Luân chuyển cán bộ trẻ tuổi: Từ chủ trương đến thực tiễn (kỳ 3)

08:04, 28/04/2017
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ 3: Nguồn cán bộ trẻ cho miền núi - Khó trăm bề


(Báo Quảng Ngãi)- Luân chuyển cán bộ nói chung, cán bộ trẻ nói riêng không những giúp cán bộ rèn luyện, thử thách mà còn từng bước xóa bỏ sự "cục bộ, khép kín" cán bộ trong từng đơn vị, địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở. Tuy nhiên, Quyết định 379 của Tỉnh ủy quy định những tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra đối với cán bộ trẻ dưới 35 tuổi phải có trình độ chuyên môn đại học chính quy trở lên đang là “rào cản” cho các huyện miền núi...

Đỏ mắt tìm nguồn...

Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi cá lồng bè tại lòng hồ Nước Trong, Bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh (Tây Trà) Đinh Thế Hùng cho biết, đây là mô hình thử nghiệm, nếu thành công sẽ nhân rộng cho nhiều hộ dân tham gia. Mô hình này do một cán bộ trẻ đề xuất và được đảng ủy xã cho triển khai.

Đồng chí Đinh Xuân Hòa (SN 1983) (thứ 2 bên phải) - Bí thư Đảng ủy xã Ba Giang là một trong những cấp ủy trẻ của huyện Ba Tơ (nhiệm kỳ 2015 -2020), thăm hỏi đời sống người dân thôn Ba Nhà.
Đồng chí Đinh Xuân Hòa (SN 1983) (thứ 2 bên phải) - Bí thư Đảng ủy xã Ba Giang là một trong những cấp ủy trẻ của huyện Ba Tơ (nhiệm kỳ 2015 -2020), thăm hỏi đời sống người dân thôn Ba Nhà.

Theo đồng chí Đinh Thế Hùng, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở miền núi, ngoài các chính sách đối với xã nghèo, cũng cần những ý tưởng, sáng kiến hay của cán bộ trẻ, bởi họ được đào tạo bài bản, tiếp cận nhanh với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Do đó, chúng ta cần tạo điều kiện để triển khai thì họ mới mạnh dạn hiến kế. Với suy nghĩ đó, lãnh đạo xã đã xây dựng được một số mô hình kinh tế khá hiệu quả như trồng chuối, ổi... giúp nhiều hộ đồng bào Cor tiếp cận với phương thức sản xuất mới, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là, phần lớn cán bộ chủ chốt cấp xã ở miền núi trong tỉnh chưa có trình độ đại học, họ nhiệt tình, làm tốt nhiệm vụ chuyên môn thì cũng "gặp khó" khi luân chuyển do vướng quy định, trong khi để đào tạo được một cán bộ trẻ cho miền núi là điều không phải dễ. Như ở Tây Trà, trong số 50 cán bộ chủ chốt cấp xã thì chỉ 33 đồng chí có trình độ đại học và đang học đại học (đại học chính quy đa số là Phó Chủ tịch thuộc Dự án 600). Đây cũng là thực trạng chung ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Tây Trà là huyện vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh, với 98% là đồng bào dân tộc thiểu số; kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 75% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Bí thư Huyện ủy Phạm Xuân Vinh, cho biết: Một trong những khó khăn hiện nay của huyện, vẫn là công tác cán bộ. Nguyên nhân do một thời gian dài, huyện chưa quan tâm đúng mức đến công tác cán bộ, nhất là khâu tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho cấp xã. Đến thời điểm này, vẫn còn một số cán bộ chưa đủ chuẩn theo quy định, trong khi đó số cán bộ trẻ mới được tuyển dụng thì chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác.

Một thực tế nữa là, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giữa huyện và xã không tương xứng, cán bộ nguồn tại chỗ hầu như không có, cán bộ cơ sở phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn để có thể thực hiện luân chuyển lên – xuống giữa huyện và xã. Từ năm 2008 đến nay, chỉ luân chuyển 7 đồng chí là trưởng, phó các phòng ban của huyện về xã, trong đó có 4 đồng chí dưới 35 tuổi (tại thời điểm luân chuyển) và chỉ có 2 cán bộ cấp xã chuyển lên huyện.

Sau bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 -2021, các xã ở miền núi trong tỉnh đã thực hiện Luật Chính quyền địa phương và hiện nay, các chức danh chủ chốt đều được kiện toàn. Do đó, nếu luân chuyển cán bộ thì sẽ có nhiều trường hợp phải “điều đi", nhưng huyện điều xuống thì được, nhưng điều từ cơ sở lên huyện thì đang gặp khó, do đa phần cán bộ chủ chốt của xã không đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, cán bộ trẻ càng khó để bố trí, nhiều đồng chí chưa để lại dấu ấn nổi trội trong quá trình công tác... Mặt khác, ngay ở cấp huyện, việc lựa chọn những cán bộ trẻ có năng lực thực sự để đào tạo, bồi dưỡng, giao việc nhằm tạo nguồn cán bộ kế cận đã là một việc không đơn giản.

Đâu là giải pháp?

Thực hiện Quyết định 379 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Tây Trà đã cụ thể hóa thành Quyết định 479 “về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ”. Ban Thường vụ Huyện ủy xác định, sẽ tạo đột phá từ việc luân chuyển cán bộ trẻ trong thời gian tới. Trước mắt, trong Quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2020 -2025 có đến 18/55 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Ban Thường vụ có 4/15 đồng chí là cán bộ trẻ dưới 35 tuổi.

 Mô hình nuôi cá lồng ở xã Trà Xinh.                                             ảnh: T.T
Mô hình nuôi cá lồng ở xã Trà Xinh. ảnh: T.T


Qua rà soát, toàn huyện hiện có 11 cán bộ là trưởng, phó các phòng ban của huyện và 29 cán bộ hiện đang giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp xã dưới 35 tuổi. Huyện còn khuyết gần 20 cấp phó, trưởng các phòng ban và sẽ kiện toàn trong thời gian đến. Tuy nhiên, chủ trương của huyện là sẽ đưa tất cả các đồng chí dự kiến bổ nhiệm cấp phó, trưởng các phòng về tăng cường cho cơ sở trong khoảng thời gian 2 - 3 năm. Cán bộ tăng cường vẫn được hưởng lương và các chế độ khác như đang công tác ở huyện. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục rà soát lại đội ngũ chuyên viên, cán sự đủ tiêu chuẩn theo quy định cho đi đào tạo và đưa vào diện quy hoạch; có chính sách để thu hút sinh viên khá, giỏi tại các trường đại học, tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng cho những nhiệm kỳ tiếp theo.

Ba Tơ cũng là một trong những địa phương mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ trong hệ thống chính trị các cấp. Nhiều tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, sau đại hội Đảng vừa qua, số lượng cán bộ trẻ trong cấp ủy chiếm tỷ lệ khá cao, nhiều đồng chí được tin tưởng cơ cấu các chức danh chủ chốt khi mới ngoài 30 tuổi. Các xã Ba Dinh, Ba Giang, Ba Chùa, Ba Cung... các chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư trực đảng, chủ tịch UBND xã đều là cán bộ sinh sau năm 1980. Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Võ Thanh An, cho biết: Trong nhiệm kỳ này, tỷ lệ cán bộ trẻ, nhất là ở cấp xã rất được quan tâm. Đây là nguồn cán bộ kế cận cho huyện trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, về tiêu chuẩn trình độ thì vẫn còn nhiều đồng chí chưa đạt yêu cầu.

Trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, giai đoạn 2020 – 2025 có 17/60 đồng chí dưới 35 tuổi, nhưng chỉ có 7 người tốt nghiệp đại học chính quy. Đối chiếu với Quyết định 379 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì Ba Tơ vẫn có nguồn cán bộ. Tuy nhiên, để việc luân chuyển thuận lợi thì cần tăng biên chế cho cấp huyện để thực hiện. Cùng với đó, Trung ương nên bổ sung các quy định phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ. Cụ thể là, nên thống nhất cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cấp xã. Nói cách khác, cấp trên nên giao tổng biên chế của huyện và xã cho huyện để quản lý. Như vậy công tác luân chuyển sẽ dễ dàng, chủ động hơn trong việc bù đổi (nhất là luân chuyển từ xã lên huyện).

Với cách làm và tư duy sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ấy sẽ giúp cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tạo được nguồn cán bộ trẻ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị  ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực tế dù ban hành chưa lâu, song có thể nói Quyết định 379 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  đã tạo ra luồng sinh khí mới cho các địa phương. Quyết định này khá thuận lợi khi thực hiện luân chuyển cán bộ tỉnh về huyện và ngược lại; nhưng gặp khó khi luân chuyển cán bộ huyện về xã và ngược lại. Thiết nghĩ, tỉnh cần nghiên cứu, có “cơ chế” riêng để các địa phương ở miền núi chủ động trong việc đưa cán bộ về cơ sở để rèn luyện.


Thanh Thuận – Bá Sơn


 


.