Vai trò của thôn, tổ dân phố: Cần có cách nhìn mới (kỳ cuối)

10:08, 20/08/2019
.
*Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng hoạt động của thôn, tổ dân phố

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đời sống dân trí và kinh tế của người dân đã được nâng lên; việc tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân cũng thuận lợi hơn. Do đó, các thôn, TDP cần thay đổi nội dung, phương thức hoạt động để theo kịp với yêu cầu phát triển đó.

Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý cho rằng: Hiện nay, việc lựa chọn nhân sự trưởng thôn, tổ trưởng TDP dựa vào tiêu chí uy tín, sự nhiệt tình là chưa đủ, mà đòi hỏi phải có năng lực và trình độ thật sự, nhất là những địa bàn có trình độ dân trí cao.
TIN LIÊN QUAN


Cần chuẩn hóa đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố

Theo đề án sắp xếp, sáp nhập, kiện toàn tổ chức thôn, TDP, trên địa bàn tỉnh có 4.298 người hoạt động không chuyên trách (gồm: 1.136 bí thư chi bộ, 1.128 trưởng thôn, tổ trưởng TDP; 1.129 Trưởng ban công tác Mặt trận, 905 công an viên thôn; và 4.580 người là trưởng các chi hội, bí thư đoàn thanh niên thôn, TDP. Trong đó, số người có trình độ chuyên môn thạc sĩ 1 người (chiếm 0,22%), đại học 181 người (4,2%), cao đẳng 65 người (1,5%), trung cấp 542 người (12,61%) và chưa đào tạo 3.509 người (81,64%). Về lý luận chính trị, có 56 người có trình độ cao cấp và cử nhân (1,3%), trung cấp 305 người (1,5%), sơ cấp 1.057 người (24,59%) và chưa qua đào tạo 2.880 người (67,01%).
 Trưởng thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) Nguyễn Liêm (đầu tiên, bên trái) từ bỏ công việc có thu nhập ổn định ở KKT Dung Quất để gắn bó với công tác ở địa phương.                                                                                                                   ẢNH: T.Thuận
Trưởng thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) Nguyễn Liêm (đầu tiên, bên trái) từ bỏ công việc có thu nhập ổn định ở KKT Dung Quất để gắn bó với công tác ở địa phương. ẢNH: T.Thuận
Từ số liệu đó cho thấy, các trưởng thôn, tổ trưởng TDP và bộ phận không chuyên trách khác... ở các thôn, TDP trên địa bàn tỉnh phần lớn đều làm việc theo kiểu kinh nghiệm và sự uy tín là chính. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. “Việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho trưởng thôn, tổ trưởng TDP là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay, cần ưu tiên  những người trẻ tuổi. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn đối với trưởng thôn, tổ trưởng TDP về đạo đức, uy tín và năng lực công tác. Xây dựng bộ quy chuẩn đánh giá hoạt động để làm cơ sở cho công tác quản lý những cán bộ này”, Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý đề xuất.

Thực tế cho thấy, ở những nơi cán bộ thôn, TDP được đào tạo bài bản, thì việc thực hiện các chỉ tiêu được giao đều đơn giản. Điển hình là anh Nguyễn Liêm, tốt nghiệp Đại học Hàng hải TP.HCM, tuy tuổi đời còn trẻ, nhưng anh được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) vào năm 2016. Ngay sau đó, anh Liêm đã phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ để giải quyết ngay bài toán khó về "rác thải - nước sạch - đường bê tông nông thôn" cho người dân. Chỉ hơn 2 năm nhận nhiệm vụ, anh Liêm đã vận động hơn 3,4 tỷ đồng để thực hiện các phần việc trên, từ nguồn đóng góp của nhân dân. Bí thư Chi bộ thôn Lạc Hạ, xã Long Sơn (Minh Long) Đinh Văn Hùng (31 tuổi), Bí thư Chi bộ thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) Đinh Văn Toàn (34 tuổi)... cũng là những tấm gương điển hình trong lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động trên địa bàn khu dân cư.

"Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch khắc phục tình trạng trưởng thôn, tổ trưởng TDP không phải là đảng viên. Đến nay, có gần 87% trưởng thôn, tổ trưởng TDP là đảng viên và dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đạt 100%. Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình bí thư, phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng TDP, hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận và mô hình 100% thôn, TDP có chi bộ. Thời gian đến, chi ủy, chi bộ các thôn, TDP tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ thôn, TDP biết lắng nghe ý kiến của người dân, dân chủ trong mọi hoạt động; phát huy tối đa vai trò của MTTQ và các hội, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Phản ánh kịp thời những kiến nghị của người dân đến các cấp chính quyền, coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm xây dựng chính quyền, tổ chức cơ sở đảng vững mạnh".

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BÙI THỊ QUỲNH VÂN

Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động

Việc tổ chức họp thôn, TDP hiện nay không còn cảnh “đánh kẻng” để mời người dân tham dự, hoặc tập trung vào hội trường để nghe đọc báo cáo rồi giơ tay biểu quyết, mà thay vào đó là vận dụng công nghệ thông tin để triển khai các công việc của thôn, TDP. Một số nơi, khi có công việc phải lấy ý kiến người dân thì sử dụng hình thức phát phiếu và thu phiếu để làm cơ sở quyết định. Đồng thời, để thu hút người dân tham gia sinh hoạt, một số thôn, TDP họp triển khai công tác kết hợp với việc mời báo cáo viên cấp xã, huyện về thông tin một số vấn đề thời sự trong và ngoài nước. “Sự đổi mới này không phải thôn, TDP nào cũng thực hiện được, nên cấp ủy các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác này”, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chỉ đạo.

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Bình Long (Bình Sơn) Phạm Văn Thu cho biết: Ngoài việc phân công cấp ủy viên về tham gia sinh hoạt ở khu dân cư, Đảng ủy xã còn chỉ đạo 6/6 chi bộ phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình; đồng thời thực hiện mô hình "Mỗi đảng viên vận động 2 hộ gia đình đi dự sinh hoạt khu dân cư". Nhờ đó đã thu hút nhiều người dân tham gia các cuộc họp ở khu dân cư. Được biết, xã Bình Long có 6/6 thôn có bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận; 4/6 trưởng thôn là đảng viên, đều là cán bộ trẻ. Đảng ủy xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cũng lãnh đạo thực hiện thành công việc đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt đối với các thôn trên địa bàn xã. Đó là, đảng ủy giao mỗi đảng viên vận động từ 5 - 7 người dân tham gia sinh hoạt khu dân cư, coi đây là chỉ tiêu để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức và đảng viên hằng năm.

Việc đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên đối với trưởng thôn, tổ trưởng TDP và thực hiện kiêm nhiệm đối với các chức danh chủ chốt, nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và phương thức hoạt động của các thôn, TDP cũng được cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 1.024/1.156 chi bộ thôn, TDP có cấp ủy (đạt 88,25%); có 849 thôn trưởng, tổ trưởng TDP là đảng viên, trong đó có 92 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng TDP, 453 phó bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng TDP; 81 chi ủy viên kiêm trưởng thôn, tổ trưởng TDP.

Thực tế cho thấy, khi trưởng thôn, tổ trưởng TDP là đảng viên thì đa số được bầu làm phó bí thư chi bộ, nên có điều kiện trực tiếp cùng chi ủy, chi bộ bàn bạc, xây dựng nghị quyết sát với thực tiễn hơn. Đồng thời, khi trưởng thôn, tổ trưởng TDP nắm chắc nghị quyết của chi bộ thì việc triển khai sẽ thuận lợi, tạo hiệu quả và tăng niềm tin trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng, đặc điểm của trưởng thôn, tổ trưởng TDP để quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho số cán bộ này. Đối với trung ương, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của thôn, TDP, trong đó cần xem xét nâng Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của trưởng thôn, tổ trưởng TDP...

Năng lực và uy tín là yếu tố quyết định

Trưởng thôn, tổ trưởng TDP là người trực tiếp nhận và truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ chính quyền cấp xã. Họ là những người sát dân, gần dân, hiểu dân nhất, là cánh tay nối dài của chính quyền cấp xã. Họ vừa là người đại diện cho nhân dân của thôn, TDP; vừa đại diện cho chính quyền xã đứng ra tổ chức, quản lý mọi hoạt động được giao. Do đó, năng lực và uy tín của trưởng thôn, tổ trưởng TDP sẽ là yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng khối đoàn kết ở khu dân cư.


P.ĐỨC - T.THUẬN -
B.SƠN – L.ĐỨC



 

.