(Báo Quảng Ngãi)- Như lời mách bảo của trái tim, lớp trẻ tìm về với nguồn cội, nơi ghi dấu một thời oanh liệt trong lịch sử đấu tranh cách mạng. Qua từng trang sử 90 năm Đảng bộ tỉnh đã thôi thúc bước chân mỗi người, đó vừa là bài học và cũng là tình yêu, niềm tin trao truyền qua bao thế hệ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
VỀ VỚI SUỐI NGUỒN CÁCH MẠNG
Về làng Tân Hội, xã Phổ Phong (Đức Phổ), nghe các bậc cao niên kể chuyện thời kháng chiến mà cứ ngỡ như mới ngày hôm qua. Ngọn núi Xương Rồng vẫn sừng sững, như là chứng nhân cho những sự kiện lịch sử quan trọng. Tại đây, vào tháng 7.1929 đồng chí Trương Quang Trọng, Nguyễn Nghiêm và một số đồng chí đã họp để thành lập Tổ chức “Dự bị cộng sản”.
Cũng ở làng Tân Hội, Hùng Nghĩa (xã Phổ Phong), tháng 3.1930, các chi bộ chính thức ở Quảng Ngãi được thành lập. Cùng thời gian này, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập do đồng chí Nguyễn Nghiêm làm Bí thư.
Cách núi Xương Rồng không xa là địa điểm cấm Cây Cầy. Bí thư Đoàn xã Phổ Phong Lê Thị Mỹ Lộc cho biết: Thanh, thiếu niên ở địa phương vẫn thường ngồi dưới gốc cây Cầy nghe giáo dục truyền thống. Tối ngày 7.10.1930, tại cấm Cây Cầy, nhân dân xã Phổ Phong tổ chức tuần hành giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về gò Cây Thị (nay thuộc xã Phổ Nhơn) dự mít tinh, nghe Tỉnh ủy diễn thuyết, sau đó tham gia đoàn người biểu tình hơn 5.000 người đến huyện lỵ Đức Phổ chiếm huyện đường, phá nhà lao, treo cờ Đảng vào sáng ngày 8.10.1930.
Bước chân rầm rập, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng trống mõ... của đoàn người biểu tình đánh chiếm huyện đường năm xưa như vang vọng mãi. Đó là bước đi của niềm tin dưới ánh sáng soi đường của Đảng. Cụ ông Trần Thanh Liêm (86 tuổi) bảo rằng: “Chỉ một con đường duy nhất là theo Đảng làm cách mạng, dù có phải hy sinh. Noi gương cụ Nguyễn Nghiêm, lớp lớp thế hệ người dân ở Phổ Phong nói riêng và Quảng Ngãi nói chung đã anh dũng đấu tranh để quê hương được giải phóng”.
Nhân dân xã Phổ Phong tự hào rằng, tại làng Tân Hội có gia đình cụ Tuyên đã sinh ra người con ưu tú, nhà cách mạng xuất sắc Nguyễn Nghiêm. Đồng chí Nguyễn Nghiêm đã hy sinh, nhưng hình ảnh và tấm lòng vì nước, vì dân của ông thì “sống mãi với Trà giang, Bút lĩnh”. “Cách mạng Việt Nam nhất định thắng lợi”, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã hô to như vậy trên pháp trường trước lúc bị giặc Pháp sát hại.
GHI DẤU NHỮNG CHIẾN CÔNG
Tên những con suối, con sông, những ngọn núi, ngôi làng... đều đi vào trong lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương núi Ấn - sông Trà như một khúc tráng ca.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng quân và dân Quảng Ngãi đã làm nên những chiến công chói lọi. Quảng Ngãi là quê hương của Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ huyền thoại (11.3.1945). Đội du kích Ba Tơ anh hùng là tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Liên khu 5. Quảng Ngãi là nơi ra đời các đại đội 339, 89, 299 - những đơn vị đầu tiên của lực lượng vũ trang Quân khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trên mảnh đất này cũng đã diễn ra Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (1959), một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu ở Nam Trung Bộ, mở đầu cho trang sử đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang; sau đó là chiến thắng Ba Gia vang dội (31.5.1965); chiến thắng Vạn Tường lịch sử (18.8.1965)... Mùa Xuân năm 1975, quê hương núi Ấn - sông Trà được giải phóng trong niềm vui sướng tột cùng của toàn dân. Từ đây, mở ra một trang sử mới...
Rong ruổi khắp các vùng quê sưu tầm hiện vật thời kháng chiến, chị Tạ Thị Di Hà - cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trải lòng: “Mỗi hiện vật là một câu chuyện đầy cảm động và tự hào. Gắn liền với những trang sử vàng của Đảng bộ tỉnh, có cả mồ hôi, máu và nước mắt của những người con quê hương núi Ấn - sông Trà”.
“Giờ thì sướng quá rồi!”, câu nói ngắn gọn, chân quê của các bô lão ở làng Tân Hội như toát lên bao điều. Tự hào khi có Đảng và nhân dân luôn vững tin vào Đảng!
MINH ANH