(Báo Quảng Ngãi)- Luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở và ngược lại là chủ trương đúng đắn, được Đảng và Nhà nước thực hiện từ nhiều năm qua. Đây là môi trường tốt để cán bộ thể hiện bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý, nhằm đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của tổ chức. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với những cán bộ được luân chuyển, điều động nếu như không thực sự cầu thị, xây dựng được sự đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 1: Cơ hội và thách thức
Những cán bộ được cấp ủy các cấp thực hiện luân chuyển, điều động về cơ sở và ngược lại phần lớn đều là những cán bộ trong nguồn quy hoạch lâu dài. Nếu chịu khó học hỏi từ thực tiễn, lắng nghe dân, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống... thì chắc chắn sẽ trưởng thành hơn và là nguồn cán bộ chủ chốt cho các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.
|
Môi trường tốt để cán bộ rèn luyện, trưởng thành
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn tỉnh có gần 90 cán bộ được luân chuyển, điều động. Trong đó, từ tỉnh luân chuyển về huyện, thành phố 12 đồng chí; từ huyện, thành phố điều động về tỉnh 4 đồng chí; từ huyện này chuyển sang huyện khác 15 đồng chí và từ huyện, thành phố về xã, phường, thị trấn 25 đồng chí... Đồng thời, thực hiện điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với hơn 200 cán bộ.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương trong tỉnh, nhờ thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ, gắn với công tác quy hoạch, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc đã giúp cán bộ phát huy được khả năng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ (đứng giữa) kiểm tra mô hình trồng cây măng tây ở xã Đức Thắng (Mộ Đức). ẢNH: TL |
Điển hình là huyện Mộ Đức. Cuối năm 2016, khi đang giữ cương vị Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, ông Trần Văn Mẫn được tỉnh luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức. Tận dụng lợi thế của huyện thuần nông, ông Trần Văn Mẫn cùng với tập thể lãnh đạo huyện đã chủ động tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, nhằm phá thế độc canh cây lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đến nay, sau 3 năm luân chuyển về địa phương, ông Trần Văn Mẫn cùng với tập thể lãnh đạo huyện đã làm tốt công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã thu hút trên 20 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt là dự án Trang trại bò sữa Vinamilk; trồng măng tây; trồng tỏi voi Nhật Bản...
Với sự nỗ lực đó, mới đây ông Trần Văn Mẫn được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy Mộ Đức. Ông Trần Văn Mẫn chia sẻ: Kết quả đạt được của huyện trong những năm qua là thành quả chung của cả tập thể lãnh đạo huyện và sự chung tay của người dân; là minh chứng cho sự linh động, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu.
Xuống giống mô hình trồng tỏi voi Nhật Bản tại huyện Mộ Đức. Ảnh: TL |
Đối với TP.Quảng Ngãi, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thành ủy đã luân chuyển, điều động nhiều lượt cán bộ về cơ sở và ngược lại. Đến nay, những trường hợp này đều yên tâm công tác, phát huy được năng lực và ngày càng trưởng thành hơn.
“Cán bộ trưởng thành từ cơ sở là nguồn rất quan trọng để xây dựng đôi ngũ lãnh đạo nòng cốt, giữ những vị trí quan trọng ở cấp cao hơn. Bởi lẽ, khi về cơ sở công tác, những cán bộ này có cơ hội để phát triển toàn diện các mặt công tác. Trong nhiệm kỳ này cũng như những nhiệm kỳ đến, Tỉnh ủy sẽ tiếp tục kiên trì và thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở và ngược lại, theo hướng đổi mới về tư duy, cách làm, đánh giá cán bộ từ thực tế; tập trung rà soát, đánh giá những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian đến”.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh
BÙI THỊ QUỲNH VÂN
|
Không được tự mãn
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Thanh Tùng cho biết: Trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, ngoài quy định về độ tuổi (dưới 45 tuổi đối với nam và dưới 40 tuổi đối với nữ), Tỉnh ủy còn coi trọng yếu tố quá trình học tập, làm việc cũng như tính năng động, sáng tạo của từng đồng chí, để từ đó bố trí ở những vị trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường.
Tuy nhiên, sự trưởng thành của những cán bộ này phụ thuộc rất lớn vào việc tự tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong của bản thân mỗi cán bộ; không được tự mãn đối với những kết quả đạt được. Đồng thời, những cán bộ này cũng cần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; tranh thủ sự ủng hộ, tín nhiệm của nhân dân và của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nơi đến công tác. Có như vậy mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân (Bình Sơn) Ung Đình Hiền (bên trái) tiếp dân tại trụ sở. |
Chia sẻ về kinh nghiệm tạo uy tín đối với nhân dân, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân (Bình Sơn) Ung Đình Hiền cho rằng: Với tinh thần về cơ sở là để học tập, nâng cao kiến thức thực tiễn và năng lực quản lý nhà nước, tôi đã không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi những cán bộ đi trước.
Trong quá trình làm việc, tôi luôn sâu sát với cơ sở, lắng nghe ý kiến và phát huy trí tuệ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các quyết sách đưa ra đều được bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã; khi đã thống nhất ban hành thì quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Cách đây 3 năm, xã Bình Tân là địa phương mất đoàn kết nội bộ, sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính, gây bức xúc trong nhân dân; đảng bộ xã bị xếp loại yếu kém (năm 2017). Khi đó, với vai trò là Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Bình Sơn, đồng chí Ung Đình Hiền được điều động, chỉ định làm Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân và đã xốc lại tinh thần làm việc của cán bộ, đảng viên; từng bước khôi phục niềm tin của nhân dân đối với Ban Thường ủy Đảng ủy xã. Nhờ đó, đến nay xã Bình Tân đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Huyện Bình Sơn là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy luôn chú trọng việc luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và triển vọng phát triển, để qua đó rèn luyện, thử thách, đào tạo cán bộ qua thực tiễn, nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo cho huyện.
Trong số 14 đồng chí luân chuyển về cơ sở từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thì có 12 đồng chí dưới 40 tuổi và 2 đồng chí dưới 35 tuổi. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kịp thời điều chỉnh những hạn chế, khuyết điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhìn chung, phần lớn cán bộ được cấp ủy các cấp trong tỉnh luân chuyển, điều động về cơ sở và ngược lại trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đều phát huy được năng lực, sở trường, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ... Các đồng chí đã tạo được niềm tin đối với nhân dân, với cấp ủy các cấp và ngày càng trưởng thành hơn, xứng đáng là nguồn cán bộ kế cận cho các cấp.
Bài, ảnh: ĐỨC DUY
*Kỳ cuối: Bài học kinh nghiệm trong công tác luân chuyển cán bộ