man rợ nhất, chia cách người tù bằng những vách tường vô cảm, nhưng vẫn không sao ngăn nổi trái tim kết nối của những người tù yêu nước mang dòng máu Việt. Chỉ những tiếng gõ qua vách phòng giam, đủ để người tù cảm nhận và thấu hiểu, cứ thế nhiệt huyết cách mạng lan truyền và giữ vững, nối tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bởi thế, người tù ở một phòng đấu tranh tuyệt thực thì liên tiếp người tù ở cả 8 phòng đều tuyệt thực… Bằng mọi hình thức, các chủ trương của tổ chức đảng đến được với những người tù yêu nước kiên trung. Bởi thế, trong ngục tối luôn có ánh sáng soi đường của Đảng.
2. Ông Lê Quang Ba 17 năm bị địch giam cầm ở Côn Đảo. Với ông, Côn Đảo là nhà, bởi đồng chí của ông đã vĩnh viễn nằm lại nơi hòn đảo thiêng này. Hằng năm, cứ đến ngày 30.4, ông lại ra Côn Đảo, đến Nghĩa trang Hàng Dương thắp hương cho đồng chí mình. Có lần, một đoàn khách tham quan người Pháp hỏi ông rằng: "Côn Đảo đúng là địa ngục trần gian. Thật khiếp sợ. Điều gì đã khiến các ông, những người cộng sản từ đầu chí cuối vẫn không khuất phục?".
“Trước hết là niềm tin cách mạng nhất định thắng lợi. Vì sao thắng lợi, vì có Đảng, có lãnh tụ sáng suốt, một Đảng luôn luôn vì quần chúng nhân dân, một Đảng đã lãnh đạo kiên cường trong kháng chiến chống Pháp. Tin nhất định trong đấu tranh chống Mỹ, chúng ta có chính nghĩa, vì độc lập, tự do của dân tộc nên nhất định thắng lợi, khó khăn gì cũng thắng lợi.
Ông Lê Quang Ba kể về hoạt động của Chi bộ Lê Hồng Phong. Trong chi bộ có 4 đồng chí quê Quảng Ngãi. |
Thứ hai là ý chí kiên cường của người đảng viên, của những chiến sĩ cách mạng, lớp này ngã xuống, lớp khác tiến lên. Thứ 3 là có tổ chức. Tổ chức luôn luôn siết chặt đội ngũ, rèn luyện, gắn bó với nhau. Có tổ chức là có sức mạnh. Tổ chức đảng thành lập ngay trong nhà tù...”, ông Lê Quang Ba trả lời dứt dạt.
Ông Lê Quang Ba kết nạp Đảng ở nhà tù Côn Đảo năm 1964, đảng viên Chi bộ Lê Hồng Phong. Ông ngậm ngùi kể, đồng chí Lê Hồng Phong bị địch tra tấn dã man, trước lúc hy sinh đã cố hết sức nói to để nhắn với các đồng chí nằm buồng bên cạnh: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Chi bộ Lê Hồng Phong-lao I nhà tù Côn Đảo (1963-1969) chỉ có 11 đảng viên, lúc thấp nhất còn 5-6 người, phải hoạt động đơn tuyến trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, thường xuyên bị cấm cố, chia cắt, nhưng mỗi đảng viên đã phát huy cao độ trách nhiệm lãnh đạo, tinh thần tự lực chiến đấu. Chi bộ đã lãnh đạo đấu tranh, xác lập vị thế chính trị bảo vệ khí tiết của tù chính trị câu lưu lao I, mỗi đảng viên trong chi bộ nguyện “Sống vì lý tưởng cách mạng, chết cũng vì lý tưởng cách mạng”.
3. Trở lại với “Lời nguyện từ Côn Đảo”, một người bạn đã cùng tôi nghe bài hát này. Cả hai rưng nước mắt. Không chỉ riêng chúng tôi mà có lẽ tất cả những ai nghe lời bài hát cũng không khỏi bùi ngùi. Điệu nhạc, lời ca nghe sao da diết, lắng đọng, đi vào lòng người một cách rất tự nhiên như chính tình yêu Tổ quốc thiêng liêng của những chiến sĩ cộng sản kiên trung vậy, để từ đó thêm yêu Tổ quốc mình, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo, cho “xứng đáng là người Việt Nam”.
“Côn Đảo là vườn ươm hào khí từ quá khứ, là nơi bộc lộ những giá trị cao đẹp của dân tộc như tình yêu thương, đức hy sinh, lòng yêu Tổ quốc… Đó cũng là nơi cho cả loài người, nếu hiểu những gì ở Côn Đảo trong 113 năm ấy, sẽ giải mã được những gì gọi là huyền thoại Việt Nam”, PGS.TS Phan Văn Hòa trải lòng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ