Vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh: Ưu tiên giảm nghèo bền vững

02:10, 19/10/2019
.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ.
(Báo Quảng Ngãi)- Trước thềm Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ngãi lần thứ III - năm 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi về việc thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào DTTS của tỉnh trong những năm qua và những giải pháp quan trọng nhằm phát triển bền vững cho vùng này trong thời gian đến.
TIN LIÊN QUAN

PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào DTTS của tỉnh trong thời gian qua?

Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Kết luận số 31 tiếp tục khẳng định chủ trương, biện pháp lớn của tỉnh trong giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS, các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt là đổi mới phương thức tổ chức thực hiện. Đến thời điểm này, vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt được một số kết quả hết sức quan trọng. Bình quân tăng trưởng đạt 10%/năm; hiện đã có 7 xã được công nhận là xã nông thôn mới; 98,7% hộ gia đình có điện lưới quốc gia; 91% hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ gia đình đồng bào DTTS có thẻ BHYT...

Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đã thực hiện công tác giảm nghèo ở vùng miền núi, đồng bào DTTS đạt bình quân 5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 so với năm 2015 tăng lên 1,6 lần. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa từng bước được đầu tư. Diện mạo nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, công tác giáo dục miền núi có nhiều đổi mới; mô hình trường bán trú tập trung được tăng cường, con em người đồng bào DTTS đến trường học tập trong điều kiện tốt hơn, học sinh bỏ học giảm hẳn.
Sản phẩm quế Trà Bồng trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Quảng Ngãi - năm 2018.
Sản phẩm quế Trà Bồng trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu tỉnh Quảng Ngãi - năm 2018.

PV: Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp gì để đưa miền núi Quảng Ngãi phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, thưa đồng chí?

Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ:  Mục tiêu xuyên suốt mà các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm là ưu tiên cho các giải pháp giảm nghèo bền vững, tiến tới khá, giàu; nông thôn miền núi giàu đẹp, văn minh; gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống; tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Trước mắt sẽ ưu tiên hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các huyện miền núi thực sự trong sạch, vững mạnh. Cán bộ không những có tâm mà còn phải có kiến thức, chịu khó đi cơ sở nghe nhân dân và nói cho nhân dân nghe. Vì thực tế hiện nay, trình độ dân trí miền núi còn nhiều hạn chế. Một giải pháp cực kỳ quan trọng nữa là, kiên trì nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề; kiên trì công tác truyền thông làm sao cho tất cả đồng bào DTTS được quyền tiếp cận thông tin, bình đẳng với vùng miền khác.

PV: Thưa đồng chí, công tác giáo dục - đào tạo và truyền thông có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển bền vững ở vùng đồng bào DTTS của Quảng Ngãi hiện nay?

Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ:  Giáo dục, đào tạo, dạy nghề và cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin là giải pháp căn cơ nhất để nâng cao dân trí, làm cho người dân biết, nắm bắt và xác định hướng đi trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Truyền thông và giáo dục - đào tạo phải được ưu tiên hàng đầu.

Giáo dục miền núi sắp tới cần tiếp tục ưu tiên phát triển mô hình trường học bán trú tập trung, trước mắt là hai cấp tiểu học, THCS, gắn với đó là tổ chức lại hệ thống trường lớp hợp lý, tránh dàn trải. Còn truyền thông thì ngoài truyền hình, cần tập trung hệ thống phát thanh và các loại hình báo chí. Trong đó, đặc biệt quan tâm truyền thông giáo dục cho người dân tự phòng ngừa bệnh tật, xây dựng nhà cửa hợp vệ sinh. Đồng thời, truyền thông giáo dục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các mô hình du lịch; bài trừ mê tín dị đoan, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 

Kinh tế mũi nhọn là nông - lâm nghiệp

Miền núi vẫn xác định kinh tế mũi nhọn là nông - lâm nghiệp. Sắp tới, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển trang trại, HTX. Mỗi địa phương có sản phẩm đặc trưng, đầu tư để trở thành sản phẩm hàng hóa. Đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất để người dân an tâm giữ và chăm sóc rừng. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, xóa dần khoảng cách giữa vùng đồng bằng và miền núi; đưa thành tựu tăng trưởng đến với từng gia đình ở vùng đồng bào DTTS trong thời gian sớm nhất.

THANH NHỊ (thực hiện)

 


.