"Đòn bẩy" trong công tác giảm nghèo

10:04, 22/04/2019
.
(Baquangngai.vn)- Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, Đề án thí điểm “Chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát  nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Sơn Tây và Tây Trà bước đầu đã mang hiệu quả thiết thực, tạo ‘đòn bẫy’ giúp các  hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm để tạo lập đời sống ổn định cho chính gia đình mình.
Khuyến khích ý chí vươn lên thoát nghèo
 
Đề án thực hiện thí điểm “Chính sách khuyến khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững” (Đề án) theo Quyết định số 536/QĐ-UBND ngày 2.8.2017 của UBND tỉnh được triển khai tại 2 huyện miền núi Sơn Tây và Tây Trà từ đầu năm 2018. 
 
Mục tiêu của Đề án là tạo động lực cho hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo vền vững, từng bước xóa bỏ dần tình trạng người nghèo không chủ động tăng gia, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập cho gia đình để tự vươn lên thoát nghèo bền vững và tình trạng hộ nghèo không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
 
Qua 1 năm triển khai thực hiện Đề án, toàn huyện Sơn Tây có trên 2.000 hộ nghèo đăng ký tham gia với nhiều phương án sản xuất, kinh doanh được các hộ đăng ký thực hiện là trồng keo, trồng mì, trồng chuối, chăn nuôi bò, nuôi heo địa phương,… để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. 
 
Sau khi đăng ký tham gia thực hiện Đề án, cùng với sự hỗ trợ tuyền truyền, vận động của chính quyền địa phương, các hộ dân đã dần dần thay đổi nhận thức phát triển sản xuất, biết tính toán kinh doanh để tạo ra nhiều sản phẩm tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo.
 
Qua rà soát của huyện miền núi Sơn Tây, đến cuối năm 2018, các hộ nghèo đăng ký tham gia thực hiện Đề án, thu nhập bình quân của mỗi hộ đều tăng. Đồng thời, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ khác, Đề án cũng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 49,48% (đầu năm 2018), giảm xuống còn 43,31% (cuối năm 2018), góp phần hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018.
 
“Cái được lớn nhất của Đề án khi triển khai trên địa bàn huyện nói chung và địa bàn xã Sơn Mùa nói riêng là nhận thức của người dân về giảm nghèo có chuyển biến tích cực. Những hộ nghèo nhận ra được việc mình đang làm là để giúp chính gia đình mình vượt qua khó khăn chứ không thể thụ động chờ sự hỗ trợ của Nhà nước mãi được”- ông Hà Phải, Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa chia sẻ. 
 
Đề án được triển khai góp phần giúp người dân dần dần thay đổi nhận thức, tự giác phát triển kinh tế để giảm nghèo
Đề án được triển khai góp phần giúp người dân dần dần thay đổi nhận thức, tự giác phát triển kinh tế để giảm nghèo
 
Tại huyện miền núi Tây Trà, sau khi Đề án được triển khai, đã có 2.706 hộ/3.130 hộ nghèo của huyện đăng ký tham gia. “Qua 1 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm thêm 0,94%. Cuối năm 2018, số hộ nghèo đăng ký tham gia Đề án được thoát nghèo là 44 hộ, trong tổng số 312 hộ thoát nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2018 còn 64,15%”-  ông Đỗ Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Đỗ Đình Phương cho rằng, khi đăng ký thực hiện chính sách, thay vì trong chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, thì  người nghèo sẽ là một “chủ thể của giảm nghèo”. Các hộ nghèo nhận thức được việc lao động, sản xuất mới tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận hộ nghèo đã dần dần được cải thiện.
 
Đặc biệt, từ những chính sách khuyến khích, hỗ trợ, biểu dương các hộ vươn lên thoát nghèo,.. của Đề án đã tạo động lực để các hộ nghèo trên địa bàn huyện không ngừng nỗ lực vươn lên và không ít hộ dân đã chủ động đăng ký thoát nghèo.
 
Tiếp tục thí điểm để đánh giá rõ hơn
 
Qua hơn 1 năm triển khai thí điểm, cùng với những hiệu ứng tính cực mang lại thì việc thực hiện Đề án thực tế tại huyện Sơn Tây và Tây Trà cũng bộc lộ những tồn tại, khó khăn.  
 
Phần lớn hộ nghèo chưa tự giác, tự nguyện đăng ký tham gia Đề án. Việc tham gia của các hộ còn mang tính ràng buộc, nên không ít  hộ khi tham gia Đề án chưa tích cực lao động, sản xuất. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Tây Trà, trong năm 2018, số hộ nghèo tích cực lao động sản xuất, tăng thu nhập sau đăng ký tham gia Đề án chỉ có 515 hộ/2.706 hộ. Trong khi đó, có 235 hộ nghèo/2.706 hộ không tích cực sản xuất khi tham gia đề án. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Đỗ Đình Phương cho biết: Theo quy định của Đề án, trong quá trình thực hiện phải vận động tất cả các hộ nghèo (trừ các hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) tham gia thực hiện Đề án. Đồng thời, mỗi hộ nghèo khi đăng ký tham gia phải xây dựng kế hoạch hoặc phương án sản xuất kinh doanh được UBND xã thẩm định. Song cái khó là, hầu hết hộ nghèo có trình độ văn hóa thấp, lúng túng trong việc xác định thế mạnh về thực lực của hộ để định hướng nội dung sản xuất, tạo sản phẩm, tăng thu nhập. Do vậy, trong quá trình thực hiện nội dung phương án sản xuất của hộ nghèo còn sơ sài, tính hiệu quả chưa cao.
 
"Trong quá trình vận động hộ nghèo tham gia Đề án, nên tập trung vào số hộ có ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo nhưng còn khó khăn về nguồn lực, kiến thức sản xuất kinh doanh,… Bởi như vậy, một mặt sẽ tập trung được trong khâu hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh theo chủ hộ, có thời gian để cán bộ làm công tác giảm nghèo bám sát hộ; mặt khác giúp cho chính quyền địa phương tập trung các nguồn lực từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình hỗ trợ khác hỗ trợ có trọng điểm để giúp hộ nghèo sớm thoát nghèo bền vững”- ông Phương bày tỏ.
 
Cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai Đề án để góp phần tạo đòn bẩy giúp người dân vùng cao thoát nghèo bền vững
Cần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai Đề án để góp phần tạo 'đòn bẩy' giúp người dân vùng cao thoát nghèo bền vững
 
Với những kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn phát sinh trong thực tế thực hiện Đề án thí điểm, tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Đề án sau 1 năm triển khai,  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho rằng, việc xác định hiệu quả Đề án để nhân rộng trên địa bàn 6 huyện miền núi là chưa đảm bảo cơ sở. Vì vậy, trước mắt nên tiếp tục thực hiện Đề án trên địa bàn 2 huyện Sơn Tây và Tây Trà trong năm 2019 để từ đó có phân tích, đánh giá rõ hơn về hiệu quả của Đề án.
 
Đồng thời, để chính sách khuyến khích thoát nghèo đạt hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Thường trực HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
 
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị, năm 2019, không lấy tất cả các hộ nghèo đăng ký tham gia để thực hiện đầy đủ các bước theo quy định như Đề án năm 2018, mà chỉ lựa chọn từ 25- 30% trong số hộ nghèo đăng ký có quyết tâm cao và có điều kiện hơn về sản xuất, kinh doanh để thực hiện các bước, quy trình thực hiện Đề án, nhằm đảm bảo việc thi đua sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều sản phẩm giữa các hộ có chất lượng và việc theo dõi, hướng dẫn hộ nghèo ghi thu, chi của cán bộ xã, huyện đối với từng hộ được thường xuyên, chu đáo.
 
Quy định thêm điều kiện hộ tham gia Đề án đến cuối năm có mức thu nhập bình quân tối thiểu từ 20 triệu đồng/người/năm trở lên theo tiêu chí mức thu nhập bình quân đầu người chương trình xây dựng NTM đối với xã nông thôn miền núi, mới được lựa chọn thụ hưởng chính sách quy định của Đề án.
 
Bởi, bình quân thu nhập của hộ nghèo hưởng được chính sách quy định của năm 2018 chưa cao nên cần quy định mức sàn để kích thích hộ nghèo tích cực hơn trong lao động sản xuất tăng thu nhập. Bên cạnh đó, mức thu nhập bình quân của hộ nghèo trên địa bàn các xã khác nhau nên thực tế xảy ra trường hợp hộ nghèo trên địa bàn xã này có mức thu nhập thấp hơn hộ nghèo trên địa bàn xã khác nhưng lại được hưởng chính sách của Đề án.
 
Cùng với đó, năm 2019, không lấy mức thu nhập của hộ như năm 2018, mà lấy mức thu nhập bình quân đầu người của hộ để lựa chọn hộ có thu nhập bình quân cao nhất được thụ hưởng Đề án, nhằm khắc phục điểm bất hợp lý về thu nhập giữa các hộ có quy mô số khẩu khác nhau…
 
H.P

.