*Kỳ 2: Phát huy vai trò của người đứng đầu
(Báo Quảng Ngãi)- Đúc kết từ thực tiễn kể từ ngày Đảng ta ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Người lãnh đạo phải hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân; hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân...; phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bài học trên có ý nghĩa hết sức quý báu đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý khi Đảng ta đang tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện chuyên đề học Bác năm 2019: “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân, theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Nghe dân nói, làm dân tin
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Tấn Phùng, ở thôn Trung An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) rất phấn khởi khi đơn khiếu nại của anh đã được Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư trực tiếp nhận và chỉ đạo giải quyết. Theo hồ sơ, gia đình anh Phùng có diện tích 147m2 đất nằm trong dự án Hoàng Thịnh Đạt, nhưng ông Nguyễn Lai Chung ở cùng thôn lại kê khai và nhận bồi thường, hỗ trợ với số tiền 15.435.000 đồng.
Khi phát hiện, anh Phùng đến gặp ông Chung đề nghị trả cho anh 1/2 số tiền trên, nhưng ông Chung không chấp nhận, nên anh Phùng khiếu nại lên xã, nhưng cũng không được giải quyết thỏa đáng, buộc anh Phùng phải gửi đơn lên huyện.
“Chưa đầy một tháng kể từ ngày gửi đơn, tôi được cơ quan chức năng gọi lên nhận số tiền 7,7 triệu đồng. Điều đó cho thấy, Bí thư Huyện ủy biết lắng nghe dân, nói luôn đi đôi với làm”, ông Phùng bộc bạch.
Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư kiểm tra việc làm đường giao thông nông thôn ở xã Bình Long. |
Bí thư Đảng ủy xã Bình Thạnh Nguyễn Duy Khắc cho biết: Vụ việc tuy nhỏ, nhưng qua rà soát hồ sơ thì nhận thấy có sự thiếu sót của một bộ phận cán bộ xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Dung Quất. Vì thế, hai cơ quan này phải chịu trách nhiệm chi trả số tiền trên cho anh Phùng, đồng thời có trách nhiệm thu hồi số tiền đã chi cho ông Chung.
Đây cũng là một trong những kết quả của việc triển khai mô hình "Nghe dân nói, nói dân tin", được Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Sơn cụ thể hóa từ Quy định 11-QĐi/TW, ngày 18.2.2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Không chỉ ở huyện Bình Sơn, mà nhiều cấp ủy trong tỉnh cũng triển khai và thực hiện hiệu quả Quy định 11 của Bộ Chính trị. Cụ thể hóa quy định này, Đảng ủy phường Quảng Phú đã thực hiện mô hình "Ngày lắng nghe dân nói" từ tháng 4.2019, thực hiện ở tất cả các tổ dân phố.
Theo đó, vào thứ 5 hằng tuần, 15 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ phường được phân công luân phiên trực tiếp xuống tổ dân phố để nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, thông qua hình thức đến từng nhà dân, hoặc tổ chức họp để nghe ý kiến của người dân.
Bí thư Đảng ủy phường Quảng Phú Nguyễn Tấn Ngọc cho biết: Trước đây, nhiều vấn đề bức xúc ở địa phương được người dân phản ánh lên cấp trên, nhưng cấp ủy địa phương không nắm được. Nhưng từ khi triển khai mô hình này, Đảng ủy phường đã nắm được những bức xúc của dân, nên kịp thời chỉ đạo giải quyết, hoặc kiến nghị lên cấp trên giải quyết, tạo được niềm tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ phường.
“Trong 4 tháng triển khai mô hình "Ngày lắng nghe dân nói", Đảng ủy phường đã ghi nhận 61 ý kiến và đã giải quyết 52 ý kiến, còn lại 9 ý kiến vượt thẩm quyền, nên phường gửi văn bản kiến nghị cấp trên giải quyết”. Bí thư Đảng ủy phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi NGUYỄN TẤN NGỌC |
Cán bộ là gốc của mọi công việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Do đó, để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo là rất quan trọng. Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho rằng, kinh nghiệm tại huyện Bình Sơn cho thấy, người đứng đầu luôn công tâm, khách quan, minh bạch trong mọi công việc thì luôn được tập thể ủng hộ.
"Ban Thường vụ Huyện ủy kiên quyết không để một cá nhân nào vì lợi ích riêng mà đi ngược lại lợi ích chung của địa phương. Đồng thời, luôn đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ và tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng", bà Hà Thị Anh Thư nhấn mạnh.
Từ năm 2017 đến nay, huyện Bình Sơn đã thành lập 11 tổ công tác (do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm tổ trưởng), với tên gọi "Hướng về cơ sở - Rèn luyện cán bộ" để giúp các địa phương. Theo bà Hà Thị Anh Thư, chỉ có đi cơ sở, có va chạm thực tiễn cuộc sống thì mới tạo nên cán bộ giỏi, có tinh thần trách nhiệm với dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, bố trí cán bộ sau này.
Là người tham gia và trực tiếp chỉ đạo 3/11 tổ công tác về cơ sở, Phó Chủ tịch HĐND huyện Võ Thám cho rằng, cán bộ địa phương nào có năng lực và nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân thì ở đó phong trào luôn mạnh.
Điển hình là xã Bình Tân, cách đây vài năm, nhiều phong trào ở địa phương không triển khai được, nhưng khi thay đổi cán bộ chủ chốt thì vận động được nhân dân hiến đất và đóng góp trên 1 tỷ đồng để làm đường bê tông nông thôn, thủy lợi; gần 100 hồ sơ đất đai tồn đọng cũng được giải quyết...
"Mỗi tổ về cơ sở là 8 tháng, nhưng có địa phương tổ phải xin gia hạn thêm thời gian. Như ở Bình Hiệp, xã thu tiền của dân cách đây hơn 10 năm nhưng lại không bố trí đất ở cho dân, khiến dân bức xúc. Vì thế, tổ công tác phải ở lại thêm 3 tháng giúp địa phương quy hoạch khu dân cư mới để cấp đất cho dân...", ông Thám cho biết thêm.
Với Đảng bộ huyện Đức Phổ, bên cạnh đổi mới phương thức lãnh đạo, huyện còn duy trì việc đối thoại trực tiếp giữa bí thư cấp ủy với nhân dân. Cũng nhờ đối thoại mà bà Lê Thị Nghề, ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh (Đức Phổ) và một số hộ khác được bố trí đất ở cao ráo, không còn sợ ngập lụt vào mùa mưa.
"Thông qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại của bí thư cấp ủy đã góp phần mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để người dân được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng", Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý cho biết.
Cùng với đó, Đảng bộ huyện Đức Phổ còn tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ của huyện "vừa chuyên, vừa hồng". Từ năm 2016 đến nay, huyện Đức Phổ đã kỷ luật, cách chức 3 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ quản lý.
Cho thôi giữ chức và chuyển công tác khác 15 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý... Chính sự kiên quyết đó đã tạo được niềm tin trong nhân dân. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, được Bác Hồ căn dặn trong Di chúc của Người.
Kim chỉ nam trong xây dựng chỉnh đốn Đảng Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Trong xây dựng Đảng, Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh đến chữ “Thật”. Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Chỉ là một đoạn viết ngắn trong Di chúc, nhưng đó là sự đúc kết quý báu trong tư tưởng và lý luận về Đảng cầm quyền của Bác Hồ, đến nay vẫn luôn là kim chỉ nam trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. |
Kỳ cuối: Quyết tâm thực hiện di nguyện của Người